(Thethaovanhoa.vn) - “Có những nhạc sĩ sống rất đạm bạc và nghèo khổ khi về già, dù họ là chủ nhân của cả một kho tàng âm nhạc. Tôi không muốn nói tên, nhưng đấy là sự chua xót cho nền văn hóa nghệ thuậtở một nước đang phát triển như Việt Nam” – nhạc sĩ Lê Minh Sơn mở lòng.
Anh có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trước quyết định mở công ty bản quyền âm nhạc trực tuyến trong thời gian tới.
* Thời đại 4.0, ca sĩ không ra đĩa vì bận livestream, ra MV, còn nhạc sĩ cũng có cách quan tâm đến những đứa con tinh thần của mình theo cách thiết thực hơn. Chẳng hạn như anh là mở công ty bản quyền trực tuyến. Như thế mới là thức thời và đỡ thất thoát, đúng không?
- Việc tôi thành lập công ty chuyên về bản quyền âm nhạc trực tuyến xuất phát từ khát vọng chung của những người làm nghề sáng tạo, các nhạc sĩ. Với cá nhân, tôi muốn các tác phẩm âm nhạc phải được minh bạch khi sử dụng. Một đất nước thật sự văn minh và phát triển, đầu tiên là phải bảo vệ được chất xám, sự sáng tạo của con người.
Hiện nay, công nghệ phát trực tuyến hỗ trợ rất nhiều cho các ca sĩ, nhạc sĩ trong việc phát hành tác phẩm của mình tới công chúng. Nhưng việc phát trực tuyến trên nền tảng nội dung số, tôi cho là chỉ thuận lợi với những người trẻ tuổi.
Còn thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều thế hệ nhạc sĩ rất tài năng, nhưng họ có tuổi rồi, họ không “rành” công nghệ. Và khi chúng ta đã có cả một nền âm nhạc cách mạng với những tác phẩm vô giá thì điều mà tôi trăn trở là làm thế nào để bảo vệ được các tác phẩm cho các nhạc sĩ gạo cội.
- Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: ‘Tôi tìm kiếm ở các gameshow niềm tin vào tương lai của nhạc Việt’
- Nhạc sĩ Lê Minh Sơn vác kèn trống đám ma vào Nhà hát Lớn
* Để quyết định thành lập công ty, anh chắc tốn không ít thời gian tìm hiểu luật bản quyền tại Việt Nam. Vậy theo anh, đâu là lý do khiến cho những vi phạm bản quyền ở Việt Nam diễn ra phổ biến như vậy?
- Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ký tham gia Công ước Berne từ năm 2004, hành lang pháp lý trong nước về bản quyền cũng được ban hành khá đầy đủ. Nhưng việc thực thi thì rất yếu. Mỗi năm, cơ quan quản lý cũng có xử phạt hành chính một vài vụ, nhưng theo tôi không giải quyết được tận gốc vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng.
Có thể nói, vi phạm bản quyền trên internet đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu như chúng ta không có những công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung trên mạng thì vi phạm bản quyền có thể giết chết ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam.
Tôi có thể dẫn chứng, năm 2019 doanh thu âm nhạc trực tuyến trên thế giới đạt trên 11 tỷ USD (chiếm tới hơn 56% doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu). Còn ở Việt Nam thì tôi chưa tìm được một số liệu báo cáo nào về tổng doanh thu của thị trường âm nhạc trực tuyến.
Âm nhạc ngày càng “bùng nổ” trên mạng thì cũng có rất nhiều cá nhân, tổ chức trục lợi khi phát hành hàng triệu bài hát trên các kênh nội dung số để thu tiền từ quảng cáo. Trong khi các nhạc sĩ - cha đẻ của các tác phẩm âm nhạc - lại không được người sử dụng xin phép cũng như chưa được hưởng một đồng doanh thu nào. Đây là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải suy nghĩ để có biện pháp cho ngành công nghiệp không khói này phát triển.
* Anh có nghĩ mình đang sắp “nổ phát súng” cạnh tranh đầu tiên về hoạt động bản quyền âm nhạc tại Việt Nam?
- Tôi không cho rằng sẽ phải cạnh tranh với đơn vị khác. Vì trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc trực tuyến hiện nay chưa có bất cứ một đơn vị nào có khả năng để cung cấp một hệ thống như chúng tôi đang triển khai.
Từ trước tới nay, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang làm tốt chức năng quản lý việc sử dụng âm nhạc ở các quán karaoke, băng đĩa, biểu diễn tại sân khấu… Nhưng còn việc quản lý bản quyền trên mạng thì tôi chưa thấy thật sự có hiệu quả, đây là một khoảng trống mà công ty của tôi có trách nhiệm lấp đầy nó. Để các nhạc sĩ có thể sống được bằng nghề, sống được nhờ tác phẩm của mình.
* Với cơ chế như hiện nay, anh gặp những trở ngại nào để hiện thực hóa mong muốn của mình? Khi nào thì công ty sẽ chính thức ra mắt?
- Khởi đầu nào cũng đầy khó khăn nhưng muốn sống được bằng nghề và muốn làm một việc lớn hơn nữa thì cũng phải có những sự hy sinh nhất định. Khi bắt tay vào triển khai tôi đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều người, của những người quản lý nghệ sĩ, các nhạc sĩ và của cơ quan quản lý nhà nước nữa.
Cách làm minh bạch của chúng tôi còn hỗ trợ việc nộp thuế cho ngân sách nhà nước. Mỗi năm, nhà nước có thể nhận đến hàng trăm tỷ đồng. Số tiền này đủ để xây được nhiều ngôi trường cho trẻ em vùng cao. Chúng tôi đang hoàn thiện lại hệ thống kỹ thuật của mình để sớm ra mắt trong thời gian tới.
* Anh từng chia sẻ là mình yêu thích công việc giảng dạy. Nhưng anh cũng đã nghỉ dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được một thời gian. Phải chăng vì anh cần toàn tâm toàn ý cho công việc mới này đến mức như vậy hay vì nghề giáo đã không còn khiến anh muốn để tâm?
- Sau tròn 20 năm biên chế nhà nước, tôi nghỉ dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội 2 năm rồi. Tôi quyết định nghỉ để dành thời gian cho những dự án của riêng mình.
Mong muốn lớn nhất của tôi là hệ thống công nghệ kiểm soát, quản lý bản quyền sẽ ra mắt sớm nhất, để những người sáng tác âm nhạc có bầu trời riêng, mà mình ở đằng sau trợ giúp cho họ.
* Vậy còn chuyên môn chính, có vẻ như lâu rồi khán giả không được nghe sáng tác mới của anh? Cũng không thấy anh "gạt cần" ai trong giới ca sĩ để tiếp tục cuộc hành trình như Thanh Lam, Tùng Dương, Hoàng Quyên..?
- Tôi vẫn viết rất nhiều theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cho các địa phương, nhưng đó hoàn toàn là sáng tác âm nhạc. Riêng đĩa CD do không bảo vệ được bản quyền trên thị trường, cũng như trên mạng Internet nên tôi và nhiều nghệ sĩ khác không tính chuyện ra CD nữa.
Có thể nói, việc không bảo vệ được bản quyền đã hủy diệt thị trường CD âm nhạc ở Việt Nam. Đây là điều rất đau xót vì nghệ sĩ không ra CD thì không hiểu họ sống bằng gì?
Trong khi ở nước ngoài nghệ sĩ họ sống bằng việc bán nhạc rất tốt. Đó là lý do thôi thúc chúng ta cần phải tôn trọng bản quyền và sớm có những công cụ có thể bảo vệ được bản quyền.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Đặt niềm tin vào “công nghệ nội” “Giải pháp công nghệ mà công ty tôi sử dụng là Sigma DRM (DRM - Digital Rights Management), một giải pháp công nghệ hoàn toàn do các kỹ sư của Việt Nam phát triển và được tổ chức bảo mật quốc tế kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế vào năm 2019. Có thể khẳng định đây là giải pháp có thể bảo vệ toàn diện được tất cả những nội dung cần bảo vệ trên môi trường Internet như: phim, nhạc, sách điện tử, các file quan trọng cần bảo mật” (Phát biểu của nhạc sĩ Lê Minh Sơn). |
Lam Anh
Tags