Nhà thơ Vũ Duy Thông: Đã 'theo bầy sếu xoải bay trong mù'

Thứ Hai, 31/05/2021 07:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông đã gửi lại dương thế tuổi 77 vào ngày 28/5/2021 sau một thời gian lâm bệnh. Nghe tin tác giả Bè xuôi sông La đã phiêu du về miền mây trắng khiến bạn bè, đồng nghiệp không khỏi bồi hồi, tiếc thương.

Lê Thiếu Nhơn 'đọc số phận' các nhà thơ

Lê Thiếu Nhơn 'đọc số phận' các nhà thơ

NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành tập chân dung - phê bình 'Hoa rơi hữu ý' của Lê Thiếu Nhơn. Đây là tập phê bình thơ của một nhà thơ, một ấn phẩm hiếm hoi trong muôn trùng thể loại sách được xuất bản hiện nay.

Tôi cứ ám ảnh mãi cái kết đầy dự cảm, tiên liệu cuộc đời trong bài thơ Mùa Thu của anh: “Mai sau trên những bãi cồn/ Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày/ Bởi tôi đã có phút giây/ Từng theo đàn sếu xoải bay trong mù”…

Và tôi chọn câu “Nhà thơ Vũ Duy Thông đã theo đàn sếu xoải bay trong mù” trên trang trạng thái Facebook của mình để tiễn biệt người anh, người đồng nghiệp tài năng, nhân hậu.

Trong veo như ánh mắt

Tôi gặp nhà thơ Vũ Duy Thông qua giới thiệu của một anh bạn từ cuối những năm 1990. Lúc đó, tôi đang cần tư liệu viết luận văn thơ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh bạn cho biết nhà thơ Vũ Duy Thông hiện là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đã bảo vệ luận án tiến sĩ về thơ kháng chiến Việt Nam và vừa in sách…

Khi về công tác cùng cơ quan anh Vũ Duy Thông, tôi rất ấn tượng với các cuộc giao ban do lãnh đạo Ban chủ trì. Đến giờ, tôi vẫn nhớ phong cách phát biểu của anh Phí Như Chanh, Phạm Xuân Thâu, Vũ Duy Thông… Sau báo cáo chung của Văn phòng thường đến báo cáo của Vụ Báo chí và các đơn vị trong Ban. Thay mặt Vụ Báo chí, anh Vũ Duy Thông báo cáo tình hình báo chí từng tuần/ tháng trên cơ sở phân tích, hướng xử lý, tham mưu… với cách nói chất giọng đằm sâu, ấm áp.

Chú thích ảnh
Tranh chân dung nhà thơ Vũ Duy Thông của họa sĩ Tuấn Dũng

Thiển nghĩ của tôi có lẽ tư chất của một nhà khoa học cộng văn chương đã giúp anh thuận lợi khi trình bày các vấn đề thuộc lĩnh vực báo chí một cách khúc chiết, khoa học, tường minh và cũng khá mềm mại thuyết phục. Tôi cảm nhận chất “nghệ” là một điểm khá nổi trội trong anh, ngay cả trong những lần đăng đàn báo chí.

Nhà văn Phạm Việt Long - nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cùng chung suy nghĩ đó. Anh sống chan hòa, gần gũi, thân thiện nên được đồng nghiệp ở các lĩnh vực báo chí - xuất bản, văn học - nghệ thuật, thông tin đối ngoại… tin yêu, quý mến. Dường như anh không làm họ có cảm giác khoảng cách công việc. Lớp đàn em như tôi được học hỏi được từ anh rất nhiều. Khi anh về hưu, năm 2005, người kế nhiệm anh là TS - nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ từ Nghệ An ra, hiện là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 2005, anh đảm nhận nhiệm vụ Phó tổng biên tập website Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) cho đến năm 2009. Thời gian này, anh luôn quan tâm đến đội ngũ phóng viên trẻ mới vào nghề. Như người cha, người chú, anh gần gũi, chân tình, nhắc nhở các bạn cách làm nghề, chú ý cách ứng xử, tác phong, giữ gìn phẩm chất của nhà báo…

Khi biết tôi là người Quảng Ninh lên học cao học, anh nói bao kỷ niệm của anh với đất mỏ thời làm phóng viên TTXVN thường trú vùng mỏ Quảng Ninh. Khi biết tôi nghiên cứu thơ kháng chiến, anh khuyến khích và cung cấp cho tôi nguồn tư liệu, trong đó có cuốn sách Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 - 1975 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998).

Gương mặt hồn nhiên, đôi mắt lim dim nhìn về miền xa lắm anh nói về cái đẹp, cái bi trong thơ kháng chiến Việt Nam (1945 - 1975) đầy mê say như “kẻ nhập đồng”. Tôi chỉ biết nghe, không dám xen vào lời nào. Những điều anh viết trong sách cũng chính là sự quan tâm của tôi. “Mấy chục năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc. Lịch sử đất nước chuyển sang một giai đoạn mới, hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng vận động, biến đổi. Không một giá trị văn hóa nào, một giá trị văn học nào, không một giá trị thơ nào lại nảy sinh ra từ hư vô. Việc nghiên cứu thơ kháng chiến từ khoa học thẩm mỹ, phát hiện và làm sáng tỏ giá trị thẩm mỹ, đặc biệt là cái đẹp trong thơ kháng chiến là rất cần thiết…”.

Đúng là bàn về cái đẹp trong thơ kháng chiến là việc đòi hỏi nhiều công sức. Tác giả Vũ Duy Thông đã bắt đầu từ Phạm trù cái đẹp trong mỹ học và cái đẹp trong thơ đến Thơ kháng chiến - bước phát triển mới của cái đẹp trong thơ Việt Nam, anh đã phân tích sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp với cái cao cả; cái đẹp và cái hùng, cái đẹp và cái bi.... Danh mục tài liệu tham khảo luận án tiến sĩ của tôi có cuốn sách của anh.

Chú thích ảnh
Nhà báo Vũ Duy Thông (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp chụp ảnh kỷ niệm trước nhà Bác Hồ ở Nam Đàn (Nghệ An) năm 1974

Tôi rèn mình trong thực tiễn

Nhà thơ Vũ Duy Thông đã từng nói, hiện thực cuộc sống vô cùng quý giá. Mỗi người cầm bút rất cần có trải nghiệm thực tiễn, cần tích lũy vốn sống. Chỉ có thực tiễn mới làm mỡ màu, tươi mới cho trang viết, cho tứ thơ. Anh đã được tắm mình trong thực tiễn sôi động; đã có những chuyến công tác biệt phái vào tuyến lửa, công trường Gang Thép Thái Nguyên, sang Campuchia…

Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), Vũ Duy Thông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ninh. Sâu sát với cuộc sống người thợ mỏ, anh có những tin chính xác, kịp thời. Những bài ký viết về vùng mỏ ngồn ngộn chất liệu hiện thực, mang khát vọng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Mảnh đất và con người miền Đông Bắc vừa có thô tháp của than, vị mặn mòi, thơ mộng của biển đã tạo nên xúc cảm mãnh liệt cho anh.

Bức thành xanh trên cát trắng là bài phóng sự đầu tiên của anh ở vùng chiến sự Quảng Ninh viết về phong trào trồng cây phi lao chắn gió ở bãi Sa Vĩ (Trà Cổ, TP Móng Cái). Có lẽ nhờ thời gian sống ở vùng mỏ Quảng Ninh, gần gũi công nhân mỏ, nhà báo Vũ Duy Thông đã có bài báo Ngành than trước ngưỡng báo động gây tiếng vang và nói như nhà báo Nguyễn Văn Trường: “Một phóng sự điều tra, như một phát đại bác rung chuyển ngành than. Nếu không có những năm thường trú vùng mỏ, không hiểu về sản xuất than, không có những người thợ mỏ bạn tâm giao… chắc đâu đã viết thoáng và sâu về than như thế”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Bè xuôi sông La” (Sách tiếng Việt lớp 4, tập 1)

Bài thơ Ngọn đèn lò cùng trong chùm thơ Bè xuôi sông La gửi dự thi báo Văn nghệ năm 1969 đã đoạt giải Ba. Giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, phóng viên trẻ lăn lộn qua các trọng điểm bắn phá ở mỏ than Hà Lầm, Hà Tu, Cọc 6, Đèo Nai… ngoài nhiệm vụ đưa tin về những nơi giặc Mỹ dội bom là vần thơ trong trẻo lãng mạn, át đạn bom: “Ngọn đèn lò/ Ấm áp và thầm lặng/ Đưa ta về với than/ Ánh xanh mềm lá trúc/ Ánh đỏ màu lửa bếp/ Đưa ta vào cuộc đời… Cầm ngọn đèn ta đi/ Có trăng tròn mỗi tối/ Anh yêu em vất vả không biết nói thành lời…”.

Khi nhận nhiệm vụ ở Phân xã Hà Tĩnh, trong chuyến đi cơ sở ở lâm trường Hương Sơn/ anh đã viết bài thơ Bè xuôi Sông La. Bài thơ làm theo thể thơ 5 chữ có âm hưởng dân ca Hà Tĩnh: “Bè đi chiều thầm thì/ Gỗ lượn đàn thong thả/ Như bầy trâu lim dim/ Đắm mình trong êm ả/ Sóng long lanh vẩy cá/ Chim hót trên bờ đê/ Ta nằm nghe nằm nghe /Giữa bốn bề ngây ngất/ Mùi vôi xây rất say/ Mùi lán cưa ngọt mát/ Trong đạn bom đổ nát/ Bừng tươi nụ ngói hồng/ Đồng vàng hoe lúa trổ/ Khói nở xòa như bông”.

Bài thơ đã mang đến cho anh giải Ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1969 cùng Phạm Tiến Duật (giải Nhất); Vương Anh, Phan Thị Thanh Nhàn Bế Kiến Quốc (giải Nhì); Vũ Châu Phối và anh giải Ba… Bài thơ Bè xuôi sông La đã đưa tên tuổi anh góp cùng thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước.

Vũ Duy Thông có 2 bài thơ được đưa vào sách giáo khoa: Bài thơ Bè xuôi sông La trích 22 câu thơ vào sách Tiếng Việt lớp 4 (tập 1); bài thơ Bé làm phi công được đưa vào Tiếng Việt lớp 3 (tập 1) mới với những câu thơ hồn nhiên, ân tình: "Rồi quay tay lái/ Bé sà xuống ngay/ Ùa vào lòng mẹ/ Mẹ là sân bay".

Chú thích ảnh
Bài thơ “Bé thành phi công” (sách Tiếng Việt lớp 3, tập 2)

Khởi nghiệp học văn, 30 năm gắn bó với báo chí, nhưng dẫu bận đến mấy sáng tác văn chương vẫn là niềm đam mê, là một phần đời không thể thiếu của anh. Năm 1982, nhà thơ Vũ Duy Thông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã quan niệm về văn chương: “Thơ là gì và nói rộng ra văn học là gì. Câu hỏi đó có từ nghìn năm trước và nghìn năm sau nữa người ta vẫn hỏi nhau câu đó vì không có câu trả lời nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Nhưng thơ, nói đúng hơn là thơ hay vẫn đang tồn tại không nhờ những định nghĩa. Thơ như không khí, như nắng trời, như hạnh phục và nỗi đau khổ, như tình yêu và căm giận…rất khó nắm bắt nhưng lại dễ biết có nó hoặc không có nó. Vậy đừng mất công đi tìm những khuôn phép cũ hay mới cho thơ, càng không nên vì thơ mà lo lắng số người viết, số người đọc nhiều hay ít. Sự cần thiết với nhà thơ và người đọc là tìm đến những bài thơ hay. Những bài thơ hay có mặt ở nơi mà nhờ nó, con người khao khát sống hơn, tin người khác hơn và yêu mình hơn”.

Năm 1977 đánh dấu chặng đường khởi đầu thơ ca bằng Miền trung du và khép lại năm 2012 tập thơ cuối cùng Con bồ câu tha đi một cọng cỏ. 35 năm ấy, sự nghiệp báo chí của anh không thôi thao thiết cảm hứng thơ ca. Anh có nhiều bài thơ ghi dấu ấn trong lòng độc giả.

Với Vũ Duy Thông, thơ là cuộc đời, là người tình, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Ngồi trong quán cà phê, nghe nhạc Trịnh, nhà thơ cảm nhận: “Dây trầu bám vào thân cau/ Nhạc Trịnh bám vào câu thơ buồn” (Nghe Trịnh trong quán cà phê). Vũ Duy Thông có nhiều bài thơ tình yêu đầy cảm xúc: “Con đường đến với người yêu/ Giật mình chợt thấy quá nhiều ngã ba” (Mùa Thu); “Nát lòng vắng bạn chiều nay/ Người ơi, chẳng thể nào say một mình” (Chiều một)…

Nhà thơ ra đi trong tiếc thương của bạn bè

Nhà văn Hà Đình Cẩn thốt lên “Bất ngờ quá. Vậy là quê ta mất một nhà thơ yêu quý. Đi bình an nơi cõi Phật, bạn nhé. Bao nhiêu là nhọc nhằn và thành công cả một đời người nào có mang được gì. Buồn ơi”.

Nhà thơ Vương Trọng “Đột ngột quá, vì không nghe được tin anh bị bệnh. Tôi biết Vũ Duy Thông từ cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1969. Anh đoạt giải với bài thơ “Bè ta xuôi sông La”. Bài thơ này khá dài”.

Nghe tin bạn mất, họa sĩ Tuấn Dũng đưa tranh sơn dầu vẽ chân dung Vũ Duy Thông lên FB “Giở tập ảnh thấy vẽ bạn mà thương mà nhớ. Mình đưa lên trang có nữ nhà văn xin tấm ảnh minh họa cho bài báo. Mình đồng ý ngay vừa là kỷ niệm, vừa làm tư liệu của bạn bè. Vĩnh biệt bạn thân yêu!”.

Thảng thốt nghe tin bạn ra đi đột ngột, nhà báo Nguyễn Văn Trường - cùng Ban biên tập Tin trong nước nhắc nhớ lại kỷ niệm vui buồn cùng nhau. Thời đó, các anh đều thấm nhuần yêu cầu cao đối với người viết tin phải ngắn gọn, súc tích, tối kỵ hư cấu, tránh bình luận suông… Anh Trường nói về người bạn “Cậu thông minh. Viết lách thoáng. Thơ được. Tài năng có nhưng cũng phải nói Thông tấn xã đã tôi luyện cậu, khởi đầu để rồi cất cánh…Cậu viết nhiều, viết khỏe, cậu là “ngoại tình” nhiều lắm đấy”. Thì ra khái niệm “ngoại tình” theo nhà báo Nguyễn Văn Trường là cách nói của những ông anh “chiếu trên” Làng Thông tấn xã thời ấy là ai viết bài cho các báo và đài khác thì bị coi là “ngoại tình”.

Tôi cũng biết viết trên Facebook của mình “Nhà thơ Vũ Duy Thông đã “theo đàn sếu xoải bay trong mù”: Vĩnh biệt anh - một đồng nghiệp, một người anh, một nhà thơ quý mến. Mong hương hồn anh siêu linh tịnh độ và ở nơi đó anh vẫn tiếp tục làm thơ…

Tang lễ của nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông được tổ chức vào lúc 11 giờ 30 đến 12 giờ 45 thứ Năm, ngày 3/6/2021 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Vài nét về nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông

Nhà thơ Vũ Duy Thông (bút danh: Thi Vũ, Duy Vũ) sinh ngày 26/02/1944 tại thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc TP Hà Nội). Anh sinh ra trong gia đình trí thức nghèo. Trong kháng chiến chống Pháp, Vũ Duy Thông đã theo bố mẹ lên chiến khu Việt Bắc sống và học tập. Năm 1966, tốt nghiệp khóa 8 khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), anh bắt đầu gắn bó với sự nghiệp báo chí từ đó: Thông tấn xã Việt Nam (biên tập viên TTXVN thường trú ở Quảng Ninh, phân xã Hà Tĩnh, Phó Trưởng phòng, Ủy viên biên tập Bản tin trong nước); Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ (1995, thời gian ngắn); Vụ trưởng Vụ Báo chí (1996-2005), Phó Tổng Biên tập Website Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) từ 2005 đến năm 2009...

Vũ Duy Thông đam mê học hành. Anh xác định sự học suốt đời cần thiết cho mỗi người. Sau khi học văn, anh tranh thủ thời gian hàm thụ đại học tại Trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1996, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Mỹ học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2003, anh được phong hàm Phó Giáo sư.

Tác phẩm:

Tập thơ: Nắng Trung du (1977), Những đám lá đổi màu (1982), Tình yêu người thợ (1987), Gió đàn (1989), Trái đất không chỉ có một người (1991), Chối từ cô đơn (1998), Một trăm bài thơ (1999), Và cuộc đời sẽ cứu rỗi (2003)…

Truyện thiếu nhi: Ai là bạn tôi (1978), Cây bưởi ngây thơ và con bướm sặc sỡ (1980), Chú Tôm gõ mõ (1981), Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của ong vàng (1982), Mèo con và cáo đỏ đuôi (1983), Chiếc kẹo tàng hình (1987), Xứ sở không người (1987), Ai là bạn tốt (1987), Chiếc nôi trên vách đá (1988), Thỏ rừng hóa hổ (1988)…

Nghiên cứu văn học: Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 - 1975 (NXB Giáo dục, 1998).

Giải thưởng: Giải Ba Cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1969 với 2 bài thơ Bè xuôi sông LaNgọn đèn lò; 2 giải thưởng sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với các tập truyện Ai là bạn tốt (1978) và Về thăm bà nội (1988)…

Nhà thơ Vũ Duy Thông mất ngày 28/5/2021 (17 tháng 4 năm Tân Sửu)…

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›