Nhà văn Đức lý giải những Ninja 'xe máy', 'áo hoa' trên đường phố Việt Nam

Thứ Tư, 15/11/2017 06:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tập du ký Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa của nhà văn Juli Zeh (Đức) vừa chính thức ra mắt bản tiếng Việt tại TP.HCM. Tập sách rất đặc biệt, không phải ở nội dung, mà là ở cung cách hình thành: Juli Zeh đến Việt Nam trong 3 tuần để viết nó. Đây chính là tài năng và sức hấp dẫn của nhà văn này.

Lần đầu đến Việt Nam, Juli Zeh bị sốc nhiều thứ, bị rối loạn tiêu hóa phải đi cấp cứu, nhưng qua cuốn sách, người ta chỉ thấy một đất nước đang lạc quan, dù còn những nghịch lý.

Một cuốn sách đặt hàng

Hoàn toàn có thể nói đây là một cuốn sách đặt hàng, với một nan đề, một bài toán quá khó. Đó là làm sao để viết một cuốn sách về Việt Nam chỉ trong 3 tuần? Trong khi với Juli Zeh vào lúc bắt đầu viết sách này, Việt Nam là một đất nước hoàn toàn mới mẻ, xa lạ.

Tháng 10/2010, Juli Zeh nhận lời mời của Viện Goethe Hà Nội đến Việt Nam 3 tuần, cô đi từ Bắc chí Nam, hoàn thành Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa ngay trong chuyến đi. Đây là một kiểu viết văn theo ý niệm, giống như trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Phi từng ra lệnh cho Tào Thực trong 7 bước phải xong bài thơ về tình anh em, nếu không sẽ chém đầu.

Chú thích ảnh
Nhà văn Juli Zeh

Tất nhiên Viện Goethe Hà Nội sẽ không… “chém đầu” ai, và Juli Zeh cũng có thể hoàn thành bản thảo sau đó ít lâu để… trả nợ. Thế nhưng cô đã chọn viết ngay trên đường đi, đầy tương tác, vấp váp và ngẫu hứng, kiểu thấy gì nghĩ gì viết nấy. Hạn chế của điều này là khó viết sâu, khó đối chứng dữ liệu, nhưng ưu điểm là tươi mới, trực diện.

Dường như Juli Zeh có kinh nghiệm về điều này, năm 2002, cô đã khá thành công với bút ký Sự im lặng là một tiếng động, viết về thời hậu chiến của đất nước Bosnia, nơi có những con người châu Âu gần như bị lãng quên giữa châu Âu.

“Những ấn tượng về đất nước và con người được ghi lại ngay lập tức khi chúng còn tươi rói, song chúng được ghi đồng thời với ý thức phê phán và phản tư của tác giả. Những ghi chép như thế, ở thời điểm ra đời, dường như không hướng đến công chúng, mà chỉ phục vụ cái nhu cầu muốn hiểu của tác giả” - dịch giả của cuốn sách, Đinh Bá Anh, nhận xét.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa”

5 con số và 1 hình ảnh để bắt đầu

Juli Zeh chia cuốn bút ký của mình thành 5 phần, bắt đầu mỗi phần là một hình ảnh đặc trưng của Việt Nam mà cô ấn tượng. Phần 1 là  hình ảnh mưa Hà Nội, phần 2 đêm Hội An, phần 3 biển Nha Trang, phần 4 đợi máy bay ở Cam Ranh, phần 5 là sông Mê Kông.

Trong mỗi phần, khi bắt đầu câu chuyện, Juli Zeh cũng bắt đầu bằng một hình ảnh đặc trưng. Ngay như tựa đề cuốn sách, nó cũng có hình ảnh đặc trưng: “xe máy”, “áo hoa”. Nhiều phụ nữ nước ngoài đến Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy nhiều phụ nữ Việt - đặc biệt ở miền Nam - mặc đồ bộ, với màu sắc sặc sỡ, rất nhiều hoa. Họ thường tự hỏi: Vì sao các cô gái ấy lại mặc áo và quần giống nhau thế nhỉ?

Chú thích ảnh
Dịch giả Đinh Bá Anh giao lưu, chia sẻ quá trình dịch “Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” tại TP.HCM sáng 14/11

Nhưng cần nói ngay, đây không phải là một dạng cảm xúc du lịch bình thường. Cho nên, bên cạnh sự ngạc nhiên, thú vị, sách có nhiều những hình ảnh mang tính châm biếm, phê phán thói hư tật xấu của người Việt. Có thể nói Juli Zeh đã thử giải bài toán nghịch lý tại Việt Nam, những điều mà trong 3 tuần cô không thể nào hiểu hết được. Trong một bài phỏng vấn, khi hỏi có thể dùng 3 chữ để diễn đạt về Việt Nam, Juli Zeh nói: hỗn loạn, thanh bình, nghịch lý.

Ví dụ Juli Zeh viết về xe máy: “...Như một dòng sông, như là một tổng hòa nghệ thuật, không chỉ chuyển động về một hướng mà nó tràn về đủ mọi hướng. Nó hòa vào, nó tách ra, nó cuốn lấy nhau, nó đan vào nhau. Nó tự trôi chảy không ngừng nghỉ. Một hoạt cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hình thành từ quá trình cơ giới hóa nhanh chóng, kết hợp với sự vắng bóng triệt để của tất cả các loại hình giao thông công công đô thị...”.

Tiến sĩ luật viết văn

Juli Zeh (sinh năm 1974) là tiến sĩ luật quốc tế, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội và nhà văn. Với văn học, chị đã xuất bản 5 tiểu thuyết, nhiều vở kịch, nhiều tiểu luận về văn chương và xã hội. Tiểu thuyết đầu tay Đại bàng và thiên thần xuất bản năm 2001, sau đó được dịch ra 31 thứ tiếng. Năm 2002, Juli Zeh được trao giải Sách Đức, và năm 2013 là giải Thomas Mann.

Nhà văn Đức Wolf Erlbruch đoạt giải văn học Tưởng nhớ Astrid Lindgren

Nhà văn Đức Wolf Erlbruch đoạt giải văn học Tưởng nhớ Astrid Lindgren

Giải Tưởng nhớ Astrid Lindgren năm nay, giải văn học danh giá nhất trong làng văn học thiếu nhi và người trẻ, đã được trao cho nhà văn kiêm họa sĩ minh họa Đức Wolf Erlbruch.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›