Nhà thơ Trần Từ Duy tên thật là Trần Văn Lĩnh, sinh năm 1956 tại Quảng Nam. Ông được biết đến trong làng báo Sài Gòn khi viết trào phúng với bút danh Đông Ki Rét. Bút danh này được ông nhại từ nhân vật Đông Ki Sốt của văn hào Tây Ban Nha Cervantes.
Nhưng dù là “Sốt hay Rét” cả hai đều gắn với Cối Xay Gió; khi Đông Ki Sốt đánh nhau với Cối Xay Gió trong tiểu thuyết thì Đông Ki Rét mở nhà hàng mang tên Cối Xay Gió được rất đông bạn bè văn nghệ tại TP.HCM lui tới.
Nhiều năm gắn bó với nghề báo, Trần Từ Duy vẫn không vượt thoát nổi chuyện cơm áo thường nhật, ông chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Dù làm báo lộc cộc kiếm sống hay rủng rẻng bạc tiền sau này, ông vẫn luôn nuôi dưỡng thơ như một lẽ sống trong người.
Bạn văn Sài Gòn ngồi với Trần Từ Duy, thế nào cũng được ông “xuất bản miệng” thơ của mình cho nghe. Tính khí ầm ào như gió bão miền Trung, nói năng rổn rảng như sóng vỗ vào ghềnh đá, vậy nhưng Trần Từ Duy thích làm “thơ thiền” như cách ông tự nhận để chiêm nghiệm về bản thân và nhân sinh kiếp người.
Ông đã hình thành bản thảo tập Thơ viết ở chùa nhưng chưa in thành sách. Xin trích vài bài trong tập này của Trần Từ Duy: “Lên non làm sãi quét chùa/ Tiện tay quét những được thua đời mình/ Sân chùa ta quét sạch tinh/ Tâm ta quét mãi vô minh vẫn còn” hay “Anh biến mất những cũ mèm tháng chạp/ Nghe đời mình hớn hở những giêng hai/ Anh thấy anh ngồi với ban mai/ Rất nhiều nắng và rất nhiều chim chóc nữa”.
“Lão Bùi Giáng gọi là Duy Từ Trần”, giờ thì cái bút danh dành cho thơ của Trần Văn Lĩnh được thi sĩ Bùi Giáng gọi ngày nào đã ứng nghiệm khép lại một kiếp người. Biết đâu đấy ở cõi nào xa thẳm, nhà thơ Trần Từ Duy được gặp lại người đồng hương Bùi Giáng để tiếp tục “tếu táo”, “xuất bản miệng” thơ cho nhau nghe.
Tang lễ nhà thơ Trần Từ Duy Lễ nhập quan lúc 19h hôm nay 28/10 và lễ viếng diễn ra sau đó tại nhà riêng ở 44 Trần Văn Danh, P.13, Q.Tân Bình. Lễ động quan lúc 6h ngày 31/10, di quan đến an táng tại nghĩa trang chùa Tân Quy (thị trấn Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu). |
Hoàng Nhân
Tags