(Thethaovanhoa.vn) - Sống tại Đức, nhưng những gì mà Lê Minh Hà thể hiện qua trang viết của mình vẫn cho thấy cô luôn là một phụ nữ Việt điển hình: Đầy cảm xúc trước thế giới của trẻ em, viết cho trẻ em - trong đó có những đứa con của mình - và coi nghề văn như một lựa chọn gắn liền với thiên chức làm mẹ, làm vợ của người phụ nữ.
Nhân ngày 20/10, Thể thao & Văn hóa ( TTXVN) có cuộc chuyện trò với chị.
* Nhiều người cho rằng, mỗi một đứa trẻ cần có một cuốn sách "ruột" để nuôi dưỡng tuổi thơ của mình. Chị nghĩ sao?
- Lúc tôi còn bé, hoàn cảnh chung khiến trẻ không có nhiều lựa chọn với sách, cái gì rơi vào tay là đọc tất. Cũng khó gọi ra tên một cuốn sách để bảo rằng đó là cuốn gây ấn tượng nhất. Theo thời gian, có những cuốn từng lấp lánh lắm trong trí nhớ rồi nhợt nhạt dần. Ngược lại, có những cuốn đọc từ lúc 6, 7 tuổi vẫn để lại dư chấn.
Với tôi, những cuốn đáng kể có Sống mòn của Nam Cao, Quê người của Tô Hoài, Chinh phụ ngâm, Chiến tranh và hòa bình, Đỏ và đen, Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa và Đông chu liệt quốc - những sách người ta bảo là của người lớn nhưng mấy cuốn đó mình đọc trước tuổi 12. Còn sách gọi là đọc đúng tuổi giờ vẫn không quên có: Cuộc truy tầm kho vũ khí, Quê nội, Tảng sáng, Đất rừng phương Nam, Đảo giấu vàng, Không gia đình, Những ngôi sao thành Egher… Ngoài ra, có một cuốn rất bình thường, nói giờ chả ai nhớ nhưng tôi không quên: Bản Mèo xa xăm, mượn từ thư viện của Sở Giáo dục Hà Nội nhờ cô bạn có bà mẹ lúc đó hình như đã là Phó giám đốc Sở.
Dĩ nhiên không phải sách nào cứ đọc là sẽ hiểu tuốt. Tuy nhiên, vì lối đọc rất thiếu định hướng này mà tôi luôn luôn nghĩ rằng chả bao giờ nên giới hạn sự đọc sách của con trẻ theo lứa tuổi.
* Chị từng nói: Tôi viết về tuổi thơ, là một thực thể trong tuổi thơ đó. Những cuốn sách của chị là một phần ký ức trẻ thơ của chính mình và những người cùng thời?
- Khi nói về sách của tôi, không ít người nghĩ ngay đến khuynh hướng hoài niệm. Nhưng tất cả những gì mọi người nói Lê Minh Hà hoài niệm, nhớ nhung… thực ra chỉ là một cách để nhìn nhận về thời thế hôm nay, về con người hôm nay.
Viết về ngày hôm qua, tôi rất muốn độc giả cùng với tôi, nghĩ về một điều mà hôm nay người ta nói rất nhiều: Làm cách nào để cho tuổi thơ thực sự là tuổi thơ - không phải là sướng hay là khổ, mà là đứa trẻ có được sống như nó muốn hay không và nếu như nó phải sống không như nó muốn, thì nó có thể vượt qua bằng cách nào?
* Nhưng có mối lo được nhắc nhiều: Nhà văn trong nước chuyên tâm viết cho thiếu nhi mỗi ngày một thưa vắng. Chị có chung mối lo ngại ấy?
- Tôi đã thử viết truyện trẻ con theo yêu cầu khẩn thiết của thằng con út năm nó 5 - 6 tuổi, và bị con chê bai kịch liệt là ngốc, là chơi không đẹp!
- Nhà văn Lê Minh Hà: Viết về con để giải đáp câu hỏi của chính mình
- Nhà văn Lê Minh Hà: Đong đầy Hà Nội bằng nỗi nhớ
- Lê Minh Hà về Việt Nam in 5 cuốn sách: Hà Nội đầy ắp trên trang sách
- Tiểu thuyết 'Phố vẫn gió' của Lê Minh Hà: Nỗi nhớ Hà Nội từ nước Đức
Viết về thiếu nhi thì dễ, cứ mang cái tuổi bé của mình ra mà nhấm nhót tung hứng, nhưng viết cho thiếu nhi cực khó. Nói đòi hỏi tài trời, đòi một khả năng diễn đạt khác với khi viết cho bạn đọc trưởng thành. Với tôi, viết cho thiếu nhi được thì phải có một tấm lòng trong veo bất chấp thế thời, phải có một cách nhìn đời luôn háo hức, luôn bất ngờ của con trẻ, phải buồn vui đau đớn được theo "tầm cỡ" của con trẻ. Cái này khó nhất, "tầm cỡ" của con trẻ không phải là đi bóp nặn, thu nhỏ "tầm cỡ" của người lớn đâu. "Giả" trẻ con để viết về trẻ con và bảo là viết cho trẻ con là cách để trẻ con chối bỏ chữ của mình nhanh nhất.
Thế nên nếu quả sáng tác cho thiếu nhi hụt và nghèo đi thì cũng không phải là điều gì đáng để bất ngờ hay rầu rĩ. Nghệ thuật kiêu hãnh lắm, và người thưởng thức nghệ thuật khó tính lắm, thà không có còn hơn phải vừa lòng với những thứ từa tựa như nó. Ngô hay khoai có thể thay gạo nuôi sống con người, giá trị y như gạo dù không phải là khẩu vị của mình, nhưng thứ chỉ từa tựa như nghệ thuật thì chỉ làm cùn mòn con người thôi, với con trẻ có khi còn nguy hiểm.
* Còn điều gì chị muốn chia sẻ về câu chuyện này?
- Tôi cũng từng gặp câu hỏi: Sống ở châu Âu, bạn thấy trẻ ở Đức còn thích đọc sách dành cho lứa tuổi mình? Có thể nói rằng, giới hạn ở sách không nhằm phổ biến khoa học kỹ thuật nhé! Ở đâu thì cũng giống nhau thôi, sách không phải là thứ tất cả trẻ con đều mê đắm. Tuy nhiên, vẫn có một loại sách làm cho trẻ con gần như đứa nào cũng khoái, dù sách rất dày, đấy là loại giả tưởng, viết cho lứa tuổi ấy, rất hay, nhưng người ta không xếp tất cả vào hàng sách văn chương. Hary Potter theo tôi là đỉnh của văn học thiếu nhi thời đại này, nhưng vô vàn những cuốn sách từa tựa thế ra đời liên tục thì không phải, chỉ dừng ở tầm sách giải trí. Cũng không sao. Nhưng sẽ không hay nếu trẻ em chỉ ham đúng loại này.
May sao, ở nơi tôi đang sống, thị trường chữ nghĩa rất phong phú, cho các gia đình tùy theo cách đọc của tôi mà tầm chữ cho con, và đến lượt trẻ con tự "tầm chữ" cho mình. Ví dụ như có hẳn một tủ sách dành cho trẻ em, trong đó, tất cả các giá trị văn chương thế giới đã đạt tới mức kinh điển đều được xuất bản dưới hình thức rút gọn, rất hợp với sức khỏe, trí tuệ của các cháu. Ngoài ra, dĩ nhiên, các tác giả viết cho trẻ em đạt tới mức mẫu mực vẫn liên tục được in mới và in lại. Và những cuốn sách ấy, trong thời đại "nhiều chấm không" này vẫn tiếp tục làm trong sáng, phong phú, tinh tế những tấm lòng thơ trẻ, bằng sự ngây thơ và tình yêu thương con người.
* Xin cảm ơn nhà văn!
Chu Hồng Tiến
Tags