Nhạc sĩ Giáng Son vừa đi qua năm 2023 khá thành công với dự án Sing my Sol đánh dấu sự trở lại của chị trong lĩnh vực ca sĩ. Tiếp đến, chị nhận giải Ba, mảng sáng tác ca khúc tại Giải thưởng Âm nhạc 2023 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Giáng Son cho biết, đây là năm mà chị bị "vũ trụ" thôi thúc để làm nhiều việc - để rồi thấy hạnh phúc khi mỗi dự án, tác phẩm ra đời đều được giới chuyên môn cũng như công chúng đón nhận tích cực. Nữ nhạc sĩ đã có những chia sẻ cùng Thể thao và Văn hóa, TTXVN.
Chưa từng viết về cha
* Chị có thể nói gì về tác phẩm "Thương cha" mà mình vừa đoạt giải tại Giải thưởng Âm nhạc 2023 vừa qua?
- Có thể nói tôi chưa bao giờ viết ca khúc nào về những người cha, dù tôi yêu và kính trọng bố mình vô cùng. Thậm chí, bố - nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Hoàng Kiều - còn là thần tượng của tôi, nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa có một bài hát nào để dành tặng ông. Tôi nghĩ, đôi khi yêu thương quá nhiều lại khó mở lời! Đó cũng là điều tôi trăn trở.
Tình cờ, tháng 9/2023, tôi gặp anh Phạm Hồng Điệp và được anh gửi cho đọc bài thơ Thương cha. Người cha trong bài thơ chuyên nghề đánh bắt cá trên biển, khác với cha tôi. Nhưng tình yêu của những người cha đối với các con thì đều giống nhau. Họ đều vất vả sớm hôm, đều làm việc cật lực để nuôi dạy các con nên người.
Đọc thơ, tôi có cảm xúc ngay lập tức, các giai điệu vang lên trong đầu và được hoàn thành trong khoảng vài tiếng. Tôi yêu ca khúc này, vì có thể coi đó là ca khúc đầu tiên tôi có để tri ân những người cha. Bạn bè khen hay, và tôi gửi nó tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam để tham gia Giải thưởng Âm nhạc 2023.
* 19 năm gắn bó với Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong tư cách một thành viên, chị thấy điều ấy có ý nghĩa thế nào?
- Tôi thấy mình luôn được các thế hệ nhạc sĩ đi trước tạo điều kiện để tham gia các trại sáng tác, giao lưu âm nhạc, rồi học hỏi nâng cao nghề nghiệp! Nhiều năm qua, Hội Nhạc sĩ cũng nỗ lực tổ chức những chương trình lớn, những đêm nhạc tôn vinh các nhạc sĩ có ảnh hưởng tới âm nhạc Việt Nam.
Bên cạnh đó, các giải thưởng của Hội luôn là điều mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp như chúng tôi hướng đến. Bởi, được sự công nhận của các thầy trong nghề và được sự yêu quý từ khán giả sẽ luôn là niềm hạnh phúc của một nhạc sĩ. Điều đó chứng tỏ mình có sự thành công cân bằng.
* Từ hát đến sáng tác rồi lại hát, đó là một hành trình như thế nào với chị? Chị có nghĩ đáng ra mọi người nên gọi Giáng Son là singer-songwriter (thuật ngữ chỉ ca sĩ kiêm sáng tác) từ lâu rồi không?
- Tên đó khá phù hợp, nhưng tôi vẫn làm nhạc sĩ là chính thôi! Khi còn ở nhóm 5 Dòng kẻ, việc hát với tôi chỉ là phụ vì tôi chủ yếu lo sáng tác, lo các công việc khác của nhóm.
Nhưng có thể nói, qua mấy chục năm kể từ khi bắt đầu sáng tác đến nay, tôi thấy sự sáng tạo của các ca sĩ đối với bài hát của mình rất quan trọng. Nhiều khi họ sẽ làm ca khúc hợp lý hơn, hay hơn về hơi thở, về giai điệu. Nhưng cũng có những chỗ các ca sĩ xử lý bài chưa đúng ý mình như mình mong muốn. Thế nên, khi nảy ra ý muốn làm album tự hát, tôi chỉ muốn giới thiệu đến mọi người một phiên bản từ cách tác giả đang hát thôi (cười)!
Đang ở điểm chín
* Khi chọn làm cả nhạc sĩ và ca sĩ ở thời điểm này, chị muốn cân bằng mình trong hai lĩnh vực, muốn bắt kịp xu thế, hay còn điều gì nữa?
- Nếu nói về xu thế thì tôi đã tự hát, tự sáng tác từ năm 1998 khi tham gia ban nhạc Độc đáo rồi! Tôi thấy âm nhạc bây giờ rất mở, mọi người có thể chấp nhận nhiều phong cách âm đa dạng. Khi xưa, chỉ có ca sĩ chính thống mới được công nhận. Còn bây giờ, nhiều bạn trẻ hát theo kiểu thủ thỉ, nhẹ nhàng, tâm sự cũng rất thành công. Thủ thỉ thì chắc hợp với tôi rồi!(cười). Và mỗi ca khúc đều có thể được xử lý hoặc thay đổi với rất nhiều phong cách khác nhau, miễn là hay và hợp lý.
Tôi không toan tính nhiều! Như tất cả các nhạc sĩ khác, tôi cũng chỉ mong muốn những đứa con tinh thần của mình được lan toả đến các khán giả! Có những ca khúc nổi tiếng, tuổi đời từ 50 năm trở lên, nếu được khoác lên mình hoà thanh hiện đại, phối khí mới, mang hơi thở hiện đại thì vẫn được khán giả đón nhận - đặc biệt là giới trẻ. Vậy tại sao không tự làm mới ca khúc của chính mình một chút nhỉ?
* Vậy chị có nghĩ đây là lúc mình sẽ làm gì được nhiều nhất và tốt nhất trong nghề?
- Tôi đang ở điểm chín - và chững lại - của nghề nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn có thể sáng tác được tốt nhất vào lúc này. Bây giờ, có thể tôi viết không nhiều như cách đây 20 năm, nhưng đã viết ra là phải ưng ý.
Chững lại, với tôi là sự từ từ bình tĩnh. Tôi vẫn đang có nhiều ý tưởng về album, thử nghiệm này kia, vẫn háo hức và tin rằng nếu những dự án đó thành công thì chúng cũng góp phần làm đa dạng hơn cho thị trường nhạc Việt.
* Nhìn lại, tôi thấy tuổi trẻ của Giáng Son cũng khá "dữ dội" vì cá tính. Nhưng âm nhạc của chị, dù viết ở thể loại nào, cũng thể hiện sự nữ tính. Chị có nghĩ những đối nghịch giữa mạnh mẽ - mềm mại, thầm kín - khát khao đã làm nên sức hút cho tác phẩm của mình không?
- Đúng đấy, với tôi âm nhạc phải có sự đối nghịch mới cuốn hút. Êm đềm mãi cũng chán, dữ dội mãi cũng mệt! Vậy nên, đa số các phần điệp khúc của tôi đều phải bùng cháy, có cao trào mạnh mẽ để đối lập với đoạn đầu nhẹ nhàng. Tôi thích như vậy!
ca khúc “Thương cha” do ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện
* Một Giáng Son ở tuổi 48 tươi trẻ và tràn đầy năng lượng, thành công với nhiều hoạt động trong nghề, phải chăng cũng là nhờ bởi tình yêu đã "bồi đắp" cho chị?
- Tình yêu à? Hiện tôi chưa yêu ai nên mới dành toàn bộ tâm huyết cho âm nhạc. Âm nhạc chính là tình yêu của tôi!
Tôi thấy một mình nhiều lúc cũng hay, thỉnh thoảng thấy cô đơn chút! Vẫn biết có người chia sẻ vẫn tốt hơn nhưng phải hợp, không hợp thì một mình hay hơn. Và tôi là nghệ sĩ, lại nhạc sĩ, những lúc sáng tác cần chỉ có một mình, không bị ai quấy rầy!
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
"Đa số các phần điệp khúc của tôi đều phải bùng cháy, có cao trào mạnh mẽ để đối lập với đoạn đầu nhẹ nhàng. Tôi thích như vậy" - nhạc sĩ Giáng Son.
Tags