(Thethaovanhoa.vn) - Lê Minh Sơn cười lớn khi “bị” đặt câu hỏi: Mấy năm nay anh bớt ngông cuồng thì phải? Mất hơn 5 năm, anh mới hoàn thành “giấc mộng” đưa âm nhạc đương đại lên một nấc thang mới. Đêm nghệ thuật Tiếng khóc kêu trong hũ sẽ diễn ra ngày 18/11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
* Có vẻ như anh đang “ngợi ca” cô Cám – kẻ vốn bị xem là tham lam, ích kỷ và cả độc ác. Phải chăng là để… “gây sốc”?
- Tại sao chúng ta không mở lòng vị tha, nhân ái với những con người sống để yêu, khát khao yêu thương như Cám? Cả nàng năm trôi qua trong hũ sành cũng sẵn lòng, chỉ vì dám yêu và mong được yêu thương.
* Chương trình được giới thiệu cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chắc hẳn nó không chỉ dành cho khán giả Việt?
- Đó là do khán giả nước ngoài yêu cầu. Những đêm diễn của tôi 50 % là khán giả nước ngoài, yêu cầu nhiều lắm.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn
* Liệu có chuyện khán giả Việt chưa cảm nhận được âm nhạc của anh?
- Cảm nhận được chứ, khán giả Việt cảm nhận được thì mới nuôi sống tôi đến tận bây giờ, tôi làm gì có tài trợ. Live show này người nước ngoài đến xem cũng rất phù hợp, vì du khách đến Việt Nam chả biết xem gì ngoài múa rối nước…
* Tại sao anh chỉ diễn một đêm ở Nhà hát Lớn với khoảng 600 khán giả?
- Một đêm thôi tôi đã đủ kiệt sức rồi, ngày xưa làm hai đêm nhưng giờ không làm nổi.
* Nhưng cũng hơi tiếc vì số người được xem, nghe không nhiều?
- Ít cũng rất vất vả, mệt mỏi, vì mình không có tài trợ. Có hỗ trợ tài chính, tôi sẵn sàng làm ngay 10 đêm.
*Có vẻ lần này anh đã bắt tay với những nghệ sĩ khác đúng không?
- Không còn bất cứ một ca sĩ nào mới nào cả. Hà Thu cũng là ca sĩ cũ, nhóm nhạc của tôi lần này có nhiều thứ hay. Đêm diễn chỉ có âm nhạc là mới.
* Tò mò một chút, ngoài kia đời sống âm nhạc nhộn nhịp, nhưng dường như Lê Minh Sơn tách khỏi tất cả sự sôi động ấy?
- Thực ra sôi động cũng nhiều nhưng không có gì rúng động trong giới nhạc cả, những tác phẩm âm nhạc đưa ra 10 năm nay gần như không thể tạo ra một tiếng vang, một xu hướng để kéo con người đến gần với con người hơn, hầu hết toàn là kiếm ăn, là bắt chước… Nhiều bài gọi là hit nhưng giỏi chỉ kéo dài được 6 tháng đến 1 năm là hết, không có một luồng sinh khí, chất dân tộc... Mà đấy mới là khát vọng thực sự của tôi.
* Liệu chúng ta có thể kỳ vọng ở Lê Minh Sơn?
- Đừng kỳ vọng bởi chính bản thân tôi cũng chẳng hy vọng điều gì, nhưng không bao giờ thất vọng.
* Tôi cảm nhận anh so với 10 năm trước rất khác, Lê Minh Sơn của 10 năm trước điên cuồng hơn rất nhiều, có phải do anh đã “tu thân” không?
- Không phải là tu đâu, tôi đã đi và cuộc đời dậy tôi nhiều thứ. Còn tố chất, bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn. Sự ngông cuồng, sự điên dại mình sẽ cho vào âm nhạc một cách tinh tế hơn. Điên không có nghĩa là gào lên, là lặp lại... Như vào bảo tàng của Pháp, đứng trước 1 bức tranh 17 triệu USD với chỉ một tấm voan trắng, đấy là một thứ đẹp vô cùng.
* Không “tu” nhưng anh đã “đắc đạo” lắm rồi…
- Khi làm chương trình du ca mang tên “Tâm an” ở Bái Đính, có một sư thầy rất thích, xúc động. Phần đông người Việt biến Phật thành một vị thần để cầu gì được nấy. Nhưng không phải thế, tôi quan niệm Phật là một nhà triết gia, ông đưa ra tư tưởng, đạo là đi mãi, là đường đi cho nhân loại. Sau buổi đàm đạo 8 tiếng đồng hồ, chân lý cuối cùng của đạo Phật tôi rút ra là buông bỏ hết...
Tôi tự xây một ngôi chùa trong tim mình. Tự mình phải có trách nhiệm, đừng có làm ác, đặc biệt là với bản thân mình, thế thôi.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags