Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời tại nhà riêng, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - trút hơi thở cuối cùng.
Chị Hoàng Dạ Thư - con gái của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - chia sẻ với báo chí cha chị qua đời lúc 2h30 chiều nay 25/7.
Được biết, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị liệt nửa người, mọi hoạt động đều cần người hỗ trợ. Hôm 6/7, khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - vợ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - qua đời, ông cũng không ý thức được.
"Cha từng bị tai biến cách đây hơn 20 năm, di chứng bị liệt. Vài năm gần đây, ông lại gặp vấn đề sức khỏe khiến tinh thần, trí nhớ không còn được tốt" - chị Hoàng Dạ Thư kể.
Theo thông tin từ gia đình, lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được tổ chức vào ngày 30 và 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Gia đình cũng sẽ đưa di hài nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về an táng tại quê nhà ở Huế.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông cũng từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông từng dạy ở trường chuyên Quốc học Huế vào năm 1960-1966.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thành công với thể loại bút ký. Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông (viết năm 1981) được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THPT. Năm 2019, tác phẩm được đưa vào đề thi Ngữ văn THPT quốc gia.
Tags