(Thethaovanhoa.vn) - Mang đầy vẻ liêu trai của dòng chảy tâm cảm khó nắm bắt, ấy thế, thi phẩm mới nhất của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương: Xa xăm gõ cửa (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn) sẽ kích thích sự sáng tạo trong bạn.
Là sáng tạo văn chương thuần tuý, các tác phẩm của nhà văn/ nhà thơ Nguyễn Bình Phương không dễ để đọc và hiểu. Thơ của anh, đôi khi không vần tựa văn, và văn lại mang đầy tính nhạc như thơ. Thế nên, gọi nhà văn hay nhà thơ với Nguyễn Bình Phương đều đúng, anh đi đều đặn cả hai thể loại. Thơ hay văn đều mang trong bản thân chúng nhiều giá trị riêng.
Gần gũi từ ánh mắt đến nụ cười
Khi biết tin anh được bổ nhiệm vị trí Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương với dáng vẻ nhỏ nhắn thư sinh, ngồi giữa bộn bề sách vở, mang vẻ nghệ sĩ hơn một nhà quản lý.
Gần anh, sẽ cảm giác một sự chan hoà ấm áp giản dị gần gũi từ ánh mắt đến nụ cười. Anh thường nói ít, nhưng câu nào cũng ngấm vào lòng người nghe.
Mỗi khi cần có bài viết về nhận định văn học hay phỏng vấn anh, ban đầu, dù anh từ tốn chối từ, do rất bận, nhưng rồi nể bạn, anh lại cặm cụi viết hoặc trả lời. Và thể nào, bài cũng gửi đúng giờ đúng ngày, thậm chí còn sớm hơn.
Bên anh luôn có cảm giác ấm lòng. Nhìn anh, không thể nào liên tưởng nổi về một người lính gắn bó từ thời thanh xuân trong quân đội, với một nhà văn, nhà thơ đầy những trang viết trữ tình, chủ yếu về cuộc sống bộn bề,
Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Phương
Kết nối từ tiềm thức tới hiện tại
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương chọn sống đời lặng lẽ. Anh ít khi xuất hiện chốn ồn ào. Muốn gặp anh, thì đến góc làm việc riêng của anh nơi toà soạn. Thế nhưng, anh vẫn thường được nhắc tới trên truyền thông, đó là vì bởi các tác phẩm văn học của anh.
Mỗi cuốn sách là một trải nghiệm và chắt lọc từ trái tim đến lý trí, sự thực, ít nhà văn nào chịu chọn con đường sáng tác bền bỉ và đầy khó nhọc như Nguyễn Bình Phương. Bao giờ cũng thế, để cảm nhận toàn vẹn một tác phẩm, bạn cần bỏ ra nhiều thời gian, không chỉ vậy, còn cần trang bị một nền tảng kiến thức cùng tâm thế. Nếu không, sớm muộn gì thì cũng buông sách, bởi nhà thơ Nguyễn Bình Phương không chọn viết để chiều lòng số đông người.
Với tập thơ Xa xăm gõ cửa này, cũng thế.
Thi tuyển là tổng hợp các bài thơ mà nhà thơ Nguyễn Bình Phương viết từ năm 1992 đến nay, được chia thành 6 phần. Phần 1: Lam chướng bao gồm các thi phẩm viết vào năm 1992; Phần 2: Trường ca Khách của trần gian, viết vào năm 1996; Phần 3: Xa thân viết vào năm 1997; Phần 4: Từ chết sang trời biếc (năm 2001); Phần 5: Buổi câu hờ hững (2011); Phần 6: Và những bài thơ khác.
Đọc cả tập, đủ thấy những gì anh dành cho thơ không nhỏ.
Không thể đọc hết cả bài thơ, Nguyễn Bình Phương viết gây ám ảnh chứ không chỉ là nhớ, có những câu lắng lại rất sâu:
“Phố câu người đời/ Ô/ Quê mùa câu phố/ Ngày mai câu một ngày mai khác/ Bằng gương mặt lơ vơ”
(Buổi câu hờ hững)
Hay
“U uất những khoảng vắng trên đồng/ Mưa phùn bay giấc mơ màu ngọc/ Mình nghĩ mãi về đốm sáng lạ lùng/ Cuộc chia tay dài không dám nhắc”
(Tháng Mười một)
Thơ của Nguyễn Bình Phương, mang một sự rung cảm lạ lùng, một dòng chảy năng lượng kết nối từ tiềm thức tới hiện tại, cứ neo bám lấy tâm não người đọc sự xúc động trong lặng yên. Thơ viết phóng khoáng, không dừng lại bất cứ chuẩn mực nào, những câu từ sử dụng chắt lọc, đều hướng tới việc sao cho chuyển được cảm giác của anh thành ngôn ngữ. Điều đó khó, nhưng Nguyễn Bình Phương làm được. Và câu chữ cứ nâng tâm hồn người đọc, đẩy mạnh kích thích sáng tạo từ bên trong. Từ tâm hồn đến tâm hồn, từ tác phẩm sinh thành nên tác phẩm, đó mới thực sự là giá trị của văn chương đích thực mang lại.
Dù mang nhiều tâm sự hoang hoá buồn, nhưng thể nào, trong thơ Nguyễn Bình Phương cũng lấp lánh ánh sáng của sự sống.Với anh, sau cái chết đời người không phải là cát bụi, mà hẳn nhiên đó là những hồi sinh.
Thể thao & Văn hóa
Tags