Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 11): Văn hóa nhạc kịch và khát vọng nhạc kịch Việt Nam

Thứ Bảy, 23/11/2024 07:06 GMT+7

Google News

Trải qua 10 kỳ, câu chuyện về nhạc kịch tại Việt Nam đã được xới xáo, phân tích ở nhiều khía cạnh, từ lịch sử, thực trạng, các vở diễn, các đơn vị tổ chức cũng như vấn đề đào tạo… Chính những điều này cũng góp phần tạo nên thói quen, văn hóa nhạc kịch của khán giả Việt Nam. Từ đây, khát vọng nhạc kịch Việt Nam càng có thêm cơ sở để vươn mình!

Trong kỳ thứ 11 cũng là kỳ cuối cùng của chuyên đề Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật", chúng ta cùng bàn về việc xây dựng văn hóa nhạc kịch ở Việt Nam trong thời đại mới.

Những lần nhạc kịch cháy vé

Năm 2016, dự án nhạc kịch HOPE (Mộng ước) gồm ba vở nhạc kịch theo phong cách Broadway, lần lượt được công diễn là Đêm hè sau cuối (tháng 10), Góc phố danh vọng (tháng 11) và Mộng ước không xa vời (tháng 1/2017) do đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất chính thức ra mắt khán giả. Các đêm diễn đều cháy vé. 

Địa điểm biểu diễn dự án nhạc kịch này là Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L'Espace (cũ) với sức chứa khoảng 300 khán giả, số ghế không quá nhiều nhưng ở thời điểm đó, rõ ràng, sự quan tâm của khán giả là không nhỏ.

Góc phố danh vọng với 7 suất diễn vào tháng 11/2016, đã bán hết 2.000 vé ngay sau đêm đầu tiên trình diễn.

Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 11): Văn hóa nhạc kịch và khát vọng nhạc kịch Việt Nam - Ảnh 1.

CEO Thanh Le đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nhạc kịch Việt Nam

Trả lời báo chí, đạo diễn Phi Anh cho biết, lượng khán giả đặt vé Góc phố danh vọng vẫn còn khá lớn, tuy nhiên ê kíp thực hiện quyết định chỉ biểu diễn đúng 7 suất diễn theo đúng kế hoạch.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, vở nhạc kịch Những người khốn khổ do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện đã liên tiếp gây sốt và cháy vé trong mỗi lần biểu diễn. Những đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội luôn được lấp kín mọi ghế ngồi.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn này, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch Covid-19, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã quyết định cho ra mắt vở nhạc kịch (musical) này để đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới.

Những người khốn khổ chính là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, về văn hoá đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người.

Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của ê-kíp sản xuất trẻ, đã và đang học tập và làm việc trong lĩnh vực này ở nước ngoài, Những người khốn khổ đã được thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, đặc biệt từng bước đưa nghệ thuật musical lên sân khấu Việt Nam.

Sau những đêm diễn cháy vé, Những người khốn khổ đã tiếp tục hành trình chinh phục khán giả ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Năm 2023, lần đầu tiên một vở nhạc kịch được mua bản quyền với những tiêu chuẩn vàng của nhạc kịch Broadway mang tên Shrek the musical được đưa về Việt Nam do các bạn trẻ Việt Nam thực hiện. 2.000 vé của hai đêm diễn liên tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội "cháy vé". Và tới năm 2024, trở lại với một tầm vóc mới, tour diễn Shrek: On National Tour đã tiếp cận khán giả cả Hà Nội và TP.HCM với 4 đêm diễn, hơn 10.000 khán giả. Lần đầu tiên, nhạc kịch được đưa đến những sân khấu có sức chứa khủng lên tới 3.800 chỗ ngồi như Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Dần hình thành thói quen thưởng thức nhạc kịch

Những ví dụ trên cho thấy, sự quan tâm của khán giả tới nhạc kịch, đồng thời sự tham gia của các đơn vị tổ chức cũng phần nào khẳng định được thị trường nhạc kịch tại Việt Nam là mảnh đất mang đến nhiều cơ hội. Khi các đơn vị tích cực xây dựng các vở nhạc kịch, công chúng có cơ hội nhiều hơn để tìm hiểu về loại hình từng đầy sự mới mẻ này. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng thói quen, văn hóa thưởng thức nhạc kịch của khán giản Việt Nam.

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cho rằng: Để tạo được thói quen cho khán giả, chúng ta cần thêm thời gian, có sự cạnh tranh và có sự tiếp cận cũng như đào thải. Những hiện tượng nhạc kịch "cháy vé" là đáng mừng, nhưng mừng đấy rồi lo đấy. Thực tế, chính các đơn vị thực hiện cũng vậy, bản thân Nhà hát Tuổi trẻ, là đơn vị tích cực xây dựng các vở nhạc kịch trong thời gian vừa qua cũng đang trong quá trình tìm hiểu, xem hình thức nào phù hợp với khán giả.

Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 11): Văn hóa nhạc kịch và khát vọng nhạc kịch Việt Nam - Ảnh 2.

Nuôi dưỡng tình yêu nhạc kịch ở khán giả nhỏ tuổi

"Chúng tôi đang cố làm bài bản nhất, tuy nhiên không tránh khỏi lúc thế này lúc thế kia, có vở thì khán giả rất thích, cũng có vở thì khán giả còn hoài nghi. Chấp nhận những thử nghiệm ở giai đoạn đầu, để rồi, khi định hình được phong cách riêng cho từng đơn vị, từng nhà hát; hoặc chúng ta tìm được xu hướng chung của khán giả, lúc đó sẽ có thêm những cách làm táo bạo hơn nữa".

Chuyên gia âm nhạc Kat Ha, người sáng lập Sân khấu Nhạc kịch Lấp lánh, thì cho rằng, khán giả Việt Nam chưa thực sự có thói quen đi xem nhạc kịch, để tạo được văn hóa sẽ cần nhiều thời gian, và phải bắt đầu từ việc giáo dục thế hệ trẻ.

"Tôi nghĩ rằng thói quen và văn hóa sẽ được tạo ra nếu chúng ta kiên trì, bền bỉ xây đắp mỗi ngày một chút, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác. Và cần bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ nhất đó là trẻ mầm non. Nếu các bé được tham gia trải nghiệm nhạc kịch một cách thường xuyên ở cả hai vai khán giả và diễn viên, chắc chắn khi lớn lên nhạc kịch sẽ trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Đó chính là lúc văn hóa nhạc kịch được hình thành. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ mất thời gian rất dài để làm được điều đó".

Một cách rất thực tế, Kat Ha nhận xét rằng, khán giả hiện tại của nhạc kịch dù ít nhưng lại là những người rất quan tâm và có sự đầu tư cho con cái. "Tôi đã gặp những bố mẹ dù không thích nhưng vì muốn bồi dưỡng niềm yêu thích cho con nên sẵn sàng dành thời gian và chi phí để đồng hành cùng con. Đây cũng là lực lượng chính giúp lan tỏa nhạc kịch tới đông đảo quần chúng" - chị khẳng định và tâm niệm - "Mỗi ngày nhiều thêm một người quan tâm tới nhạc kịch cũng đã là một điều đáng quý".

Khi giới làm nghề đặt mình vào những thử thách nghệ thuật, có thêm những sáng tạo mới mẻ, các đơn vị nghệ thuật tiếp tục có hướng đầu tư, khai thác vào thị trường nhạc kịch tại Việt Nam, các nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi khẳng định mình,  khán giả có cơ hội tiếp cận thêm nhiều hơn nữa những vở nhạc kịch chất lượng… tương lai sẽ mở ra với đầy kỳ vọng.

Và khát vọng nhạc kịch Việt Nam!

Chỉ trong chục năm trở lại đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam chứng kiến những cuộc "đổ bộ" của nhạc kịch trên sân khấu kịch nghệ nước nhà. Từ lạ lẫm, tới dần quen thuộc, từ tò mò tới thích thú và xem đó như một món ăn hấp dẫn, khán giả đã và đang ủng hộ nhạc kịch Việt ngay trên sân nhà. Điều đó đã tạo thêm những động lực cho chính những nghệ sĩ, những đơn vị đang đầu tư làm nhạc kịch.

Chị Thanh Lê - CEO The YOUniverse - chia sẻ: "Khán giả chính là động lực giúp chúng tôi "vượt mọi chông gai" để thực hiện những tour diễn, đưa vở nhạc kịch Shrek đi khắp Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn nữa, chính khán giả, những sân khấu lớn đã giúp các diễn viên trẻ của chúng tôi vượt lên chính mình, nuôi dưỡng khát vọng. Khi những bạn trẻ tài năng của Việt Nam có khát vọng đủ lớn, họ có thể làm được những điều không tưởng"!

Và "điều không tưởng" mà chị Thanh Lê nhắc đến chính là khát vọng đưa nhạc kịch Việt Nam đến với thế giới. Không chỉ là một cái tên, những nhân vật hay không gian gợi nhắc tới Việt Nam như trước đây từng có, mà đó phải là những cơ hội "xuất khẩu" những vở nhạc kịch "made in Viet Nam". Trong 3 năm liên tiếp mời các chuyên gia hàng đầu về đào tạo nhạc kịch trên thế giới về Việt Nam xây dựng cộng đồng nhạc kịch, chị Thanh Lê xem đó là tiền đề của sự kết nối, mở ra những cơ hội để đưa các vở diễn, các diễn viên Việt Nam tới các sân khấu quốc tế.

"Với thế mạnh của The YOUniverse, không chỉ đưa Broadway về Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng những vở diễn dựa trên văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Trên hết, chúng tôi đang tìm kiếm những cơ hội dành cho các nghệ sĩ, các vở diễn của Việt Nam để đưa ra thế giới!"

Trong một hành trình dài, và không ít gian nan khi có sự chung tay của giới làm nghề, có sự đầu tư bài bản từ các nguồn lực, khi sự tự tin được củng cố bằng thực lực, tất cả đều có thể. Như NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ: "Đặt mình vào những thử thách mới để rồi xa hơn, chúng ta chẳng những đưa được văn hóa phương Tây về Việt Nam mà còn đưa được văn hóa Việt Nam ra với thế giới".

"Với thế mạnh của The YOUniverse, không chỉ đưa Broadway về Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng những vở diễn dựa trên văn hóa, lịch sử của Việt Nam" - CEO Thanh Lê.

Yên Khương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›