Mới đây, trong khuôn khổ Hội sách kết nối 2022 do Quỹ Bắc Cầu tổ chức, Hội đồng Sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam (VBBY) đã chính thức được ra mắt. VBBY hướng tới nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc cho trẻ em Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng.
Để hiểu hơn về hoạt động của VBBY trong thời gian tới, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà văn Lê Phương Liên - Chủ tịch Hội đồng Sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam (VBBY).
“Cầu nối” mang sách đến gần hơn với thanh thiếu nhi
* Trước khi Hội đồng Sách được thành lập, công chúng đã biết đến dự án “Mọt sách Mogu”. Bà có thể cho biết thêm về bối cảnh ra đời của VBBY?
- Bước vào thế kỷ 21, thị trường sách thiếu nhi Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Sách cho thanh thiếu nhi không chỉ có sách văn học mà còn có sách khoa học, sách dạy kỹ năng, tranh truyện và nhiều hình thức xuất bản mới như sách nói, sách điện tử... Các tác giả viết cho thanh thiếu nhi là nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em, nhà giáo và đặc biệt là đông đảo các dịch giả chuyển ngữ sách nước ngoài giới thiệu ở Việt Nam.
Trong xã hội hiện nay, bên cạnh các nhà xuất bản, thư viện truyền thống do nhà nước quản lý còn có nhà sách tư nhân và tổ chức văn hóa giáo dục cho trẻ em như: Tổ chức Room to Read (RtR); CLB Đọc sách cùng con; Dự án Sách hóa nông thôn;… Và có nhiều trí thức cũng dấn thân vào lĩnh vực phát triển sách cho thanh thiếu nhi như Đỗ Tiến Thành, Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Quốc Vương, Lê Thị Thùy Dương v.v...
Từ năm 2014, bà Lê Thị Thu Hiền - người đồng sáng lập Quỹ Bắc Cầu - bắt đầu tổ chức các buổi đọc tranh truyện Nhật Bản ở Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Năm 2017, được sự động viên của Hoàng Thái Hậu Nhật Bản Michiko, dự án Mọt sách Mogu ra đời. Dự án đã dịch và xuất bản nhiều cuốn tranh truyện của Nhật sang tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, dự án Mọt sách Mogu do bà Lê Thị Thu Hiền sáng lập đã tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc như: Tặng sách và tổ chức đọc sách miễn phí cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa và các bệnh nhi ở các bênh viện...
Từ những hoạt động này, dự án Mọt sách Mogu đã thành lập Quỹ Bắc Cầu, lấy ý tưởng từ cuốn sách “Bắc Cầu” của Hoàng Thái Hậu Nhật Bản Michiko: “Trẻ em đọc sách là tự bắc cầu kết nối mình với thế giới”. Hoàng Thái Hậu Nhật Bản Michiko cũng là người có tầm ảnh hưởng lớn với Hội đồng quốc tế Sách cho thanh thiếu nhi (IBBY).
Từ năm 2019, bà Lê Thị Thu Hiền đã được kết nối với Ban điều hành IBBY có trụ sở chính tại Thụy Sĩ. Với ước mơ đưa nền văn hóa trẻ em Việt Nam hội nhập quốc tế, bà Lê Thị Thu Hiền đã làm hồ sơ đăng ký thành lập “Hội đồng Sách thanh thiếu nhi Việt Nam” và được IBBY thông qua.
Và, VBBY được thành lập, có vai trò cầu nối (network) với các tổ chức và cá nhân có chung một mục đích mang sách đến với thanh thiếu nhi, vì sự phát triển của thanh thiếu nhi Việt Nam. Việc ra đời một tổ chức như vậy là phù hợp với tình hình xuất bản sách và văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam.
*Trước bối cảnh nêu trên, VBBY hướng tới những mục tiêu cụ thể như thế nào, thưa bà?
- Mục tiêu của VBBY hướng tới: Mở ra cho các em thiếu nhi thế giới rộng lớn thông qua những trang sách; Giúp trẻ em ở khắp mọi nơi có cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách đặc sắc và chất lượng; Khuyến khích việc xuất bản và phát hành sách có chất lượng cao dành cho trẻ em; Tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo cho những tài năng trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng; Khuyến khích các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực văn học thiếu nhi; Bảo vệ và duy trì Quyền trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, hoạt động của VBBY chú trọng: Tổ chức các hoạt động kết nối Sách và Thanh thiếu nhi tại Việt nam; Tổ chức hội thảo chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác với các tác giả (viết/vẽ); Kết nối tác giả với nhà xuất bản, tạo cơ hội cho các tác giả xuất bản sách; Giới thiệu tác phẩm của Việt Nam ra thế giới thông qua IBBY; Tổ chức triển lãm sách thiếu nhi để tăng trải nghiệm về nghệ thuật cho trẻ em và độc giả Việt Nam thông qua sách thiếu nhi; Chia sẻ thông tin về sách và thiếu nhi ở các nước trên thế giới cho độc giả Việt Nam…
Tạo sức đẩy phát triển cho sách thanh thiếu nhi
* Sự ra đời của VBBY, theo bà có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc của trẻ em Việt Nam hiện nay?
- Như tôi đã đề cập, VBBY là một tổ chức kết nối (networking): Kết nối giữa sách và văn hóa đọc Việt Nam với thế giới; Kết nối giữa các tác giả, văn nghệ sĩ, nhà xuất bản, nhà sách, thư viện, các tổ chức và cá nhân đang hoạt động vì văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi Việt Nam... Những sự kết nối này dựa trên nền tảng chung là vì sự tiến bộ của trẻ em Việt Nam. Tất cả các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động của VBBY theo tình thần tự nguyện vì lợi ích chung.
Chúng tôi chưa thể khẳng định ngay những hoạt động VBBY sẽ có ý nghĩa như thế nào với việc thúc đẩy văn hóa đọc của trẻ em Việt Nam. Tuy vậy, chúng tôi đặt niềm tin vào tất cả những người đang hàng ngày hoạt động bền bỉ vì nền xuất bản sách cho thiếu nhi Việt Nam và vì sự phát triển văn hóa đọc của thanh thiếu nhi Việt Nam. Sự hòa hợp đoàn kết của chúng ta sẽ tạo ra một sức đẩy cho sự phát triển sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam.
*Là tổ chức mới được thành lập, xin bà cho biết một số hoạt động trước mắt của VBBY?
- Trước mắt, bộ phận thường trực của Hội đồng đang khẩn trương hoàn thiện trang web của VBBY. Tại đây sẽ chia sẻ các thông tin liên quan đến các Giải thưởng quốc tế văn học cho thiếu nhi: Giải Hans Christian Andersen là giải thưởng của IBBY được bắt đầu từ năm 1956. Giới thiệu các tác giả và tác phẩm đã được Giải thưởng Hans Christian Andersen để công chúng Việt Nam được biết.
Với tinh thần trân trọng và tôn vinh các hoạt động đẩy mạnh văn học của Việt Nam, trang web của VBBY sẽ giới thiệu các giải thưởng đã có và đang có ở Việt Nam như: Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Sách Quốc gia (có Sách thiếu nhi góp mặt) của Hội Xuất bản và Bộ TT&TT; Giải thưởng Sách Hay (có hạng mục sách thiếu nhi) do Viện giáo dục IRED, Dự án khuyến đọc Sách Hay và sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức; Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo TT&VH sáng lập từ năm 2020 nhằm trao cho các tác phẩm sáng tác và trình diễn nghệ thuật cho thiếu nhi và của thiếu nhi.
Trang web của VBBY cũng sẽ giới thiệu các tổ chức và cá nhân đang hoạt động đẩy mạnh văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi ở Việt Nam... và nhiều nội dung phong phú khác.
* Được biết, một trong những mục tiêu của VBBY là: “Tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo cho những tài năng trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng”. Theo bà, VBBY có vai trò như thế nào trong việc khích lệ hoạt động sáng tác văn học cho thiếu nhi mà bấy lâu còn thưa mỏng, thiếu vắng?
- Đây là một công việc không dễ dàng mà bản thân tôi cũng đã được trải nghiệm trong quá trình làm việc lâu năm ở lĩnh vực văn học thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi đòi hỏi cao hơn viết cho người lớn do đó nhiều bạn trẻ hiện nay không lựa chọn con đường văn học thiếu nhi. Các em nhỏ có thể tham gia sáng tác một vài tác phẩm trong thời kỳ ở tuổi thơ, sau đó có thể sống và làm việc theo một lựa chọn khác mà không đi theo con đường văn học thiếu nhi suốt đời.
Theo tôi, giải thưởng thường niên Đóa hoa đồng thoại chính là một cách để “tìm kiếm” những tài năng văn học thiếu nhi. Tuy vậy để “hỗ trợ và đào tạo” những tài năng đã được phát hiện cần phải có thêm việc “bắc cầu”. Có thể nói rằng, vai trò của VBBY là “bắc cầu” kết nối, giới thiệu các tài năng với các tổ chức và cá nhân văn hóa trong và ngoài nước. Việc này còn đòi hỏi nội lực của chính các tài năng tự vươn lên.
- Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': 'Tiểu thuyết lịch sử vẫn có thể đầy lãng mạn'
- Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Chân dung một Hồng Hà nữ sĩ toàn bích
- Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Như có 'Thiên mệnh' để viết về Đoàn Thị Điểm
* Cùng với VBBY, trước đó, đã có rất nhiều hoạt động khác được thực hiện nhằm tạo động lực cho sự phát triển của văn học thiếu nhi. Bằng góc nhìn của một nhà văn sáng tác và theo dõi văn học thiếu nhi trong nhiều năm qua, bà đánh giá như thế nào về triển vọng của nền văn học thiếu nhi Việt Nam trong thời gian tới?
- VBBY được ra đời trên nền tảng phát triển của phong trào văn học thiếu nhi Việt Nam và nền xuất bản sách thiếu nhi Việt Nam đã trải qua chặng đường lịch sử hơn 80 năm qua (nếu lấy mốc thời gian là sự ra đời cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài năm 1941).
Tôi nghĩ rằng, sự ra đời của VBBY chính là việc thực hiện nguyện ước của nhà văn Tô Hoài người đã gửi gắm ý tưởng vào nhân vật Dế Mèn đi phiêu lưu nhằm mục đích “Muôn loài cùng nhau kết làm anh em”. Tôi hi vọng rằng, với sự nỗ lực chung của tất cả chúng ta, nền xuất bản sách cho thanh thiếu nhi và văn hóa đọc của thanh thiếu nhi Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hòa trong dòng chảy văn học và sách cho thanh thiếu nhi toàn thế giới.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
“Sự ra đời của VBBY chính là việc thực hiện nguyện ước của nhà văn Tô Hoài người đã gửi gắm ý tưởng vào nhân vật Dế Mèn đi phiêu lưu nhằm mục đích: “Muôn loài cùng nhau kết làm anh em” - nhà văn Lê Phương Liên. |
Công Bắc (Thực hiện)
Tags