(Thethaovanhoa.vn) - Việc MV Chúng ta của hiện tại (Sơn Tùng M-TP) biến mất khỏi YouTube trong một thời gian ngắn bị cho là do “khiếu nại về bản quyền” liên quan đến beat nhạc, khiến dư luận quan tâm. Đây không phải lần đầu tiên dư luận ồn ào về beat nhạc.
Và từ câu chuyện này, nhiều người có thêm những câu hỏi: Nhạc beat là gì? Tại sao hai ca khúc nghe qua tưởng chừng như không liên quan (với giai điệu và ca từ rất khác) hóa ra lại là chung một gốc beat? Thế giới của những người làm beat ra sao và quyền lực của họ đã thay đổi theo thời gian như thế nào?
Thực tế, các nhà sản xuất âm nhạc - những người làm ra beat - đã từng rất chật vật kiếm sống bằng nghề. Nhưng giờ đây, các cửa hàng trực tuyến cùng giấy phép không độc quyền đang mở rộng cửa cho họ phát triển mạnh mẽ.
Dưới đây là câu chuyện về những người làm beat thường vô hình đứng phía sau rất nhiều những hit đình đám thế giới.
Khởi đầu chật vật của người làm beat
Wasim Khamlichi, 33 tuổi, là một người luôn rất đam mê máy tính. Khi được muachiếc máy tính đầu tiên năm lên 10, anh đã nôn nóng vô cùng để được vác nó về nhà. “Tôi bắt đầu vọc đủ thứ và viết code” - anh nói. Ở tuổi 16, anh đã là nhà phát triển phần mềm cho một công ty lớn.
Nhưng Khamlichi không muốn dựng sự nghiệp trong nghề phát triển phần mềm. Sau một năm đi làm, anh rời công ty và trở thành nhà sản xuất âm nhạc. Anh theo học trường Kỹ thuật Âm thanh của Anh, một trường tư có chi nhánh ở hơn 20 quốc gia khác, và sau khi tốt nghiệp, bay tới Boston làm thực tập ở một phòng thu.
Khi trở về từ Boston năm 2008, anh đối mặt với một tình huống khó khăn. Anh muốn trở thành một nhà sản xuất âm nhạc nhưng khả năng thành công là rất thấp: “Hoặc là tôi phải ký được hợp đồng với một hãng đĩa, hoặc tìm được một ngôi sao lớn có thể cộng tác và phát triển cùng nhau”.
Thay vào đó, Khamchili tạo ra một con đường mới: Anh kết hợp các đam mê của mình để viết code lập một cửa hàng trực tuyến có thể nhúng vào các trang điện tử - nơi anh cấp phép sử dụng nhạc của mình cho những nghệ sĩ muốn tìm nhạc beat nền cho các ca khúc của họ.
Đó là một bước đi thông minh. Lập tức, nhiều nhà sản xuất âm nhạc khác đã nhờKhamchilithêm cửa hàng trực tuyến vào trang điện tử của họ. Anh đồng ý rồi quyết định chuyển các dự án riêng lẻ thành một thị trường đại chúng độc lập. Ngày nay, dịch vụ đó là Airbit, có hơn nửa triệu người sử dụng.
Từ sở thích thành công việc toàn thời gian
Hãy nhắc tới nhà sản xuất âm nhạc người Hà Lan Robin Wesley - người tham gia làm beat từ năm 2013. Anh gia nhập trang Soundclick, nơi khi đó chỉ có khoảng 100 nhà sản xuất âm nhạc làm beat. Soundclick và các trang bán beat mở ra một cánh cửa mới: Họ mở thị trường kết nối người làm beat với các chuyên gia. Trước đó, các nhạc sĩ thường dựa vào một số ít người làm beat cố định, chuyên nghiệp để cung cấp nền cho các ca khúc của họ. Ngày nay, nhà sản xuất sẽ bán các giấy phép không độc quyền cho các nhà sản xuất âm nhạc khác, các nghệ sĩ và nhạc sĩ, cho họ sử dụng chúng làm nhạc nền ở các ca khúc, quảng cáo hay nhạc phim.
- Fan phát hiện ca khúc được cho là giống ‘Chúng ta của hiện tại’ của Sơn Tùng M-TP
- Sơn Tùng M-TP treo người trên dây để quay xuyên đêm trong MV ‘Chúng ta của hiện tại’
- Chất điện ảnh trong MV ‘Chúng ta của hiện tại' của Sơn Tùng M-TP
Wesley sớm chuyển qua Airbit, làm quản lý hậu cần ban ngày và viết beat bán vào ban đêm. Ban đầu, anh tập trung vào thể loại đang được ưa chuộng là hip-hop và rap. “Nhưng sau một thời gian, tôi chỉ làm điều tôi thích nhất” - anh nói - “Nếu cứ ép bản thân sáng tạo ở lãnh địa mình không thật sự muốn sáng tạo thì không bền vững được”. Mối tình đầu của anh là nhạc rhythm và blue phong cách thập niên 1990.
Phải mất vài năm nhưng cuối cùng Wesley đã trở thành người bán beat toàn thời gian. Anh không đơn độc: Từ một ngành mang tính tiểu thủ công nghiệp, những người làm beat “vì đam mê” giờ có thể “sống khỏe” nhờ beat của mình. Wesley kiếm được hơn 10.000 bản quyền từ hơn 160 beat anh sản xuất. Năm 2015, anh kiếm đươc 30.000 USD (gần 700 triệu đồng) từ thị trường bán beat. Năm 2019, anh kiếm được gần 100.000 USD. “Đó là chỉ tính riêng về beat, từ beat của tôi và các dịch vụ liên quan tới một số beat” - anh nói.
Người bán kẻ mua, đôi bên cùng có lợi
Theo Wesley, bán beat trực tuyến là trải nghiệm cực kỳ giải phóng, nó giúp đa dạng hóa ngành công nghiệp. Rất nhiều người đã chọn làm beat để bán trên các trang môi giới. Năm 2019, những trang lớn nhất ngành như BeatStars, SoundClick, Soundee và Airbit có hơn hơn 400.000 người dùng và đã bán giấy phép cho hàng triệu beat. Tính tới năm 2019, theo Khamlichi, trang của anh đã thu về hơn 33 triệu USD tiền bản quyền từ khi ra mắt năm 2009.
Có một nhân tố đã tạo nên thay đổi quan trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc. Trong nhiều thập kỷ trước, nếu là một nhạc sĩ và muốn mua beat, bạn có thể mua độc quyền beat đó, không ai được dùng nó trừ bạn, và người làm beat không thể bán nó cho ai khác.Nhưng trong những năm gần đây, xu hướng mới đã nổi lên: Cấp phép không độc quyền, cho phép nhiều người dùng một nhạc. Nó thay đổi cuộc chơi cho cả nhà sản xuất và nghệ sĩ.
“Có thể bán đi bán lại cùng một beat cho nhiều nghệ sĩ và kiếm được thu nhập định kỳ từ một beat duy nhất là điều chưa từng có trước đây” - Khamlichi chia sẻ.
Đôi bên cùng có lợi. Người làm beat có thể nhận được nhiều lần lợi tức từ công sức của mình và nhiều người có thể dùng chung một beat nền. Một beat duy nhất có thể đảm bảo thu nhập nhiều năm nếu nó phổ biến. Đồng thời, quyền tự do kiếm tiền nhiều lần từ một beat giúp các nhà sản xuất có thể giảm phí bản quyền beat - thường là từ 25 tới 200 USD. “Sẽ là rẻ hơn cho những người muốn đưa beat đó vào nhạc của mình” - theo Craig Hamilton, một thành viên nghiên cứu về nhạc pop và vai trò của kỹ thuật số tại Đại học Birmingham.
Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều đối tượng có thể dùng beat vào nhạc của mình hơn trước đây. Ví dụ như những nghệ sĩ độc lập cũng có thể có giấy phép dùng beat. “Nếu ca khúc nổi tiếng hay nghệ sĩ ký được hợp đồng và kiếm được nhiều tiền từ ca khúc, doanh thu xuất bản sẽ được chia giữa nhà sản xuất và nghệ sĩ” - Khamlichi giải thích - “Đây là chiến thắng cho cả đôi bên”.
Có một hit cực đình đám như thế có thể kể tên- hit lớn nhất năm 2019Old Tow Road. “Chuyện hay là Lil Nas X đã trả 30 USD cho beat Old Town Road” - Hamilton nói.
Rapper, ca sĩ người Mỹ, người phá vỡ vô số kỷ lục, đã tạo hit của mình với sự giúp đỡ của một người bán beat như Wesley. “Người bán beat cũng có được đột phá lớn” - Wesley bình luận - “Nó còn mở rộng tầm mắt cho nhiều người trên thế giới, nhận được nhiều chú ý hơn”.
Hit lớn nhất của Wesley là bản Backseat Lover, một giai điệu R&B gồm tiếng guitar, trống và nhiều lớp bàn phím. Lần đầu được tung ra vào năm 2014, nó vẫn đang bán tốt.“Bản beat đó đã giúp sự nghiệp của tôi cất cánh” - anh nói. Nhiều người đến với anh từ Backseat Lover đã trở lại mua những beat khác: “Một số khách hàng của tôi có thể chi vài trăm đô la mỗi năm, chỉ để mua beat của tôi”.
Một số nhà sản xuất thậm chí trở nên nổi tiếng. “Đã tới giai đoạn mà nhà sản xuất cũng được đánh giá cao ngang hàng trong ca khúc với nghệ sĩ” - Khamlichi nói thêm - “Trước kia, khi nghe một bài hát, bạn chỉ nghĩ tới nghệ sĩ chứ không phải nhà sản xuất đứng sau. Bây giờ thì gần như là 50/50”.
Nhưng liệu thành công này còn tiến xa? Sự phát triển của các công nghệ hỗ trợ tạo beat có thể là con dao hai lưỡi. Theo Hamilton, về lâu về dài, người ta có thể tìm kiếm beat từ… trí thông minh nhân tạo Al.
Cũng vì lý do đó, Wesley đang đa dạng hóa thu nhập của mình. Anh bắt đầu thêm ba công việc khác, đều liên quan tới sản xuất âm nhạc và beat, bao gồm cả Soundee - nền tảng bán beat anh sở hữu. Nhưng cho tới lúc cộng nghệ đi được tới đó, các nhà sản xuất âm nhạc - mượn lời từ ca khúc Old Town Road Lil Nas X - đang “phi ngựa đến khi không đi nổi nữa thì thôi”.
Beat là gì? Beat dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt là nhịp, phách. Nhịp là khoảng thời gian được chia đều trong tác phẩm âm nhạc, được định bởi vạch nhịp và ô nhịp. Trong mỗi ô nhịp lại chia thành các quãng thời gian đều nhau gọi là phách. Nhịp có thể minh họa dễ hiểu là cách đập chân, vỗ tay hay bước nhảy của khán giả khi nghe một bản nhạc. Mỗi nhịp khác nhau lại mang tới những sắc thái rất khác nhau. Nhịp còn giữ vai trò rất quan trọng là gắn kết các bộ phận lại với nhau, giúp ca sĩ, các nhạc cụ chơi ở cùng tốc độ, sắc thái. Một bản nhạc khi chưa có giai điệu và giọng hát nhưng được hòa âm để phối hợp với lời nhạc được gọi là nhạc beat. Do đó, trên cùng một nhạc beat, nhạc sĩ có thể tạo ra nhiều bài hát với giai điệu, ca từ khác nhau. |
Thư Vĩ
Tags