Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Sài Gòn trong tôi như một mạch sống ngầm

Thứ Tư, 03/08/2016 08:27 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ ngày nhận sổ hưu, nhà văn Lê Văn Nghĩa tập trung viết khá nhiều về Sài Gòn, nơi ông sinh ra và sinh sống hơn 60 năm nay. NXB Trẻ vừa ấn hành cuốn tạp bút Sài Gòn dòng sông tuổi thơ của nhà văn đuợc bạn đọc nhớ nhiều ở thể loại trào phúng.

Sau hai cuốn truyện dài Mùa Hè năm PetrusChú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy khá thành công với hàng chục ngàn bản, Lê Văn Nghĩa vẫn chưa hết cảm hứng về Sài Gòn.

Khám phá lại tuổi thơ

Sài Gòn dòng sông tuổi thơ gồm những bài viết ngắn, theo Lê Văn Nghĩa “chỉ phản ánh được chút tơ lòng rất là sơ lược” về Sài Gòn. Tuy nhiên, Lê Văn Nghĩa thừa nhận: “Với tôi Sài Gòn là cả Việt Nam và Việt Nam đối với tôi là Sài Gòn. Có vẻ “cục bộ”, nhỏ nhen là như vậy nhưng, biết sao được giống như tình yêu, khi yêu ta chỉ biết có hình bóng một nguời”.


Nhà văn Lê Văn Nghĩa ký tặng “Sài Gòn dòng sông tuổi thơ”

Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa bắt đầu từ Chợ Lớn những 1960, quanh quẩn ở truờng tiểu học Bình Tây (nay là truờng Nguyễn Huệ). Những năm ấy chỉ trong một diện tích một quận đã có rất nhiều rạp hát, như: Vĩnh Khánh, Tân Lạc, Tân Bình… mà tuổi thơ Lê Văn Nghĩa tìm đến. Ông chỉ biết đến Sài Gòn lộng lẫy khi vào học truờng Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là truờng chuyên Lê Hồng Phong) và biết thêm các rạp hát, rạp chiếu phim “khét tiếng”, như: Đại Nam, Nguyễn Văn Hảo, Hưng Đạo, Oscar.

Đọc Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, mới biết ngày ấy bên hông Sở GTVT TP.HCM là một khu sách lộ thiên, có đủ sách đứng đắn bán chung với các quyển Playboy, Penthouse. Trong khi những nhà sách lớn gần đó, ví dụ như nhà sách Khai Trí trên đuờng Lê Lợi thì các loại sách dâm ô không thể nào có mặt. Nhà văn nhớ lại: “Bước vào nhà sách Khai Trí, từ trên trần nhà, ông chủ Nguyễn Hùng Trương (còn gọi là ông Khai Trí), cho treo một tấm bảng lớn với dòng chữ: “Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại một rương sách”.

Tuổi thơ học trò của thế hệ Lê Văn Nghĩa cũng lắm trò tinh nghịch, ví dụ như tự đặt tên trường học của mình. Chẳng hạn trường Gia Long đặt thành “da lợn”, Petrus Ký thành “bê lắc lý”, Trưng Vương thành “trứng vữa”, Mạc Đĩnh Chi thành “má đi chợ”…


Bài cuốn "Sài Gòn dòng sông tuổi thơ"

Khơi chuyện xa, nhắc chuyện gần

Lê Văn Nghĩa chỉ nhận ông viết về Sài Gòn vì tình yêu, nên không chuyên sâu bằng các nhà nghiên cứu hay “nhà Sài Gòn học”. Nhưng khi yêu một vùng đất hay yêu một con người, tìm hiểu kỹ về “đối tượng” như một nhu cầu. Về kiến trúc Sài Gòn, Lê Văn Nghĩa nhắc đến Nguyễn Trường Tộ - nhà canh tân đất nước thời Nguyễn, nhưng đồng thời cũng là một kiến trúc sư tài năng.

Tòa nhà số 4 Tôn Đức Thắng (Q.1) hiện nay là công trình của Nguyễn Truờng Tộ xây dựng xong vào năm 1864; trong khi nhiều công trình cổ do người Pháp xây đều ra đời sau, như: Cung văn hóa Lao Động (1866), Nhà thờ Đức Bà (1880), Nhà hát Lớn (1990), Trụ sở UBND TP.HCM (xây từ 1898 và xong 1909)… Công trình của Nguyễn Trường Tộ là niềm tự hào của người Sài Gòn, vì khi đó Pháp chưa xây được gì thì nguời Việt đã dựng tòa nhà có giá trị kiến trúc tồn tại đến hôm nay.

Chuyện xa xưa khi Sài Gòn mới bắt đầu xây dựng đến chuyện gần của ngày hôm nay đều được nhà văn nhắc đến trong Sài Gòn dòng sông tuổi thơ. Chẳng hạn, hiện nay loại hình giải trí “hát với nhau” phổ biến khắp nơi, nhưng “hát với nhau” bắt đầu từ đâu? Theo Lê Văn Nghĩa, “hát với nhau” bắt đầu từ Sài Gòn vào năm 1982. Nhà văn trích dẫn bản tin ngày 28/3/1982 của báo Tuổi trẻ, cho biết: Nhà văn hóa Thanh niên khi đó tổ chức hát với nhau với 200 người lên sân khấu trong 4 đêm.

Lê Văn Nghĩa, khẳng định: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm được bài báo nào viết về phong trào “hát với nhau” để phủ định bản tin này, một bản tin dùng 3 chữ “hát với nhau” vào năm 1982, nghĩa là có trước loại hình karaoke. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh do người Sài Gòn sáng tạo ra lan rộng cả nước, tôi đi Mỹ đến khu Little Sài Gòn cũng thấy có hát với nhau”.

Đọc Sài Gòn dòng sông tuổi thơ sẽ gặp đuợc nhiều chuyện lạ ở Sài Gòn một thời, như: người Sài Gòn đọc báo buổi chiều, người Chợ Lớn uống cà phê bằng dĩa...

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›