Nhạc kịch thế giới và Việt Nam - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 8): Đào tạo nhạc kịch tại Việt Nam - Biến không thành... có!

Thứ Ba, 19/11/2024 11:12 GMT+7

Google News

Nếu đặt câu hỏi "Đâu là nơi đào tạo nhạc kịch của Việt Nam?", câu trả lời hẳn sẽ là... "chưa có"! Bởi tới nay, chúng ta vẫn không có một khoa hay trường nào đào tạo chuyên về nhạc kịch - dù lý thuyết về thể loại này đương nhiên các sinh viên theo học chuyên ngành về âm nhạc hay diễn xuất đều được tìm hiểu.

Vậy vấn đề đào tạo nhân sự cho các vở nhạc kịch lâu nay của Việt Nam đã được thực hiện như thế nào?

"Nhìn ra" thế giới

Trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia mà nhạc kịch phát triển mạnh mẽ, không khó để tìm kiếm những môi trường đào tạo nhạc kịch uy tín.

Tại New York (Mỹ) có thể kể tới một số ngôi trường tiêu biểu như các chương trình đào tạo diễn viên và nhà soạn kịch của Juilliard School hay các chương trình đào tạo gắn với các chuẩn mực âm nhạc truyền thống, với những buổi thực hành thường xuyên cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Tisch School of the Arts (New York, Mỹ).

Nhạc kịch thế giới và Việt Nam - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 8): Đào tạo nhạc kịch tại Việt Nam - Biến không thành... có! - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ - nơi các diễn viên “vừa làm vừa học”

Tại Anh, những ngôi trường đào tạo về nhạc kịch đặc biệt phát triển, điển hình là trường Royal Academy of Dramatic Art (RADA) với phương châm phát triển kỹ năng toàn diện cho học viên từ thanh nhạc, vũ đạo, cảm xúc, sự sáng tạo tới diễn xuất chuyên nghiệp... Hoặc, Guildhall School of Music & Drama là trường nằm trong Top 5 những nơi đào tạo nhạc kịch tốt nhất bởi hệ thống QS năm 2024. Rồi London Academy of Music & Dramatic Art là nơi các học viên có cơ hội tìm hiểu về thời đại của nhạc kịch và tầm ảnh hưởng của nó ở các đất nước, các nền văn hóa khác nhau một cách bài bản, từ đó có quá trình phát triển các kỹ năng nhạc kịch một cách toàn diện...

Thậm chí, bên cạnh vai trò của một nghệ sĩ trình diễn trong các vở nhạc kịch, kịch nói, phim ảnh và cabaret trên khắp thế giới, huyền thoại nhạc kịch Philip Quast còn tham gia giảng dạy và được biết đến là một nhà giáo dục trong lĩnh vực nhạc kịch và nghệ thuật. Ông là một giảng viên đẳng cấp thế giới hoạt động tại National Institute of Dramatic Arts (Viện Nghệ thuật sân khấu quốc gia Australia), giảng dạy chuyên ngành nhạc kịch.

Chia sẻ lý do đưa mình đến Việt Nam tham gia dự án giáo dục nghệ thuật nhạc kịch, Philip Quast cho biết: Ông rất muốn truyền kỹ năng, kinh nghiệm sân khấu của mình cho thế hệ trẻ. Làm việc với các nghệ sĩ và các bạn trẻ đam mê nhạc kịch tại Việt Nam, ông nhận ra còn nhiều khía cạnh liên quan đến bộ môn nhạc kịch chưa thực sự được phổ biến tại nơi này. Và ông muốn các bạn trẻ Việt Nam không đơn thuần sao chép các kỹ năng từ phương Tây, mà cần phải biết tận dụng, khai thác bề dày văn hóa truyền thống của đất nước mình để phát huy hết tiềm năng.

Vừa làm vừa đào tạo

Trở lại với bối cảnh của Việt Nam. Vở nhạc kịch đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của nhạc kịch Việt Nam là vở Cô Sao do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. Cô Sao được Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng lần đầu vào năm 1965. Buổi công diễn năm 1965 của vở nhạc kịch này có sự tham gia của những giọng ca opera hàng đầu của Việt Nam lúc bấy giờ như: Ngọc Dậu, Kim Định, Quý Dương, Quang Hưng, Tâm Trừng, Lê Gia Hội, Quốc Trụ, Trung Kiên.

Tiếp theo Cô Sao, một số vở nhạc kịch kinh điển khác của Việt Nam lần lượt ra đời, nhưng sau đó là một giai đoạn khá trầm lắng, cho mãi tới gần đây...

Có nhiều lý giải cho sự đứt quãng của thể loại nhạc kịch tại Việt Nam, nhưng một trong những vấn đề nổi cộm chính là đào tạo, khi chúng ta vẫn chưa có một trường hay khoa chuyên ngành nào cho thể loại này.

Như nhạc sĩ Kat Hà, người sáng lập sân khấu nhạc kịch Lấp lánh chia sẻ: "Chúng tôi đã tiếp xúc với nhạc kịch từ khi còn học trong trường đại học thông qua bộ môn lịch sử âm nhạc với các khái niệm opera, oratorio hay musical. Ngoài ra, các trích đoạn của các vở kinh điển như: Đám cưới Figaro; Cây sáo thần; Romeo và Julliet cũng được thầy cô cho xem tại giảng đường. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở đó. Bản thân tôi vì khá yêu thích thể loại này nên tự tìm tòi trên internet để xem thêm các vở khác và dần có những hiểu biết cơ bản".

Nhạc kịch thế giới và Việt Nam - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 8): Đào tạo nhạc kịch tại Việt Nam - Biến không thành... có! - Ảnh 2.

Nghệ sĩ opera Ngô Hương Diệp trong vai Carmen, vở “Carmen”

Ở thời điểm các vở nhạc kịch được mua bản quyền và dựng tại Việt Nam  - đồng thời các sân khấu nhạc kịch "nở rộ" - thì việc thiếu những nguồn nhân lực thực sự cho nhạc kịch trở thành thách thức lớn. Các nhà hát khi dựng nhạc kịch thường theo phương châm vừa học vừa làm. Như lời NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - một trong những đơn vị tích cực xây dựng các vở nhạc kịch của mang chất liệu Việt Nam -  để trở thành diễn viên chuyên nghiệp có thể đảm đương những vai diễn đòi hỏi nhiều kỹ năng trong một vở nhạc kịch là cả một chặng đường dài.

"Chúng tôi phải chấp nhận vừa làm vừa đào tạo. Đây được xem là một giải pháp mang tính tình thế trong quá trình Nhà hát - cũng như chính các nghệ sĩ - đang tìm kiếm những cơ hội để dựng các vở nhạc kịch. Biểu diễn là nghề truyền nghề, và không ngừng học hỏi các kỹ năng".

Tương tự, theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, diễn viên nhạc kịch cần đáp ứng "ba trong một": biết ca hát, diễn xuất và vũ đạo. Trong khi đó, rất ít diễn viên Việt Nam hội đủ những yêu cầu này. Để tìm được đội ngũ vài chục người tham gia một vở nhạc kịch là cả hành trình gian nan.

NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng từng chia sẻ: Trong nghệ thuật, trung tâm là người diễn viên. Người diễn viên cảm thụ vai diễn, cảm thụ nghệ thuật được tới  9 - 10 phần thì may ra mới có thể truyền tải được 1 hoặc 1 phần cho khán giả. Chính vì thế, muốn phát triển bất cứ loại hình nghệ thuật nào, đào tạo diễn viên là vô cùng quan trọng. Từ những sân khấu kịch hát truyền thống của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương... chuyện nghề truyền nghề là lẽ đương nhiên, nhưng khi sân khấu phát triển với nhiều hình thức khác, những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp sẽ quyết định nguồn nhân lực chuyên nghiệp!

Khi những vở diễn kinh điển trên thế giới được đưa về Việt Nam như vở Carmen, những nghệ sĩ hàng đầu của Nhà hát Nhạc vũ kịch như Đào Tố Loan, hay Ngô Hương Diệp cũng chia sẻ về những khó khăn của các ca sĩ opera khi hóa thân vào những vai diễn nhạc kịch. Với họ khó khăn không nằm ở việc hát mà chính là những màn diễn xuất, nhảy múa. Chinh phục một vai diễn trong các tác phẩm nhạc kịch đòi hỏi nhiều kỹ năng tổng hợp, các nghệ sĩ không có cách nào khác ngoài việc... tự học hỏi, trau dồi!

"Diễn viên nhạc kịch cần đáp ứng "ba trong một": biết ca hát, diễn xuất và vũ đạo. Trong khi đó, rất ít diễn viên Việt Nam hội đủ những yêu cầu này" - theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Cần những đơn vị xã hội hóa... rút ngắn thời gian

Bằng phương pháp tự đào tạo như thế, những diễn viên kịch đã có thể hát, và những ca sĩ, vũ công cũng có thể diễn. Nhưng để trở thành diễn viên chuyên nghiệp cho thể loại nhạc kịch cần chặng đường dài.

Theo NSƯT Sĩ Tiến, các diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ luôn sẵn sàng trong việc học hỏi, trải nghiệm và thử thách, thế nhưng đó là những trải nghiệm... thực sự "đau đớn"!  Họ chấp nhận phải bỏ việc nọ việc kia để đầu tư thời gian công sức cho nhạc kịch. Đội ngũ nhân sự của Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang dần dần tạo ra cách tiếp cận kịch bản, vở diễn để tiến đến chuyên nghiệp hơn, nhưng quả thực quá trình này vô cùng vất vả.

Nhạc kịch thế giới và Việt Nam - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 8): Đào tạo nhạc kịch tại Việt Nam - Biến không thành... có! - Ảnh 4.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trên sàn tập vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”

Anh cũng cho rằng, nhìn vào tình hình thực tế, với sự phát triển của sân khấu nhạc kịch trong thời gian gần đây, để có những cách làm bài bản, tạo dựng một lứa nghệ sĩ cho nhạc kịch và sự đa dạng trong diễn xuất một cách chuyên nghiệp, sớm nhất cùng phải chừng 5 năm nữa.

 "Đơn giản, chúng ta còn cần giải quyết nhiều vấn đề. Những người trẻ cần thêm trải nghiệm, các đơn vị cần tìm kiến giải pháp tài chính để có thể trụ vững" - NSƯT Sĩ Tiến nói - "Tôi cho rằng, để quá trình này diễn ra nhanh nhất có thể, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong thị trường này. Những đầu tư đích đáng và đúng hướng sẽ tạo ra những nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu của nhạc kịch với những khả năng nhảy múa, hát ca và diễn xuất.

Một giải pháp đường dài cần sự đầu tư bài bản từ cả phía Nhà nước lẫn các đơn vị xã hội hóa. Dẫu vậy, hẳn những người yêu nhạc kịch còn chưa quên "hiện tượng nhạc kịch" Nguyễn Phi Phi Anh của cách đây 7, 8 năm. Khi ấy, với chuỗi 35 đêm nhạc kịch HOPE (Đêm Hè sau cuối, Mộng ước đêm Hè, Góc phố danh vọng) liên tục cháy vé, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh đã khuấy động sân khấu kịch nghệ do anh tự viết kịch bản, dàn dựng, cùng ê-kíp trẻ 100% không chuyên. Và Phi Anh làm được điều đó hoàn toàn bắt nguồn từ niềm say mê với nhạc kịch và khát khao mãnh liệt của tuổi trẻ đã tạo nên một cuộc phiêu lưu quý giá. Về sau, anh tiếp tục với những dự án nghệ thuật khác, và mới đây trở lại trong vai trò đạo diễn điện ảnh, ở vai trò nào cũng có những dấu ấn đặc biệt.

Chưa biết liệu Nguyễn Phi Phi Anh có trở lại với nhạc kịch hay không, nhưng dấu ấn của anh chính là một minh chứng, khi những đam mê được khởi lên và tài năng được đặt đúng chỗ, mọi thứ đều có thể!

"Bước đệm" để đào tạo diễn viên nhạc kịch

Vào tháng 4 vừa qua, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức cuộc họp "Thẩm định chương trình Đào tạo chuyên ngành Diễn viên Nhạc kịch" do PGS-TS-NGND. Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua chương trình đào tạo chuyên ngành diễn viên nhạc kịch.

Tới đây, bản mô tả Chương trình Đào tạo sẽ được triển khai thành các đề cương chi tiết. Chương trình đào tạo sẽ được tiếp tục hoàn thiện dựa trên các ý kiến đóng góp của hội đồng.

(Còn tiếp)

Yên Khương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›