(TT&VH Cuối tuần) - Tập thơ Mảnh mảnh mảnh (NXB Văn học, 4/2012) của Lê Anh Hoài đã chủ động dịch ra tiếng Khmer, K’Ho, Lô Lô và cả chữ Nôm, điều mà có lẽ ít nhà thơ đương đại nào dám nghĩ đến. Từ chủ kiến của mình, nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara cắt nghĩa về cách làm tưởng chừng như ngược đời này.
Là nghệ sĩ có nghĩa là nhập cuộc chịu chơi, vô phân biệt. Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa. Bao nhiêu chân trời mở ra trước ta với bao nhiêu phương tiện. Người nghệ sĩ nhập cuộc và mời gọi mọi người cùng nhập cuộc chơi. Chơi hết mình, thể hiện hết mình. Bằng ngôn ngữ chữ viết lẫn ngôn ngữ thân thể, trong cuộc sống hay trong nghệ thuật. Đời sống văn nghệ đương đại, ta bắt gặp vài nghệ sĩ như thế. Lê Anh Hoài là một.
Lê Anh Hoài nhà báo hay Lê Anh Hoài từng là chủ nhân blog bupbebangbot nóng hổi thời sự văn chương và xã hội qua cảm thức hậu hiện đại với lối viết đặc trưng, là sự thể đáng ghi nhận đầu tiên. Đó là một nhập cuộc biểu lộ thái độ của nghệ sĩ trước cuộc sống và nghệ thuật. Nó là một phần không thể cắt rời của con người nghệ thuật Lê Anh Hoài, bằng thái độ nghệ thuật và hành động nghệ thuật.
Lê Anh Hoài
Từ Lê Anh Hoài nghệ thuật thị giác…
Ở Tôi là cột điện, tác phẩm trình diễn (performance art) tại Hà Nội, 6/2008, nằm trong dự án “Ra đường” do Ngô Lực khởi xướng, nghệ sĩ đứng trên vỉa hè, thêm những kẻ chứng kiến cột điện, họ viết chữ, dán (quảng cáo, rao vặt), dựa lưng, có cả một cháu bé tè vào... Thông qua một vật rất phổ biến trong đời sống đô thị Việt Nam hiện đại, nghệ sĩ muốn thay đổi góc nhìn về nó, phả vào nó cái nhân tính để đánh thức nhân tính con người. Tác phẩm tham vọng đánh thức cái nhìn của cộng đồng với nghệ thuật đương đại, với cách biểu đạt mới, không gian mới.
Sau đó là Tiến lên, tác phẩm sắp đặt (installation art), trình diễn tại 25 Studio, Hà Nội, tháng 7/2009, rồi Đồng Cu cùng thực hiện với hai nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh và Nguyễn Hồng Phương tại Hà Nội, tháng 9/2009. Đây là một tác phẩm tổng hợp giữa trình diễn (performance art), sắp đặt (installationart), vẽ trên cơ thể (body painting) trên nền chủ đạo là âm nhạc pha trộn giữa hát văn, nhạc vũ trường (dance DJ), nhạc bán cổ điển (semi classic)... Tác phẩm gợi mở nhiều liên tưởng mang tính xã hội và mời gọi các diễn ngôn khác nhau về nó.
Sang Lê Anh Hoài tiểu thuyết…
Một mớ chuyện tình (yêu, dục) với những chi tiết tréo ngoe dẫn đến cảnh ngộ trớ trêu có mặt đầy tràn trong Chuyện tình thời tạp kĩ (NXB Đà Nẵng, 2007). Ở đó, bao nhiêu là chuyện lăng nhăng, nhí nhố rất hợp với báo chí - loại báo lá cải, hợp hơn nữa với tiểu thuyết diễm tình đang tràn ngập thị trường sách báo, sẵn sàng tư thế giải muộn chị em bán siêu thị, mấy cô tiểu thư đời mới giết thì giờ. Lê Anh Hoài của Chuyện tình thời tạp kĩ lập chương hồi tiểu thuyết để giễu nhại chúng. Tất tần tật… Tất cả không gì khác là lay dậy văn chương Việt Nam đương đại tự thức, để nhìn lại nỗi lạc hậu và nhảm nhí của mình, và nếu có thể - thay đổi.
Cho đến Lê Anh Hoài thơ
Vẫn là một Lê Anh Hoài nhập chuộc chịu chơi, và kêu gọi con người làm nghệ thuật hôm nay cùng nhập cuộc chơi - trò chơi cá thể trong trò chơi chung của thế giới, qua tập thơ đầu tay Mảnh mảnh mảnh rất khác người. Từ nghĩ khác người...
Vì một ngày mới đã đến mà ngày cũ chưa qua
Vì một chuỗi ngày trước đó vẫn còn sống từng mảnh từng mảnh
Tôi đã sống? Quả thật đã sống hàng chục năm?
Có hàng ngàn người đã gặp tôi, còn lưu lại những mảnh của tôi trong ký ức họ?
Thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những người lưu - mảnh - tôi
Tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh mà tôi thu lượm được.
… Tôi ngồi đây nghĩ những chữ viết ra hàng ngày như châu chấu như cào cào như chuồn chuồn bay lơ lửng
Những cơm ăn nước uống bụi hít những chuông rung email chat chit hẹn hò nhăn nhó phóng xe trên phố còi đâm phanh rít
Nhân vật của tôi chiếm chỗ não thùy sống cùng tôi mưu sinh toan tính kết bạn làm tình…
Thức nhận “những màu sắc bóng hình âm thanh cuộc đời như installation, như video art”, như chữ nghĩa, như thơ ca, đồng thời thức nhận sâu thẳm định phận nghệ sĩ “mảnh mảnh mảnh” giữa trùng trùng khuôn mặt người trong “thiên địa chi du du” này, Lê Anh Hoài đã thể hiện một tâm thức mở, tinh thần chịu chơi để chơi trọn vẹn trò chơi do mình bày ra. Cá nhân “mảnh mảnh mảnh” kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động một cách riêng tư trước vấn đề rất cụ thể mà thế giới đặt ra cho mình/cộng đồng mình.
“Tôi hình dung, mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó, từng thứ trong vạn vật và muôn loài hiện ra với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế - giới - ngôn - ngữ khác… tôi mong muốn thơ mình - vốn được viết bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, tiếng người Kinh - được sống trong những thế - giới - ngôn - ngữ khác”, như tự bạch ở “Lời đầu sách”.
Sống ở đâu và sống thế nào?
Khác với xu hướng chung của tuyệt đại đa số nhà thơ Việt Nam đương đại mãi nóng lòng chờ tác phẩm của mình được dịch ra ngôn ngữ khả năng phổ biến rộng, nghĩa là luôn hướng về phía trung tâm, Lê Anh Hoài đã làm ngược lại.
“Tại sao cứ là tiếng Anh, Pháp, Nga hay ngôn ngữ của nền văn hóa lớn nào đó, mà không “là tiếng dân tộc thiểu số, vốn là thứ ngôn ngữ của cộng đồng nhỏ, đang yếm thế, thậm chí đang có nguy cơ biến mất?”. Nghĩ và làm, Lê Anh Hoài tổ chức dịch tập thơ đầu tay của mình ra vài thứ ngôn ngữ của dân tộc ít người như Khmer, K’Ho, Lô Lô, và được viết bằng chữ Nôm cùng các bản thư pháp chữ Nôm.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”. Lê Anh Hoài đã chơi đến tận cùng cuộc chơi chọn lựa. Chữ Nôm và Khmer vốn ổn định thì không vấn đề, riêng chữ K’Ho và Lô Lô, phải thật kỳ công mới “bắt” hai ngữ này có mặt đường đường trên trang sách in mà không bị sai... chính tả. Với sự giúp sức của chuyên gia dân tộc bản địa, Lê Anh Hoài đã làm được công việc tưởng bất khả kia.
Một khởi đầu tưởng viễn vông vô vọng, nhưng không phải không hứa hẹn những trái ngọt. Tại sao không? Tiếng Chăm chẳng hạn, đầu thế kỷ XX, nhà dân tộc học thời danh Paul Mus cho đó là nền văn học không có gì đáng kể, thế nhưng chỉ qua vài nỗ lực, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu với thế giới bên ngoài các sử thi, trường ca trữ tình, thơ triết lý... giá trị. Sau đó, cộng đồng dân tộc thiểu số này đã sản sinh được vài nhà thơ nhà văn đương đại của mình.
Thời gian qua, chúng ta luôn kêu gào về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ít người trong cộng đồng đại gia đình dân tộc Việt Nam. Ai dám nói cuộc chơi của Lê Anh Hoài không là việc làm cụ thể và hữu ích?
Đây “là một hành vi thuộc nghệ thuật ý niệm. Thông qua hành vi có phần đi ngược lại với trào lưu chung, muốn đưa tới một phản đề, qua đó chuyển tải ý niệm khiến người xem có một cảm thức về (mặt trái) của quá trình toàn cầu hóa” (trích lời Lê Anh Hoài).
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một tập thơ đã xuất hiện theo thể cách lạ đời và ngược đời đó. Là thái độ văn chương đẫm tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại, rất đáng mong đợi.
Điều cần nói nữa là, độc giả đừng hy vọng tìm thấy ở Mảnh mảnh mảnh bài thơ “hay”, hoặc đoạn thơ đặc sắc theo kiểu thơ truyền thống. Vô ích, bởi cái hay của thơ hậu hiện đại là hay nguyên khối, độc đáo của chính ý niệm từ đó nó hình thành. Mảnh mảnh mảnh “là một hành vi thuộc nghệ thuật ý niệm”. Như Tôi là cột điện, Tiến lên, Đồng Cu,… và như Chuyện tình thời tạp kĩ. Chính là hành vi của một nghệ sĩ đã nhập cuộc chịu chơi, trọn vẹn.
Inrasara (nhà thơ, nhà nghiên cứu)