Là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2023 (lễ vinh danh vừa được tổ chức hôm qua 9/10), nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã có hơn chục đầu sách về Hà Nội, kể từ khảo cứu cho tới tiểu thuyết. Gần nhất, ông trình làng 2 tác phẩm Hà Nội còn một chút này và Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn.
Hai tác phẩm này cũng vừa được giới thiệu trong sự kiện Làng làng phố phố Hà Nội do Công ty sách Nhã Nam tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Không bao giờ viết lại những điều đã biết
"Tôi có may mắn làm việc hơn 30 năm tại báo Hà Nội, chỉ cách Hồ Gươm chừng 10 mét. Mở cửa sổ là thấy ngay hồ, rồi có thể nhìn trọn từ vị trí bến tàu điện cũ cho đến hết phố Hàng Khay", ông kể tại sự kiện. "Có những khi mệt mỏi, tôi đi bộ quanh hồ một vòng để lấy lại tinh thần. Những lúc khác, từ cơ quan, tôi cùng bạn bè hay ngồi cà phê tại những quán sát mép hồ. Cứ như thế Hồ Gươm đối với tôi rất gần gũi, thân thương".
Coi là Hồ Gươm như một người bạn nên những trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến cũng thấu tỏ mọi chuyện về hồ. Trong Hà Nội còn một chút này, ông dành khá nhiều bài viết về Hồ Gươm như Vì sao nước Hồ Gươm có màu xanh, Vì sao gọi là Bờ Hồ, Hồ Gươm, nơi tự tử của các cô gái trẻ, Hồ Gươm còn một chút này… Chỉ với chùm bài này đã đủ thấy, ông có một Hồ Gươm mang diện mạo riêng khác so với bao điều đã có, đã biết.
Rồi một loạt câu hỏi kỳ thú khác về Hà Nội cũng được Nguyễn Ngọc Tiến nêu ra như: Tên kẻ Chợ có từ bao giờ, Vì sao trường học lại trồng phượng, Vì sao thành Hà Nội bị phá, Tại sao phố Tràng Tiền lại có mái hiên che kín vỉa hè, Vì sao nhà ở Hà Nội ôm hết vỉa hè…Hay, đó là nhiều câu hỏi lạ lùng khác về những quảng trường, những con phố, những món quà sáng, những thú chơi xe, chơi chó, chơi xổ số ở Hà Nội.
Luôn tìm kiếm những điều mới, lạ và độc đáo về Hà Nội, trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến đã góp phần cho thấy sự giàu có đến vô tận trong những vỉa tầng văn hóa của thành phố. Ở đó Hà Nội vốn đẹp và vẫn luôn luôn đẹp trong những điều nhỏ nhặt và quen thuộc nhất.
Nhưng đáng nói hơn cả là hết thảy những câu chuyện mà tác giả kể trong Hà Nội còn một chút này đều có chung một nguyên tắc như ông tâm niệm mỗi khi cầm bút: Phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm.
"Nguyễn Ngọc Tiến nhìn nhận mọi sự đều ở góc độ lát cắt của lịch sử và ông xâu chuỗi lại trên sự biến thiên của nó" - nhà văn Nguyễn Trương Quý.
Một sử nhân của Hà Nội
Không phải chỉ đến Hà Nội còn một chút này ta mới thấy một góc nhìn mới lạ của Nguyễn Ngọc Tiến khi viết về Hà Nội. Góc nhìn của ông về Hà Nội bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hoá cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếp sống của dân thị thành. Quan sát ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, kết hợp những trải nghiệm thực tế của một người hằng ngày gắn bó với Hà Nội với những điều tra, khảo tả trong thư tịch, sách vở, Nguyễn Ngọc Tiến cho ta thấy một Hà Nội thú vị và phong phú.
Đơn cử như trong Hà Nội còn một chút này, Nguyễn Ngọc Tiến gây chú ý với một tập hợp những ghi chép về những người phụ nữ Hà Nội trong quá trình cởi mở tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đó là chuyện về cô Bé Tý ở tòa nhà 52 Hàng Bạc, "một người phụ nữ cực kỳ đặc biệt ở Việt Nam đầu thế kỷ 20" - người mà "Báo giới Bắc Kỳ thập niên 30 đặt cho cô biệt danh là "Ma tình", có báo gọi là "Người đàn bà phóng đãng nhất Đông Dương". Hay những người phụ nữ dám làm những việc "động trời" như Cô Tư Hồng trúng thầu phá thành Hà Nội, rồi lấy gạch đá về xây biệt thự ở ngõ Hội Vũ (nay vẫn còn).
Và còn rất nhiều những người phụ nữ Hà Nội khác được kể trong Hà Nội còn một chút này - mà theo nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ tại buổi tọa đàm: "Nguyễn Ngọc Tiến đã tình cờ tạo ra một câu chuyện về sự giao thoa văn hóa, giao thoa phong tục để thấy rằng, vào mỗi thời có một kiểu cách tiếp cận xã hội khác nhau. Nhưng có một mẫu số chung là người ở đất Hà Nội dường như dễ cởi mở và dễ tiếp cận bên ngoài. Khác với cả những điều chúng ta vẫn nghĩ về người Hà Nội là nề nếp, co vào, từ chối đổi mới".
Cũng theo Nguyễn Trương Quý, Hà Nội qua những trang văn của Nguyễn Ngọc Tiến còn thú vị, hấp dẫn bởi những "lạc thú": "Nguyễn Ngọc Tiến viết nhiều phần về thú giải trí của người Hà thành, của người đô thị từ thời Kẻ Chợ đến thời sau. Nó rải rác, nhưng tạo ra một cảm giác Hà Nội là một chốn phù hoa nhất định. Hà Nội có một độ hấp dẫn vì đến đó người ta được cởi mở hơn, phóng túng hơn dẫu cả trong thời khó nhọc, thời "đèn điện đỏ quạch". Hà Nội vẫn vẫn có những chốn lui tới để vui chơi".
Điển hình trong bài Những điểm giải trí lừng danh, Nguyễn Ngọc Tiến cho những trang viết mô tả chi tiết về phố "Cô đầu Khâm Thiên" nổi tiếng một thời. "Khâm Thiên không chỉ là nơi tập trung nhiều nhà hát mà còn có nhiều sàn nhảy như: Du Hí Trường, Nữ Thần, Cảnh Tiên, Cảnh Chù,… cùng hai nhà chuyên dạy gái nhảy… Chốn chơi này không chỉ là nơi đến của quan chức và người giàu có ham vui thích lạ, mà còn là chỗ chơi thường xuyên của giới văn nghệ Hà Nội" .
Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Tiến còn có những đoạn khảo tả thú vị về những quán bar đời mới được mở tại Hà Nội, "ai nhảy cứ nhảy, ai uống cứ uống". Ông viết: "Đầu thập niên 90, tôi là phóng viên, thấy đề tài cũng hay nên đi viết phóng sự. Quán bar Apocalypse ở Hòa Mã là nơi đầu tiên tôi đến. Bar này chủ yếu là Tây ba lô, một số đang làm việc trong các công ty nước ngoài, và sinh viên đang học tiếng Anh…".
"Ở đây có thể thấy Tây trẻ uống Tequila thứ rượu trắng rẻ tiền nhập từ Mexico. Họ uống Tequila theo kiểu Mỹ, tức là xắt lát chanh lên vai trần hay phần trên ngực bạn gái rồi rắc tí muối tinh lên đó. Sau khi uống ly rượu, họ ngậm miếng chanh và hiếm hết chỗ muối. Lại thấy anh khác uống theo kiểu Mexico, uống hết ly rượu, ngậm lát chanh rồi cho ít muối vào lòng bàn tay phải, lấy tay trái vỗ sao cho nhúm muối bay vào mồm mới là sành điệu. Rượu có thể không ngon nhưng cách uống làm cho rượu trở thành thú chơi, không phải thi nhau zô để rồi say mèm và gọi em…" (trích Hà Nội còn một chút này).
Rõ ràng, Nguyễn Ngọc Tiến với tư cách của một một ký giả trong quãng thời gian làm báo của mình đã sử dụng "mắt sáng" để thâm nhập thực tế với những câu chuyện mà có lẽ nhiều người không có ý thức ghi lại. Ở khía cạnh này, Nguyễn Trương Quý gọi Nguyễn Ngọc Tiến là "một sử nhân của Hà Nội".
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh: "Nguyễn Ngọc Tiến nhìn nhận mọi sự đều ở góc độ lát cắt của lịch sử và ông xâu chuỗi lại trên sự biến thiên của nó. Trên những mốc niên đại, niên biểu rất lớn của một đô thị, với những khung cảnh hoành tráng thì ông điểm ở đấy những câu chuyện rất gọn gàng, xinh xắn. Nhưng những câu chuyện đó lại mở ra rất nhiều ngóc ngách khác nhau, từ những thân phận của những người phụ nữ đã kết nối với bên ngoài rất sớm cho đến những thú vui giải trí của thị dân Hà thành được diễn giải chi tiết".
Gần nhất, Nguyễn Ngọc Tiên tiết lộ rằng ông đã hoàn thành xong bản thảo cuốn khảo cứu mới có tên Làng làng phố phố Hà Nội. Cuốn sách có một kết cấu độc đáo với ba phần Làng làng, Phố phố và Hà Nội. Những bài viết trong phần Làng làng đều bắt đầu bằng chữ "làng", phần Phố phố đều bằng chữ "phố", phần Hà Nội tất cả đều bắt đầu bằng chữ "Hà Nội"
"Trong tập khảo cứu mới này, tôi đề cập đến nhiều vấn đề của Hà Nội hôm nay được nhìn ở nhiều chiều. Chưa kể cuốn sách sẽ thú vị khi gồm rất nhiều chuyện mà mọi người thậm chí chưa biết", ông nói. "Ví dụ nhiều người từng đi máy bay và biết đến sân bay Nội Bài, nhưng hẳn ít người biết về lịch sử, huyền thoại quanh làng Nội Bài".
Vẫn vẹn nguyên "tình yêu Hà Nội"
Còn nhớ, năm 2012, Nguyễn Ngọc Tiến từng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (hạng mục Tác phẩm) của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) với 2 cuốn sách Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội.
"Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội về mặt vật chất có thể nhỏ nhưng về mặt uy tín tôi đánh giá rất cao. Từ thời điểm được giải tới nay, tôi vẫn giữ một tình yêu vẹn nguyên đối với Hà Nội", ông nói. "Tôi yêu Hà Nội là yêu cả đường đi, yêu cả lối về. Tôi vẫn mong mỏi, vẫn tìm tòi và vẫn viết để cố gắng tìm ra những vẻ đẹp khác của Hà Nội vẫn còn đang khuất lấp. Bởi lịch sử và văn hóa Hà Nội đã kéo dài nhiều thế kỷ nên nó có nhiều chuyện để nói, để kể, để viết và có giá trị. Tất cả được tôi viết bằng tình cảm gần gũi như đã từng".
Khách phong trần nặng tình núi sông
Nguyễn Ngọc Tiến viết về Hà Nội nhiều và hay, điều đó nhiều người đã biết. Nhưng Nguyễn Ngọc Tiến còn viết rộng hơn thế, ông viết về đất nước mình cũng phong phú và thú vị không kém trong Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn.
Đọc Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn, vẫn sẽ bắt gặp những trang viết quen thuộc của Nguyễn Ngọc Tiến, luôn mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút, có cái khách quan của người làm báo, nhưng cũng có cả cái đa tình của người viết văn. Và như thế, trong trang sách của ông bao giờ cũng có dáng dấp của một con người đi và viết, một khách phong trần nặng tình núi sông.
Ông là khách phong trần, vì ông đi và lăn lộn với đời không hề ít. Có những ngày ông lang thang dọc sông Hồng tìm hiểu về các xóm chài và viết về một cộng đồng rất hiếm gặp. Lại có khi ông mải miết theo chân những nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đi khắp các sân khấu Nam Bộ vì trót say mê tiếng hò sông Hậu, cũng nhờ thế mà ông có vốn tư liệu dày dặn để viết về một lịch sử chưa xa của ngành cải lương Việt Nam. Tha thiết được đi để trải đời của Nguyễn Ngọc Tiến là khi ông tìm mọi cách để được ngủ lại trong hoàng thành Huế, qua một đêm ở nơi từng là nhà của các vua thời Nguyễn.
Và Nguyễn Ngọc Tiến cũng là người nặng tình núi sông. Ông đi để viết về những vẻ đẹp phong tình quyến rũ của đất nước với những "mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng". Nhưng ông cũng đi để viết nên nỗi đau thống khổ của dân nghèo kiệt quệ chạy dịch Covid-19 trong những ngày hè đỏ lửa.
Tags