(Thethaovanhoa.vn) - Con giai phố cổ (NXB Trẻ, 2013) là “tinh túy” tản văn với hơn 60 bài viết đã xuất hiện trên các tạp chí, mà nhà văn Nguyễn Việt Hà nói vui là đám “xanh - đỏ”, do anh hàng tháng giữ mục.
Con giai phố cổ đang bán chạy như cá tươi, ngon sạch kèm giá cả vừa đủ chấp nhận. Lướt qua mấy cửa hàng sách phố Đinh Lễ, cô bán hàng nào cũng vừa nhoay nhoáy điện thoại lướt facebook vừa lạnh lùng trả lời đã hết hàng mấy ngày nay. Thôi thì lại cầm máy ỉ ôi nhà văn ở phố Nhà Chung xin quyển sách, thì lại nhận dăm câu hồ hởi: chỉ được tặng có chục cuốn sách, giờ có cho cô thì phải ra Đinh Lễ tìm.
Khi đàn ông chung tình
Nguyễn Việt Hà là tên vợ, không hiểu tại sao có nhà văn rõ ràng nam tính, tên thật là Cường, khi nói cười cứ là phải rổn rảng cả góc phố, trên đời chỉ nể mặt chứ chưa biết sợ ai, lại cứ nằng nặc cho vợ lên đầu. Có lẽ cũng ơn vợ thường xuyên cho thoải mái đi nhậu, rồi nấu nướng đồ ngon xong lại thêm phần dọn dẹp cho nhà văn ân cần tiếp đãi bạn tại nhà, cho nên mỗi khi vợ con cần là anh lại mẫn cán đưa đón chờ đợi.
Nhà văn này không chỉ thích bạn, mà biết cách yêu gia đình hết sức thật thà. Thế nên, tưởng chỉ điểm về “giai phố cổ” chung chung, nhưng đó cũng là từ chính mình - cũng một giai phố cổ. Nguyễn Việt Hà viết:
“Bọn con giai phố cổ khi có vợ bỗng trở nên hiền lành, tuy gia trưởng nhưng bọn chúng chung thủy ít “mèo mỡ”, hầu hết đều sống chung với cơn lũ hôn nhân cho đến cuối đời, mặc dầu cái thứ lãng mạn trót cưa được kia đích thực là một của nợ” (Con giai phố cổ, tr27).
Nhà văn Nguyễn Việt Hà và tác giả bài viết |
Con giai phố cổ là cuốn tạp văn thứ tư, sau Nhà văn thì chơi với ai (2005), Mặt của đàn ông (2008) đến Đàn bà uống rượu (2010). Ở cái nơi mà sách chưa in ra đã bị làm giả, mới sốt nóng tí là nhặt phải sách lậu, thậm chí không ít công ty sách loằng ngoằng trốn tiền nhuận bút nhà văn bằng cách bí mật tái bản... thì tiếng tăm như Nguyễn Việt Hà cũng khó có thể sống được bằng bán sách, nếu không cầm bút chăm chỉ viết cho tạp chí. Cái tạp văn nuôi anh vừa đủ cho chén rượu xếch ngoại, hay đàn đúm mấy đám bạn đồng niên lẫn vong niên nơi quán bia vỉa hè:
“Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đàn ông viết ra nó đều là những người có nhân cách, thậm chí còn tử tế” (Đàn ông viết tạp văn, tr76)
“Được thấy một người đang tử tế đọc sách, không cứ đấy phải là một thiếu nữ, bao giờ cũng làm người ta bỗng dưng lương thiện lại” (Khi đàn ông không đọc)
Đơn giản là sống bằng ngòi bút, thế là oách rồi! Nên nhà văn hễ có dịp, thì kiểu gì cũng ngạo mạn cho rằng nghề văn vừa sang vừa sướng, nhà văn tư duy hơn đứt những người làm lĩnh vực nghệ thuật khác. Ở bên cạnh Nguyễn Việt Hà, nếu hành nghề văn, sớm muộn gì bạn cũng sẽ được an ủi, dù bị cái nghiệp đọa đày đến tan nát cả thân xác lẫn tâm can.
Khi đàn ông hồn hậu lẫn hồn nhiên
Nguyễn Việt Hà là nhà văn ham đọc, không ít bạn quen sơ gặp mặt anh lần đầu thường là ở góc nào đó trong Thư viện Quốc gia. Nên cái thư viện này, kiểu gì cũng được ngắm tới, nếu anh có nói về đàn ông đọc sách:
“Đọc sách thì tốt nhất ngồi chỗ tĩnh một mình, và những chỗ như thế thì thú nhất là thư viện. Thuở xa xưa, chừng hơn mươi năm trước, Thư viện Quốc gia ở 31 Tràng Thi luôn ẩn hiện một đám khủng long độc giả. Bọn họ đọc sách qua trưa rồi thong thả qua chiều, mặc kệ ngoài kia đã là tối muộn hăm chín thiên hạ đang vội vàng tết nhất” (Khi đàn ông không đọc, tr113)
Vì cái sự ham đọc, truyện của Hà hay nhiều nhất là tản văn, anh thường ưa xài “điển tích điển cố”, kể chuyện kinh sử, vận dụng kể chuyện từ các thể loại văn chương nối vào vấn đề ngày nảy ngày nay cần nói.
Bìa tập sách Con giai phố cổ |
“Được thấy một người đang tử tế đọc sách, không cứ đấy phải là một thiếu nữ, bao giờ cũng làm người ta bỗng dưng lương thiện lại” (Khi đàn ông không đọc, tr111)
Xét một mặt nào đó, Nguyễn Việt Hà luôn là người biết mình, biết người. Và trong anh, thường dành chỗ kính trọng chân thành cho sự tài năng, dù người đó tuổi còn rất trẻ. Nếu ưa ai, anh sẽ không ngần ngại tỏ bày. Nếu thích văn ai, anh sẽ đến khán phòng, ngồi khiêm tốn ở một góc vắng lắng nghe tọa đàm tác phẩm người ấy, rồi dĩ nhiên, không quên nhẹ nhàng rời chỗ mua một cuốn sách và xin chữ ký.
Nguyễn Việt Hà dễ cảm động với các cử chỉ tình người, nhưng lại ngại ngần với những trò sáo rỗng. Anh có thể ngồi với người lạ mà vẫn “chém bão phần phật”, nhưng tốt hơn vẫn cứ là nhẩn nha ngẫm ngợi bên men say với bạn quen. Nguyễn Việt Hà là người không chỉ chung tình với vợ mà còn với bạn. Đã là bạn của Hà, thì cứ thế cho đến tận cùng hành trình đời người. Vài việc hiểu lầm xảy ra, Hà sẽ lặng im, đến lúc thấy có thể, sẽ rụt rè bày tỏ. Nhà văn cứ thế mà thương yêu, cảm nhận, chia sẻ mọi nỗi đời với sự bình an phẳng lặng tĩnh tại từ bên trong, như không liên quan gì đến sự ồn ào náo nhiệt tính cách như vẻ bề ngoài thường thấy.
Mỗi bài tạp văn của Nguyễn Việt Hà thường xinh xẻo trên dưới nghìn chữ. Các góc đời sống cứ thế xoay vần nhuần nhuyễn và nhẹ nhõm với bằng ấy ngôn từ. Tạp văn Nguyễn Việt Hà dễ đọc dễ thích. Cái chất hồn hậu bộc toạc lại ưa chiêm nghiệm, nghĩ ngợi của anh cứ thế mà tỏ bày. Không rõ Nguyễn Việt Hà sẽ theo nghề viết tạp văn này bao năm nữa, chỉ biết tạp văn của anh đang được ưa chuộng, và “bán rất chạy” như lời của các bà các chị chủ cửa hàng sách. Với anh, là buông thõng một câu:
“Ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết. Điều này chẳng hiểu nên lo hay nên mừng.” (Đàn ông viết tạp văn, tr76)
Thể thao & Văn hóa