(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/12/2017 vừa qua, giữ đúng “lời hứa” với người viết sau khi nhận giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần 10 của báo Thể thao & Văn hoá, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã “trích một số tiền nhỏ” của Giải thưởng Lớn để tổ chức sinh nhật cho mình.
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc được được vinh danh Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội
- Hữu Ngọc - người phác thảo 'Chân dung văn hóa Hà Nội'
Nếu “tính cả tuổi mụ”, đến năm Mậu Tuất này, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã hưởng trọn một thế kỷ Xuân. Ông đặc biệt thích người khác mừng ông 1 thế kỷ tuổi hơn là mừng thọ ông 100 tuổi.
“1 thế kỷ tương đương với 100 năm. Nghe đến 100 tuổi giống như là lời nhắc nhở mình đã già cả quá rồi. Nhưng nghe 1 thế kỷ tuổi thì thấy... ít, thấy như mình mới 1 hay 10 tuổi ấy, nên vui khỏe lắm”! - nhà văn hóa Hữu Ngọc hóm hỉnh.
Những cái Tết đến “chết” cũng không quên
Lần giở lại trong lớp trí nhớ vẫn còn minh mẫn đáng nể sau gần chẵn một thế kỉ cuộc đời, nhà văn hoá Hữu Ngọc chậm rãi điểm lại những cái Tết mà ông coi là đáng nhớ nhất. Thú vị thay, gần như tất cả đều gắn với bước chân của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1945, Hữu Ngọc ở chiến khu Việt Bắc trong vai trò là Trưởng ban Tù hàng binh Âu Phi. “Hồi ấy mới có hai mấy tuổi đầu”, ông thong thả, hồi tưởng lại 9 năm xa Hà Nội với vô vàn gian khổ. “Ngày ấy ăn uống rất thiếu thốn. Mỗi tháng bộ đội may ra được hai miếng thịt nhỏ xíu. Cơm toàn sạn trộn cùng ngô. Ăn rau rừng. Thiếu muối, có khi phải đốt măng tre thay cho muối.
Tết đến, trên chiến khu thế nào cũng mổ lợn, bộ đội được dịp ăn uống thịnh soạn nhất trong năm. Tôi phụ trách giáo dục những hàng binh Lê dương. Trong số đó có rất nhiều người Đức, phần lớn là xuất thân từ đội quân bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ 2, gia nhập Lê dương để khỏi chịu hành hình của người Pháp”, ông nói. “Những người lính Đức ấy, theo chính sách của Đảng ta sẽ được giáo dục rồi gửi về quê hương”.
Với vai trò phụ trách giáo dục hàng binh Lê dương, nhà văn hoá Hữu Ngọc nhớ như in cái Tết cuối cùng của họ trước khi được quân đội ta dẫn về nước. Khoảng 50 người Đức dựng bàn, dựng ghế bằng tre, mổ lợn, cùng bộ đội ta bày biện mọi thứ.
“Giữa rừng núi bát ngát tre nứa, trong đêm tối phải che ánh sáng vì sợ ném bom, họ đồng thanh hát về quê hương. Giọng hát của họ âm vang, đồng điệu, lâm li và đượm buồn - nỗi niềm của những người con xa quê, nghe đủ biết họ nhớ và yêu quê hương thế nào”. Nói rồi, ông ngân nga một đoạn nhạc còn sót lại trong trí nhớ về đêm giao thừa năm ấy. Âm điệu nghe như khúc đồng ca của dân hướng đạo.
Sau đó ông nhắc lại về một cái Tết đầy “bi hài kịch”, khi ông may mắn thoát chết ngay lúc họng súng thực dân Pháp đã kề gáy. Ấy là vào rạng sáng 30 Tết Quý Tị 1953, khi ông đang làm chủ bút cho tờ Tia Sáng, một tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp, bên cạnh công việc của một Chủ tịch Văn hoá kháng chiến Nam Định và dạy học.
Trong lúc đang đạp xe xuyên qua một làng Công giáo, ông bất ngờ chạm mặt một nhóm lính Pháp. Cả sợ, ông vội vàng quay xe lại thì nghe tiếng lên đạn, chắc mẩm: “Lưng sắp sửa bị no đạn đây”. Thế rồi luống cuống thế nào, ông bị rơi dép, rồi tuột cả xích xe. Cú tuột xích tai hại khiến ông không khỏi liên tưởng đến con ngựa Đích Lư trong truyện Tam quốc. May mắn thay, chiếc xe tưởng như “phản chủ” ấy lại tự động vào xích, giúp ông chạy thoát khỏi cái chết trong gang tấc hoặc chí ít sẽ bị bắt.
“Nhưng cái Tết đáng nhớ nhất” - ông ngả người, nét mặt tựa hồ giãn ra một niềm vui vọng về từ thuở xa xăm - “Đó là cái Tết hoà bình đầu tiên sau chiến thắng Điện Biên Phủ, được trở lại Thủ đô”.
Thước phim quay chậm về một Hà Nội năm 1954 cứ thế trải dần trong trí tưởng tượng của người viết qua lời nhà văn hoá Hữu Ngọc. Trong không khí hân hoan yên bình, hồ Hoàn Kiếm tựa như vòng đu quay khổng lồ, chầm chậm quay với những bước chân người dạo quanh, đông như trảy hội. Ánh đèn đường thuở thiếu điện phủ sắc vàng vọt lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tiếng cười xen lẫn tiếng nói chuyện rôm rả.
Nơi trục giữa vòng đu quay khổng lồ ấy, đền Ngọc Sơn nối với Bờ Hồ bằng chiếc cầu Thê Húc cong cong, tất cả đều chật ních người đứng, người ngồi chờ đón giao thừa. Và đến đúng thời khắc chuyển giao thiêng liêng, một hồi còi báo động vang lên, nối tiếp sau là tiếng pháo đùng đoàng vọng lại từ xa. Không gian ồn ào bỗng nhất loạt im phăng phắc, tất cả cùng hướng về phía loa phát thanh nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết.
“Cảm giác im lặng của đám đông ấy lạ lắm. Cái tôi như hoà vào cái ta tập thể. Dường như mọi người, và cả tôi nữa cùng hun đúc trong một tư tưởng chung”, ông nói.
Đối với nhà văn hoá Hữu Ngọc, cái Tết Hà Nội năm 1954 đáng nhớ ấy không chỉ ở cảm giác của một người mới ở trên rừng về, mà còn nhờ bài thực hành về tâm lý tập thể mà ông đã được học.
Cứ thế, câu chuyện về những cái Tết xưa của nhà văn hoá Hữu Ngọc trôi miên man trong dòng hồi tưởng không dứt của một người đã sống qua từng thời khắc thiêng liêng của vận mệnh dân tộc. Giữa mưa bom bão đạn của biến động thời cuộc, người được mệnh danh là “nhà văn hoá kháng chiến” ấy cũng giữ được cho mình những kí ức Tết đầy lãng mạn.
Hướng đôi mắt mờ đục về tấm ảnh chụp hồi còn trẻ của hai ông bà, ông Hữu Ngọc tiếp câu chuyện: “Tôi vẫn nhớ cái Tết hồi mới lấy vợ, vừa sinh con đầu lòng. Ngày cuối năm, tôi cầm cành đào, mà đào rừng thì nhiều vô kể, lội qua suối để về với vợ con. Nhớ đến những bài thơ về đào, cảm giác vui sướng cứ dâng lên thôi thúc trong người. Cái tuổi kháng chiến ấy thế mà lãng mạn”.
Tết Việt trong những câu chuyện “xuất nhập khẩu” văn hoá
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà văn hoá Hữu Ngọc lui về gần thì hiện tại hơn, khi ông đã trở thành một nhà “xuất nhập khẩu” văn hoá.
Trong những câu chuyện văn hoá bất tận “xuất khẩu” cho bạn bè phương Tây, Tết Việt luôn là mảng đề tài ông chú trọng.
“Người nước ngoài muốn hiểu về hồn Việt, trước hết hãy hiểu về cái Tết của Việt Nam. Ý chính của tôi khi nói về Tết, đó là thời điểm cái tình của hồn dân tộc đậm đà nhất. Dù nước nào cũng có mùa Xuân, dù có vay mượn đâu đó nhưng Tết Việt vẫn không lẫn vào đâu được”, nhà văn hoá Hữu Ngọc nói.
Ông đưa ra một phép so sánh khá thú vị. Đấy là có thể cộng tinh thần của lễ Noel và năm mới của phương Tây, thì cũng chưa đủ được cái ấm áp, sâu sắc của Tết Việt.
Sở dĩ Tết Việt sâu sắc, bởi nó chứa đựng trong đó những sự kết tinh, giao hoà: giữa con người với thiên nhiên, giữa người sống và người chết, cá nhân với gia đình, làng xóm với dân tộc và giữa người Việt Nam với thế giới bên ngoài.
Lần lượt, ông dẫn giải về những cái kết tinh kể trên. Rằng Việt Nam ta vốn là nước nông nghiệp, con người và thiên nhiên gắn bó mật thiết. Tết đến, muôn hoa đâm chồi nảy lộc khiến lòng người cũng phơi phới. Hồn Tết giờ phai nhạt đi, cũng bởi phần nhiều vì công nghiệp hoá, vơi dần bản chất nông nghiệp.
Rồi tính chất sum vầy, kết nối con người của Tết được bắt đầu bằng việc mời người thân đã khuất về ăn 3 ngày Tết. Ngày trước, người đi làm ăn xa, cái khổ nhất là đến Tết không được về quây quần…
“Nhưng đáng nói nhất, chính là tính nhân văn của Tết Việt. Đó là một cái Tết đậm đà về mặt tâm hồn”, nhà văn hoá Hữu Ngọc khẳng định. “Ngày đầu năm người ta luôn cố giữ tâm hồn mình trong sáng, tránh nói điều xấu, điều gở, không to tiếng và đặc biệt là kiêng đòi nợ. Phương Tây đâu có chuyện trò viếng thầy, con cái viếng cha mẹ ngày Tết, bạn bè thăm viếng chúc Tết nhau”.
Những món quà Tết độc đáo
Nhà văn hóa Hữu Ngọc có một thói quen là mỗi khi Tết đến, Xuân về, ông thường tự tay làm hoặc “đặt hàng” những món quà chúc Tết rất... văn hoá để “mừng tuổi” con cháu, bạn bè.
Chẳng hạn, Xuân Đinh Hợi (2007), ông đặt thợ nung vài chục chiếc đĩa gốm, viết chữ “Duyên” (chữ Hán) và vẽ vài cụm hoa đào rồi tráng men sứ trắng. Xuân Mậu Tý (2008), ông in bài thơ chữ Hán Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên lên góc tờ bìa rộng, bên cạnh bức vẽ hình nhành mai với đôi chim đang nép vào nhau.
Hay như Tết Kỷ Sửu (2009), nhà văn hoá Hữu Ngọc tặng bạn hữu một tấm bưu thiếp khổ A4, mặt ngoài là chân dung của ông, dưới in sẵn đôi chữ Mừng Xuân, khoảng trống đề tặng và dấu triện, chữ kí. Các mặt còn lại in ảnh chụp tranh sơn dầu của Phạm Tăng, bút tích và hai câu thơ chữ Hán của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hoá nổi tiếng của thế kỉ 20.
Đem những điều ấy ra hỏi nhà văn hoá Hữu Ngọc, ông chỉ cười xoà: “Thói quen ấy cũng được gần 10 năm nay thôi. Thú chơi Xuân ấy mà”.
Vâng! Chỉ là cái thú thôi nhưng cái thú của một người già cả như cụ giá kể được nhiều người biết đến hơn, thì có lẽ sẽ bớt đi phần nào những hành động đi ngược lại với nét đẹp văn hoá truyền thống, bớt đi những lời ca thán về một cái Tết ngày càng nhạt. Tết nhạt, hay chính con người đang đối đãi nhạt nhoà với Tết?
Hai câu thơ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mà nhà văn hoá Hữu Ngọc trân trọng in lên thiệp chúc Tết đã được ông dịch sang cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Hai câu thơ vốn được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện dành tặng cho một giáo sư Trung Quốc, khi vị giáo sư này tìm đến tham vấn ông về những mối lo thế sự. “Hỉnh nhĩ tu du vong thế sự/Tùng lâm tuyết lạc tự mai hoa”.
Đây cũng là hai câu thơ nhà văn hóa Hữu Ngọc gửi đến độc giả Thể thao & Văn hóa nhân Xuân Mậu Tuất thay cho lời chúc năm mới tốt lành, bình an.
Xin được trân trọng nhắc lại cùng bạn đọc bằng lời dịch hai câu thơ trên: Xin bạn phút giây quên thế sự/ Rừng thông tuyết rụng tựa mai hoa.
9 Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội Được thành lập từ năm 2008, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức đã trao 9 Giải thưởng Lớn cho những “cây đại thụ” có những đóng góp xuất sắc cho Hà Nội, cùng 38 giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm. Nhà văn hóa Hữu Ngọc, Giải thưởng Lớn năm 2017 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, Giải thưởng Lớn năm 2016 Nhà nghiên cứu Giang Quân, Giải thưởng Lớn năm 2015 Nhà nghiên cứu Tảo Trang Vũ Tuân Sán, Giải thưởng Lớn 2014 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, Giải thưởng Lớn năm 2013 Nghệ sĩ guitar Văn Vượng, Giải thưởng Lớn năm 2012 Nhà sử học, giáo sư Phan Huy Lê, Giải thưởng Lớn năm 2011 Nhà văn Tô Hoài, Giải thưởng Lớn năm 2010 Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Giải thưởng Lớn năm 2009 |
Hà My
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Tags