Nhà văn Trần Chiến - Ưa ẩn mình nơi đám đông

Chủ nhật, 26/10/2014 13:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cậu ấm (NXB Trẻ), vừa phát hành cuối tháng Mười này, là tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Trần Chiến, ra đời sau tiểu thuyết thứ hai Đèn vàng gần 11 năm.

Nhà văn Trần Chiến (Sinh năm 1951 tại Hà Nội) quả có duyên với  các giải thưởng văn học. Sáu cuốn sách đã xuất bản, thì bốn cuốn được vinh danh: Con bụi (tập truyện ngắn) nhận Giải thưởng Hội văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1986 – 1990); Đường đua (tập truyện ngắn) đạt Giải thưởng Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1997; Bốn chín chưa qua (tiểu thuyết) đạt Giải thưởng Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2001, Đèn vàng (tiểu thuyết) đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2003.


Nhà văn – nhà báo Trần Chiến

Nụ cười hiền trên khuôn mặt u hoài hồn nhiên

Là con trai của nhà sử học Trần Huy Liệu, cháu ngoại của học giả Nguyễn Văn Ngọc, nhà văn Trần Chiến khởi nghiệp văn chương của mình bằng việc theo học Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp, sau khi xuất ngũ. Công việc làm báo cuốn ông vào vòng quay của thế sự, khiến nhà văn khó lòng định tâm viết. Trước đó, giữa lưng chừng cuộc họp mặt văn chương nơi đám đông, tôi hỏi nhà văn Trần Chiến chừng nào ra tiểu thuyết, ông cười mủm mỉm tránh trả lời, chỉ nói bâng quơ về việc đang còn lấn cấn chưa thu xếp thời gian được, rồi ân cần hỏi lại tôi về chuyện gia đình, con cái.

Trong nhiều nhà văn thế hệ đi trước, người tôi có rất nhiều cảm tình, đó là Trần Chiến. Dáng người cao gầy mỏng mảnh, khuôn mặt thường chất chứa vẻ u hoài dù nụ cười hiền hoà thường trực trên môi ông. Mái tóc bạc cắt ngắn vẫn còn vương vài sợi loà xoà trên trán, dường như không liên quan gì tới ánh mắt hồn nhiên và làn da sáng ánh chút xanh xao của một anh chàng trong đầu chất đầy chữ nghĩa của những năm ba mươi thế kỷ trước.

Dù nhà văn Trần Chiến có thú vui đạp xe trên khắp cung đường phố, đôi khi cũng làm chuyến dã ngoại cửa ô cho thêm vững vàng sức khoẻ hay nắng nhuộm nâu cho rắn rỏi làn da thì mỗi lần nắm lấy năm ngón tay dài gầy lạnh của ông, tôi vẫn không tránh được cảm giác xót xa pha lẫn ngậm ngùi một cách tự nhiên và khó lý giải nguyên do. Bên nhà văn, tôi không có khái niệm ông là người cầm bút, giống hơn, là một người cha người chú trong gia đình, với cõi tâm tràn ngập tình thương, đủ sưởi ấm nỗi muộn phiền của người cạnh bên.

Nhà văn Trần Chiến ít lời. Ông ưa ẩn mình trong đám đông, lắm khi đứng lẫn vào những cột trụ trong một khuôn viên rộng lớn như Quốc Tử Giám trong nhiều ngày hội văn học. Ông tham gia văn đàn với sự dịu dàng trầm mặc pha lẫn ngại ngần của người ưa quan sát, hơn là phát ngôn. Và khi tôi cất tiếng gọi “Chú Chiến” từ phía xa, vào cái lúc nhìn ông lẳng lặng quay bước rời khỏi, ông dừng lại, nghiêng nghiêng tìm kiếm để khi thấy tôi  nở nụ cười vừa chào đón vừa ngượng ngùng kiểu bất ngờ bị nhận mặt kêu tên.


Bìa tiểu thuyết Cậu ấm

Hà Nội xưa trong không gian bốn chiều

Nhà văn Trần Chiến ngoài đời, cũng như những trang văn ông viết, mang vẻ dịu dàng tinh tế mà cũng vô cùng giản dị thân thuộc dễ gần.

Cậu ấm, tiểu thuyết dày dặn với gần 500 trang in, đưa người đọc tới không khí chân thật của Hà Nội của trước và sau năm 1954 cùng sự miêu tả cụ thể tỉ mỉ kỹ lưỡng như của một sử gia. Với nhân vật chính là một cậu ấm, xuất thân từ tầng lớp khá giả của Hà Nội. Người đọc, khi đọc tiểu thuyết Cậu ấm của nhà văn Trần Chiến, rất dễ bị hút xoáy vào những trang viết, để tâm tưởng trôi theo không gian ba chiều, cùng chiều thứ tư – chiều của tâm tưởng.

Hà Nội của những ngày sau giải phóng sao náo nức nhộn nhịp, người người chen đua tiếng nói cười hân hoan của việc dành được độc lập trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Nhà văn với lối viết cổ điển xưa cũ, dùng cách kể của một nhà Nho già day dứt thời quá vãng, luôn muốn giữ cho mình vẻ nghiêm ngắn đạo mạo, giữ cái nết gốc của tiếng Việt pha lẫn Hán tự, dù đạo Khổng không còn là lựa chọn cho phương cách sống của người dân sống ở Hà Nội xưa.

Ở trong từng hoàn cảnh nhỏ, “cậu ấm” ấy dù mang dáng vẻ, sự thông minh cùng tỏ bày chính kiến không e ngại của một chàng Tây học, thì trong cốt cách vẫn đậm chất chính trực được dạy dỗ cẩn thận từ gia đạo. Với hoàn cảnh thời thế thế thời, khi bước từ vai một cậu ấm, thành người dân thường để lo toan miếng cơm manh áo từ những việc lao động đơn thuần, hay va chạm với muôn mặt người còn đầy toan tính để giữ được sự thiện lương trong mình, phải trả bằng nhiều ẩn ức.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›