Sinh năm 1990, Cao Nguyệt Nguyên là 1 trong những tác giả trẻ nhất có nhiều tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa. Cao Nguyệt Nguyên là cây viết trẻ, năng động, đang sung sức và khát khao tìm kiếm sự đột phá trong cách viết.
Trước đây, các em học sinh tiểu học đã làm quen với Cao Nguyệt Nguyên qua các đoạn viết ngắn là Bà tôi và Cái bàn học của tôi. Sau này, trong sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo, trích đoạn Tết nhớ thương (trong truyện ngắn Nhớ thương mùi Tết) của nữ văn sĩ 9X này cũng đã được góp mặt.
Cao Nguyệt Nguyên từnggây ấn tượng trên văn đàn Việt với bộ sách nghệ thuật Truyện Kiều tự kể, khi cho 12 nhân vật trong Truyện Kiều kể lại nỗi lòng của mình qua cái nhìn của những người trẻ. Khi làm một điều mới mẻ - như "viết lại" một tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều - Cao Nguyệt Nguyên đã đặt mình vào một thế khó, vì biết chắc sẽ gặp những phản ứng mạnh mẽ từ những người có quan điểm trái chiều. Nhưng biết sao được, đó là khát khao làm mới mình và trên hết là được cất tiếng nói thật nhất từ trong nội tâm của mình, vậy nên cô vẫn tiếp tục đặt mình vào những thử thách khác như viết truyện cho thiếu nhi, viết tiểu thuyết lịch sử...
* Đoạn trích "Tết nhớ thương" trong sách đã được viết như thế nào và cơ duyên được chọn vào sách giáo khoa ra sao?
- Trích đoạn Tết nhớ thương nằm trong truyện ngắn Nhớ thương mùi Tết của tôi. Tôi viết trong nỗi nhớ của những mùa Tết trong ký ức, khi mình còn là một đứa trẻ như các em học sinh bây giờ.
Sau khi tác phẩm này được đăng trên tạp chí Văn tuổi thơ, tôi đã nhận được cuộc điện thoại của tiến sĩ Trịnh Cẩm Ly, chị nói rất ấn tượng với tác phẩm và mong muốn đưa vào sáchTiếng Việt 5, bộ Chân trời sáng tạo. Tất nhiên là tôi rất vui và đồng ý ngay, vì tác phẩm viết cho thiếu nhi mà đến được với các em là điều tôi sung sướng nhất.
Ngoài ra, tôi vui vì với đoạn trích này, các em sẽ đến với một không khí Tết có lẽ là xa lạ, thú vị, vì biết thêm một chút về cảnh quan, đặc sản và tập quán ngày Tết ở một nơi xa.
* Chị cũng có một số đoạn văn đã đăng trong các sách "Tiếng Việt" trước đó, cảm xúc lần này có gì khác không?
- Với tôi vẫn là những cảm xúc thú vị và hạnh phúc. Được đóng góp một phần nhỏ vào việc xây dựng chương trình học của các em đó là điều tôi thấy rất ý nghĩa với một người viết. Tôi cũng có con nhỏ đang tuổi đi học nên thật vui khi sau này trong chương trình học của bé bắt gặp bài viết nhỏ của mẹ.
* Chị nói viết cho thiếu nhi cần phải có sự trong trẻo, điều đó đương nhiên, nhưng cũng có nghĩa là chị cần phải tìm kiếm sự trong trẻo khi viết, hoặc đơn giản là chị trở về với phần trong trẻo, trẻ thơ nhất sẵn có trong con người mình?
- Cái trong trẻo trong tác phẩm viết cho thiếu nhi, với tôi, nghĩa là mình nắm bắt được tâm lý của các con. Viết cho các con bằng cái nhìn của một đứa trẻ, những cảm nhận ngây thơ về cuộc sống, về tình cảm, chứ không phải là những bài học giáo điều, áp đặt.
Thường thì khi bắt đầu viết một câu chuyện cho thiếu nhi, đầu tiên là tôi sẽ suy nghĩ về câu chuyện đó rất lâu, sau đó là có một khoảng thời gian hóa thân vào các nhân vật. Tôi muốn bước vào thế giới của các em và luôn đặt ra các câu hỏi, nếu mình là đứa trẻ đó thì mình sẽ nghĩ như thế nào, mình sẽ làm gì.
Cũng có nhiều câu chuyện tôi viết ra xong, nhưng không ưng vì khi đọc lại thấy già dặn quá, viết với tâm thế của một người lớn nhìn vào bọn trẻ, nên cái thế giới trẻ thơ trong đó nó không đẹp, bị nhuốm màu toan tính, cài cắm những ý đồ và dụng ý nghệ thuật. Thực ra trẻ con cần những điều đơn giản và phảiđược thể hiện thú vị.
* Gần đây rất nhiều tác giả chuyển sang viết cho thiếu nhi ở nhiều thể loại khác nhau, theo chị đây có phải là trào lưu không, hoặc chị có lý giải riêng của mình về hiện tượng này?
- Tôi nghĩ đó là điều cần thiết và rất nên làm. Vì hiện nay ở Việt Nam, những tác phẩm viết cho thiếu nhi vẫn còn rất ít, trong khi đó nhu cầu của độc giả lại rất nhiều. Vậy nên, văn học thiếu nhi rất cần được khuyến khích viết và cần được quan tâm nhiều hơn.
Thế giới trẻ thơ rất phong phú, nhu cầu thưởng thức của các con cũng vô cùng đa dạng. Nhiều bé thích kiểu ngụ ngôn, đồng dao, nhưng cũng có bé thích giả tưởng, hiện thực.
Nói chung, khi các tác phẩm có biên độ mở rộng về đề tài và cách thức thể hiện thì sẽ càng tiếp cận được các độc giả nhỏ tuổi hơn.
Tôi nghĩ, các nhà văn viết cho thiếu nhi hiện tại đã nắm bắt được những thể loại và tìm được cách viết khiến các bé thấy hấp dẫn, cho nên những năm gần đây ngày càng có nhiều tác phẩm được độc giả nhí trong nước yêu thích. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng.
"Đừng chỉ viết những câu chuyện của bản thân, của tuổi thơ mình ở thập niên 1990 nữa. Thế giới tuổi thơ của các con bây giờ khác lắm, thế giới hiện đại với biết bao luồng thông tin, những thứ xung quanh cũng đã thay đổi nhiều rồi" - nhà văn Cao Nguyệt Nguyên.
* Trong một bài phỏng vấn, chị nói đại ý rằng sáng tác cần phải có điều mới mẻ và chị làm mới mình như thế nào, có "công thức" nào trong sự đổi mới của chị không?
- Tôi đã nói điều đó như một cách tự căn dặn bản thân rằng: Đừng chỉ viết những câu chuyện của bản thân, của tuổi thơ mình ở thập niên 1990 nữa. Thế giới tuổi thơ của các con bây giờ khác lắm, thế giới hiện đại với biết bao luồng thông tin, những thứ xung quanh cũng đã thay đổi nhiều rồi. Hãy viết về cuộc sống của các con ở thời điểm hiện tại, hãy đi sâu vào những cảm nhận, những góc khuất của cuộc sống để hiểu hơn về đời sống tinh thần của bọn trẻ, dù là ở thành phố hoặc nông thôn.
Trẻ con ở thời hiện đại tuy cuộc sống đầy đủ, tiện nghi nhưng lại rất dễ bị tổn thương, hay tủi thân và dễ mang nhiều mặc cảm. Các con cần được người lớn đồng hành qua những câu chuyện, những trang sách hay sẽ chia sẻ với các em được nhiều điều.
* Viết về phụ nữ và trẻ em là ưu tiên của chị, có phải vì họ thường được xem là những người yếu thế trong xã hội chăng?
- Nhiều người nói: Phụ nữ thời nay mạnh mẽ lắm, họ làm chủ cuộc sống của mình, biết nói tiếng nói công bằng cho bản thân. Nhưng tôi nghĩ, dù trong thời đại nào thì phụ nữ và trẻ em cũng luôn là phái yếu. Bởi lẽ tự sâu thẳm trong tâm hồn họ đã chứa đựng sự nhạy cảm, yếu mềm, dễ bao dung, tha thứ và dễ bị tổn thương.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người nghĩ phụ nữ được giải phóng cả về tinh thần và thể xác, nhưng thật ra họ càng phải gồng gánh thêm nhiều trách nhiệm, nhiều lo toan và họ lại càng dễ bị tổn thương hơn.
Tôi cũng là một người phụ nữ, nên hiểu rõ thế giới nội tâm phức tạp của phụ nữ,sự mong manh của những tâm hồn trẻ thơ. Từ những số phận đời thường tôi đã gặp, đã chạm vào những kiếp sống khốn cùng đau khổ và đưa nó vào tác phẩm của mình. Tôi luôn cố gắng khắc họa và thể hiện sinh động, chân thực nhất có thể những phận người như thế.
Và may mắn thay là có những điều tưởng chừng như lời nói không thể diễn tả được thì văn chương lại thể hiện được tất cả.
* Hiện tại chị có đang viết tác phẩm gì không? Chị có nghĩ đến một dự án dũng cảm, một bước đi mới mẻ tương tự như "Truyện Kiều tự kể" trong tương lai gần không?
- Tôi vẫn đang viết, chưa bao giờ ngưng viết, vì viết như hơi thở của mình vậy. Sắp tới tôi sẽ ra mắt một cuốn truyện dài cho thiếu nhi, cuốn sách lấy bối cảnh ở một xóm trọ trong thành phố nhỏ. Tôi hy vọng những khắc họa chân thực và những tính cách đáng yêu của nhân vật sẽ được đông đảo các bạn nhỏ đón nhận.
Bên cạnh đó, tôi còn triển khai một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Đây là một cuốn sách khá nặng ký với tôi, nhưng tôi thích khám phá và đối mặt với những thử thách. Nếu cứ viết những tác phẩm an toàn thì văn chương còn gì thú vị, phải vậy không?
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Vài nét về Cao Nguyệt Nguyên
Cao Nguyệt Nguyên sinh năm 1990 tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Tốt nghiệp Khoa Văn học,Trường ĐHKHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Các tác phẩm đã xuất bản: Trăng màu hổ phách (tập truyện ngắn), Đèn trời trên bến không trăng (tập truyện ngắn), Nguyện của đêm (truyện dài), Truyện Kiều tự kể (sách nghệ thuật)…
Cácgiải thưởng: Cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ quân đội 2013 - 2014; Văn học Hạ Long 2015- 2017; sáng tác tiểu thuyết về đề tài công đoàn, công nhân 2021 - 2023…
Tags