Nhà văn Tạ Duy Anh: Tái sinh 'Lão Khổ'

Chủ nhật, 12/10/2014 07:14 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -Lão Khổ – cuốn tiểu thuyết được in lần đầu năm 1992 tại NXB Văn Học, để rồi không được tái bản suốt 10 năm, đến Lão Khổ của ngày hôm nay, tháng 9/2014 - sau khi được nhà văn Tạ Duy Anh “gần như viết lại”, được tái sinh trong một diện mạo mới, do Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn phát hành.

Không còn cất giữ bí mật, nhà văn Tạ Duy Anh công khai rằng, nhân vật chính trong Lão Khổ, chính là bố của ông. Để rồi sau đó, nhiều người gọi bố của ông là Lão Khổ, và cũng gọi nhà văn với biệt danh đó. Thế nên, nhà văn thổ lộ rằng, cái sự “khổ” đời ông cũng như bố mình, ứng luôn vào cái tên ấy, với những: “cay đắng, khốn nạn, cơ cực… còn đọc bằng âm thuần Việt thì miệng phải thu lại như người sắp thở dốc, âm phát ra từ cuống họng, rất nhọc.”


Nhà văn Tạ Duy Anh

Nghiệt ngã kiếp sống người

Ít ai có cơ may được đọc bản đầu tiên của tiểu thuyết Lão Khổ để có sự so sánh những khác biệt giữa hai cuốn sách, từ việc sửa chữa hơn một năm làm tác giả “trở nên kiệt quệ” về sức khoẻ. Và bố của nhà văn, dù là nhân vật chính của tác phẩm, khát khao và bày tỏ nhiều lần được đọc cuốn sách viết về chính mình, cũng bị con trai từ chối. Vậy nên, chúng ta cùng nhau mở lòng với sự tái sinh này - “Một hình thức mới, một cơ hội mới” như câu nói của nhà văn, để thêm cơ hội đến với tâm hồn bạn đọc.

Nhà văn Tạ Duy Anh – người từ lâu từ chối những ồn ào đám đông, hay rất hạn chế xuất hiện trên mặt báo – ưa muốn chọn cho mình một góc thanh bình nhỏ, để viết văn, bên cạnh công việc biên tập sách cho NXB Hội Nhà Văn. Nhiều lần tới NXB chơi, nhưng lần nào cũng không có cơ may gặp, tôi chỉ có thể trò chuyện với nhà văn qua điện thoại. Giọng ông nhỏ nhẹ lành hiền, không giống những lời thẳng thắn bộc trực giàu tính phản biện từ trái tim quê cùng tư duy sâu sắc.

Đọc những bài viết và nhất là đọc văn chương của Tạ Duy Anh, luôn thấy sự thật đầy ắp, trần trụi, buốt tim, rất khó phân tách đâu là do tưởng tượng, đâu là từ đời sống thật mà bước vào trang sách. Đọc văn Tạ Duy Anh, để thấy rõ những nghiệt ngã của kiếp sống người, mà lắm khi khoảng cách đau đớn khổ nhục độc ác của người và thú vật cách nhau bằng ranh giới mỏng manh.


Bìa cuốn Lão Khổ (2014)

Hành trình của cô đơn một mình

Đọc tiểu thuyết Lão Khổ của Tạ Duy Anh, điều đầu tiên kể đến, đó là sự cuốn hút. Ông ít khi sa vào kể lể dài dòng bởi ưa sử dụng câu ngắn, vừa đủ  thông tin, hàm ý, súc tích. Tiểu thuyết ông viết, sự dày dặn đầy tràn trong các vấn đề và tư tưởng được nén lại có khi chỉ trong hơn trăm trang in (như trường hợp tiểu thuyết Thiên thần sám hối – 128 trang), và Lão Khổ, gần 200 trang. Ngắn mà chất, có thể đọc liền mạch không thể ngừng nghỉ, dù sau đó độc giả dễ kiệt sức hết hơi và bị ám ảnh bởi các tình tiết gây chấn động sâu sắc đến tâm lý…, đó là tài năng vừa do thiên bẩm vừa bởi nhiệt thành lao động chữ nghĩa của nhà văn Tạ Duy Anh.

Giống như những người theo đuổi nghiệp văn chương, Tạ Duy Anh cũng không thể sống tốt bằng nghề sáng tác. Thế nên, làm văn chương ở ta, trước hết cần lòng hi sinh và dũng cảm. Cái nghề không làm người ta giàu tiền giàu bạc và cũng dễ sa vào “trận chiến” chữ nghĩa. Mà sự giàu ấy, nhà văn cũng không màng, bởi chẳng ưa chuyện chuộng ngã mạn lập ngôn, Tạ Duy Anh giản đơn đóng vai người bình dị kể lại những câu chuyện có thật ở làng quê. Chuyện có thật mà xót thương không tưởng.

Lão Khổ - hành trình đời người quằn quại trong vũng lầy được tạo bởi từ tâm người biến thái, mải tham mê dục vọng mà lường gạt, bán đạo làm người nuôi miệng. Thế nên Lão Khổ tưởng chán sống thèm chết, mà cũng chẳng chết đặng.Cứ sống vật vờ trong hoang nát phần con lấn át phần người.

Lão Khổ, tận cùng cái chết là sự tái sinh, và liệu có ở lại trong lòng người đọc? Thời gian vẫn là câu trả lời chân thành nhất.

Ngoài tiểu thuyết Lão Khổ, Tạ Duy Anh có khoảng 20 cuốn sách đã được in, bên cạnh đó là nhiều giải thưởng văn học danh giá trong nước. Thế cũng đủ thấy sự cống hiến tận tâm của ông. Và để được thế, cách mà ông chọn, là lặng lẽ cách xa đám đông mà viết. Nghề văn, đó là hành trình bất tận cô đơn của một mình.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›