Vũ Thị Huyền Trang là một trong những nhà văn 8X có sức viết đáng nể. Chị viết cả văn xuôi và thơ, dành cho người lớn và thiếu nhi. Chị cũng là nhà văn có thể sống được với nghề viết - điều không hề dễ dàng với những nhà văn trẻ chọn viết văn tự do để sống.
Trong Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo, chị có tác phẩm Hái trăng trên đỉnh núi, còn trong Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, là tác phẩm Tạm biệt mùa Hè.
Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi thiếu nhi
* Là tác giả có hơn một tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa, điều này có ý nghĩa gì với chị?
- Với tôi đó là một niềm vui đặc biệt khi tác phẩm của mình tiếp cận được với nhiều thế hệ học sinh. Tôi mong tác phẩm sẽ được sống trong lòng các em. Mong sự gần gũi, sinh động của tác phẩm sẽ được các em vui vẻ, hào hứng đón nhận. Đồng thời hy vọng rằng tác phẩm của mình cũng sẽ mang đến cho các em thêm những cảm nhận thú vị về cuộc sống.
* Chị có thể chia sẻ về những điều mình gửi gắm trong những tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa?
- Tác phẩm Tạm biệt mùa Hè kể về dòng suy nghĩ của cô bé Diệu vào buổi tối trước ngày khai giảng. Diệu nghĩ đến ngày mai khi tới lớp cô bé sẽ kể cho các bạn nghe về mùa Hè đầy thú vị của mình. Đó là mùa Hè của những trẻ thôn quê, không điện thoại thông minh, cũng không có chuyến du lịch khám phá nào. Nhưng Diệu vẫn tìm thấy những niềm vui bình dị ở ngay xung quanh mình. Khi chiều chiều Diệu được theo mẹ ra vườn hái quả. Hoặc những lần đến thăm bà cụ bị mù ở cuối làng để tỉ tê trò chuyện và nhận ra mỗi người già là cả một kho tàng thú vị. Niềm vui có khi là theo mẹ đi chợ quê nghèo, giản dị mà gần gũi. Chính những điều thân thuộc ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn để trẻ biết yêu từ mớ tép, giỏ cua và những người lao động tảo tần khuya sớm.
Tác phẩm Hái trăng trên đỉnh núi kể về một đêm Trung Thu đặc biệt trong ký ức của nhân vật Xíu. Năm ấy đoàn từ thiện đến dựng rạp tổ chức Trung Thu cho thiếu nhi miền núi. Xíu háo hức cõng em xuống núi để trải nghiệm bao điều mới mẻ, lạ lẫm: Xem múa lân, xem con chó được làm bằng tép bưởi, xem những chiếc bánh Trung Thu được làm bằng rau câu, xem đèn lồng đủ các hình con vật, cùng các bạn nắm tay nhau thành vòng tròn cất tiếng hát.
Hình ảnh Dìu ngồi trên lưng Xíu, giơ tay lên muốn hái vầng trăng tròn vành vạnh treo trên ngọn pơ lang, thể hiện ước mơ được chạm đến những điều mới mẻ của những em bé vùng cao. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tâm hồn các em luôn lấp lánh những ước mơ tươi đẹp. Đồng thời tôi hy vọng các em nhìn thấy được sự lấp lánh của tình người. Dù các em là ai, ở đâu, có xa xôi thế nào chăng nữa thì người lớn cũng luôn mong muốn mang đến cho các em những điều tốt đẹp.
Viết cho các em là viết bằng sự rung động chân thật và gần gũi nhất. Tôi làm mẹ và nhận ra sự giản dị, chân thành sẽ lay động được trái tim tụi nhỏ.
* Viết nhiều cho cả thiếu nhi và người lớn, ở lĩnh vực nào chị thể hiện "được là chính mình" nhất?
- Có lẽ là cả 2. Những trang văn viết cho người lớn là tôi của những giằng xé nội tâm, những trăn trở với thời cuộc. Nhưng trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ, viết cho thiếu nhi, tôi được trở về với đứa trẻ vô tư, hồn nhiên trong chính bản thân mình. Điều đó giúp tôi cân bằng được cảm xúc.
* Vậy viết cho thiếu nhi, theo chị cần những trang văn như thế nào?
- Viết cho thiếu nhi cần nắm bắt được tâm lý lứa tuổi. Muốn các em hiểu được tác phẩm của mình thì trước tiên nhà văn phải gần gũi, thấu hiểu được các em. Tôi luôn muốn các em khi đọc các tác phẩm sẽ thích thú vì tìm thấy chính mình trong đó. Hài hước, hóm hỉnh, những phát hiện thú vị từ đời sống xung quanh chắc sẽ làm các em thích thú.
"Viết cho các em là viết bằng sự rung động chân thật và gần gũi nhất. Tôi làm mẹ và nhận ra sự giản dị, chân thành sẽ lay động được trái tim tụi nhỏ" - nhà văn Vũ Thị Huyền Trang.
Tôi không đợi cảm hứng mới viết
* Ra sách khá đều, xuất hiện nhiều trên các báo, chị có gặp khó khăn trong việc đi tìm cảm hứng sáng tạo? Chị có "bí kíp" gì để tránh được những khó khăn này?
- Tôi là người làm việc có kỷ luật. Tôi không chờ đợi cảm hứng tới mới ngồi vào bàn viết. Bởi làm việc theo cảm hứng thì chưa chắc bền lâu, tác phẩm sẽ dở dang, không liền mạch. Thay vì đi tìm cảm hứng sáng tác thì tôi đi tìm ý tưởng. Khi đã có ý tưởng hay, cảm hứng sẽ tự khắc tìm đến. Lúc này việc của tôi là nắm bắt và tập trung cao độ để tác phẩm đạt được những giá trị mà mình muốn. Tôi nhớ có một nhà văn Mỹ từng nói: Bạn không thể chờ đợi cảm hứng, bạn phải theo đuổi nó với rất nhiều nỗ lực.
"Bí kíp" của tôi đơn giản là cân bằng giữa kỷ luật và cảm hứng sáng tạo. Cứ yêu thương, khóc cười, hờn giận, cảm hứng sẽ tự nhiên tìm đến. Cũng có khi tôi bồi đắp cảm hứng từ những loại hình nghệ thuật khác như xem một bộ phim hay, ngắm một bức tranh đẹp, nghe một bản nhạc không lời du dương, dìu dặt… Cũng có lúc thấy đầu óc mình trống rỗng, tôi biết là khi ấy mình cần được nghỉ ngơi để đầu óc thảnh thơi, nhanh tái tạo năng lượng và cảm xúc.
* "Cơm áo không đùa với khách thơ", nhưng bao năm nay chị chọn viết văn làm thơ để sống. Vì sao gặp nhiều khó khăn mà chị vẫn chọn làm nhà văn viết tự do?
- Có nhiều người ngạc nhiên khi biết tôi sống bằng nghề viết. Đối với tôi văn chương không chỉ là đam mê mà còn là một nghề. Mà đã gọi là nghề thì chắc chắn phải kiếm ra tiền, phải nuôi sống bản thân. Đó là chuyện hết sức bình thường. Nghề nào cũng nhọc nhằn, từ chị lao công cho đến người cầm bút.
Chắc có người sẽ nghĩ viết văn mà chỉ nghĩ kiếm tiền thì làm sao viết được gì lớn lao? Vậy không nghĩ đến tiền bạn có chắc sẽ viết được gì lớn lao không? Điều quan trọng là cần nắm bắt cơ hội, khéo léo và kiên định với con đường mà mình đi.
Tất nhiên nghề nào cũng có những khó khăn. Nhuận bút nhiều báo chưa cao, thậm chí có nhiều báo nhuận bút đã giảm đi. Văn hóa đọc đi xuống nên việc xuất bản, quảng bá sách không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng nghề nào cũng thế thôi, đâu thể cứ khó là từ bỏ.
Tôi cũng từng được đào tạo ngành báo chí, từng làm báo một thời gian rất ngắn nhưng cuối cùng vẫn chọn viết văn. Đơn giản vì tôi yêu văn chương, chỉ khi coi viết văn là một nghề thì tôi mới có thể dành toàn tâm toàn ý cho nghề viết. Chọn viết văn tự do, tôi không bị bó buộc bởi bất cứ thứ gì ngoài khuôn khổ mà tôi tự tạo ra. Tôi tạo ra khuôn khổ để rèn luyện chính mình.
* Thái độ viết của chị ra sao?
- Bởi không muốn là người đứng bên lề hơi thở thời đại nên tôi luôn cố gắng đi qua bề mặt của niềm vui để đi đến tận cùng cảm xúc, đào sâu vào góc khuất nội tâm từng nhân vật của mình. Tôi dùng văn chương để đối thoại với chính mình trước khi cất tiếng nói với đồng loại. Nhưng văn chương không phải là thứ gì to tát. Văn chương là hạt mầm cựa mình trỗi lên từ lòng đất, là hơi thở bung ra từ một lồng ngực phập phồng yêu thương và tha thiết với đời.
* Trân trọng cảm ơn chị.
Vài nét về Vũ Thị Huyền Trang
Sinh năm 1987 tại Phú Thọ, hiện sinh sống tại Phú Thọ.
Tác phẩm đã xuất bản: Cỗ xe mây (NXB Kim Đồng), Khi không còn bà (NXB Kim Đồng), Giặc bên Ngô (NXB Văn hóa văn nghệ), Chỉ cần nhắm chặt mắt (NXB Văn học), Ký ức miền quê (NXB Quân đội), Thương nhớ đồng quê (NXB Quân đội), Chiều nay có một cuộc hẹn (NXB Văn hóa văn nghệ), Chỉ thấy mây trời (NXB Kim Đồng), Bình yên bóng mẹ (NXB Kim Đồng), Cánh sóng mùa Xuân (NXB Hồng Đức), Bố tôi (NXB Hồng Đức), Đô thị ảo (NXB Hồng Đức), Nơi không có hoa đào (NXB Hồng Đức), Hái trăng trên đỉnh núi (NXB Kim Đồng), Những đám mây ngoan (NXB Kim Đồng), Lưng người thăm thẳm (NXB Trẻ)…
Giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn và thơ chủ đề Người đô thị do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức, 2014 - 2015; Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Dấu ấn quê hương do Hội Văn học nghệ thuật 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai tổ chức năm 2018; Giải Nhì cuộc thi viết Một chuyến đi do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức năm 2009; Giải Tư của giải thưởng thuộc Quỹ nhà văn Lê Lựu; Giải Tác giả trẻ thuộc Giải thưởng văn học 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam …
Tags