(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Lê Văn Ba năm nay đã 85 tuổi. Cuốn Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954 mà ông đã dày công biên khảo mới chỉ là "sự khởi đầu" cho mong muốn phục dựng lại không gian văn chương giai đoạn này của ông...
- Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay
- Khởi động Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2018: 11 năm cho một tình yêu Hà Nội
"Còn sống, còn sức khỏe, tôi còn khảo cứu về đời sống văn nghệ giai đoạn này, ngõ hầu góp một phần nhỏ công sức trong việc đánh giá lại thật đúng những đóng góp của nó trong đời sống chung của văn học Việt Nam" - nhà văn Lê Văn Ba nói.
Trả lại những giá trị của quá khứ cho quá khứ
Thực ra, mong muốn "phục dựng" không gian văn chương và chiêu tuyết đội ngũ văn nghệ sĩ giai đoạn kể trên cũng đã được Hội Nhà văn Việt Nam rất quan tâm. Bằng chứng là các nhà văn như Ngọc Giao, Hồ DZếnh... đã được khẳng định, công nhận là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lớp đầu tiên ngày thành lập năm 1957. Có nhiều nhà văn lăn lộn từ những ngày khó khăn gian khổ ấy như Hoàng Công Khanh, Sao Mai, Vân Long, Trần Chinh Vũ và cả nhà văn Lê Văn Ba đã được kết nạp vào Hội. Các nhà văn Sao Mai, Hồ DZếnh đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Cách đây 2 năm, tại Hội thảo "Nhận diện thành tựu văn chương Hà Nội thời tạm chiếm 1947 - 1954", nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thừa nhận: "Chúng ta còn nợ một sự chiêu tuyết với cả một phong trào, cả một đội ngũ vì chúng ta chưa có một cách nhìn toàn diện, cảm thông, khách quan để đánh giá hết lòng yêu nước, tự hào dân tộc qua những cống hiến không nhỏ của đội ngũ này... Việc khẳng định ngay trong lòng Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954 có một bộ phận văn nghệ sĩ đồng hành với kháng chiến, dân tộc là một việc làm cần thiết, trả lại những giá trị của quá khứ cho quá khứ..."
"Văn chương Hà Nội thời ấy đã góp sức chiến đấu vào cuộc kháng chiến cứu nước, góp phần tinh hoa văn chương vào tiến trình phát triển văn học nước nhà" – nhà thơ Vũ Quân Phương nói. "Chúng ta cần ghi nhận, cần có kế hoạch tái bản tác phẩm, nghiên cứu tác giả, quảng bá tới công chúng trong nước, ngoài nước như mọi chặng phát triển văn chương khác. Ở đâu có người Việt Nam thì ở đó có lo nghĩ, buồn vui, hy vọng Việt Nam, ở đó có văn chương Việt Nam với tất cả đặc thù của thời gian và không gian ấy. Đấy là máu thịt của dân, của nước. Chúng ta trân trọng hết thảy, thâu nhận hết thảy, tận tụy gạn đục khơi trong, làm phong phú, làm giàu sang cho gia tài văn chương thiêng liêng của đất nước ta.
Cũng tại hội thảo năm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh còn cho biết sẽ bàn với các Hội chuyên ngành tiến hành biên soạn tài liệu về văn nghệ sĩ sống và sáng tác trong giai đoạn 1947 - 1954 trong lòng Hà Nội tạm chiếm. Ông tin rằng mỗi hội chuyên ngành ra một cuốn sách chắc chắn sẽ "khôi phục được bức tranh toàn diện về một giai đoạn văn học nghệ thuật rất sôi động, đánh giá đầy đủ về hoạt động yêu nước của một đội ngũ".
Theo người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, ngoài các Hội chuyên ngành, Viện Văn học, để phục dựng được không gian văn chương giai đoạn kể trên rất cần sự vào cuộc của cả ngành giáo dục. Bởi nếu các em học sinh không biết đến nền văn học kháng chiến ngay trong lòng Hà Nội tạm chiếm là một thiếu sót, phải sửa ngay giáo trình nhân việc đổi mới SGK để bổ sung văn học sử.
Chấp nhận “đơn thương độc mã”
Và cũng tại Hội thảo kể trên, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề nghị nhà văn Lê Văn Ba suy nghĩ đề xuất với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó, Liên hiệp sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, trước hết là lãnh đạo TP Hà Nội.
Được người đứng đầu Hội đề nghị và "tiếp lửa" nhà văn Lê Văn Ba đã cần mẫn trong gần 2 năm lập hẳn một dự án, trong đó trước mắt là làm 2 tuyển tập truyện ngắn, 2 tuyển tập tiểu thuyết, 2 tuyển tập thơ, 1 tuyển tập về kịch sân khấu, 1 tuyển về lý luận phê bình...
"Tôi dự toán để làm được dự án này cần phải thành lập một hội đồng chuyên môn, chi phí cho dự án khoảng 2 tỷ đồng. Khi trình bày với nhà thơ Hữu Thỉnh, anh ấy rất hoan nghênh và nói đùa với tôi rằng số tiền ấy chắc bán cả Hội Nhà văn đi cũng chưa đủ" - ông nói - "Đấy là anh ấy nói đùa thế, ý là kinh phí nhiều vậy thì muốn phục dựng không gian văn chương thời ấy cũng không phải dễ, cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn mới mong dự án thành hiện thực".
Nhưng cho đến nay, dự án xuất bản những tuyển tập kể trên đang dần khôi phục bức tranh toàn cảnh về văn nghệ Hà Nội trong những năm tạm chiếm vẫn nằm trong ngăn tủ của nhà văn Lê Văn Ba. Ông vẫn mong tấm lòng của ông dành cho những người bạn văn nói riêng, đội ngũ văn nghệ sĩ thời ấy nói chung sẽ chạm đến tấm lòng của những Mạnh Thường Quân để văn học Việt Nam không bị khuyết đi một thời kỳ cũng vô cùng rực rỡ và đáng trân trọng.
Và trong lúc chờ đợi, nhà văn Lê Văn Ba vẫn cần mẫn khảo cứu. Hàng đêm ông vẫn đọc sách, phân loại tài liệu đến 1 - 2h sáng mới chịu ngả lưng. Chợp mắt đến đúng 5h sáng ông lại thức dậy, bật máy tính ngồi viết...
Và ông vẫn viết về quãng thời gian ấy (1947-1954), nên sau Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954, nhà văn Lê Văn Ba đang hoàn thiện bản thảo tập Trẻ 1947 - 1954, viết về lớp tuổi trẻ trong giai đoạn đó với những khát khao, hoài bão và cả những buồn, vui, sướng, khổ của họ mà ông cũng là một "người trong cuộc".
Hỏi ông khi nào sách sẽ in, ông lắc đầu: "Chưa biết, tôi cứ viết đã. Khi nào có tiền thì in". Rồi ông kể một kỷ niệm cay đắng, rằng đợt 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông và một số bạn bè có làm một cuốn sách, nhưng chỉ vì thiếu nhà xuất bản 700 ngàn đồng mà sách bị đình lại qua Tết mới in, nghĩa là muộn đến cả gần nửa năm.
"Cuốn Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 ra đời là nhờ tiền thưởng của cuốn Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược trong Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ hồi tháng 7 năm ngoái đấy" - nhà văn Lê Văn Ba kể.
Chỉ với hai mẩu chuyện ấy thôi đủ để thấy rằng lao động viết văn nói chung và mong mỏi phục dựng lại không gian văn chương Hà Nội trong thời tạm chiếm của cá nhân nhà văn Lê Văn Ba không hề dễ dàng và là "nhiệm vụ bất khả thi" nếu ông vẫn chỉ "đơn thương độc mã".
Nhưng vì sao qua bao bận gian nan trong việc ra sách, đề án như đã kể trên của ông chưa biết bao giờ mới có kinh phí triển khai mà ông vẫn "lao đầu" vào khảo cứu về không gian văn chương ấy không biết mệt mỏi?!
Có lẽ vì ông nghĩ như Mạnh Tử: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ” (Bần cùng giữ được cái tốt cho mình, thành đạt thì tạo phúc cho thiên hạ).
Đưa hiện vật văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm vào bảo tàng "Một lần nữa chúng ta cần có cách nhìn đổi mới đối với đội ngũ, phong trào đã từng cống hiến cách mạng, góp phần kháng chiến ngay trong lòng Hà Nội tạm chiếm. Cần trả lại vị trí của nó, đóng góp của nó, những thành tựu của nó bằng những hình thức kỷ niệm, hội thảo, giới thiệu các tác phẩm trong giai đoạn này..., kể cả việc bổ sung một số hiện vật lịch sử vào Bảo tàng Văn học. Có như vậy chúng ta mới cung cấp cho thế hệ sau bức tranh toàn diện về văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến 9 năm chống Pháp... Đây là việc làm cần thiết, cấp bách của thế hệ chúng ta. Không nên trao gánh nặng cho thế hệ sau. Đó là sự công bằng của lịch sử". (Phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) |
Phạm Huy
Tags