(Thethaovanhoa.vn) - Có quá nhiều danh xưng dành cho Linh Nga Niê Kdam: nhạc sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu, đạo diễn, nhà báo. Và tất cả những danh xưng ấy đều gắn kèm những thành công nhất định của bà khi hướng về rừng núi Tây Nguyên.
1. Vài tuần trước, Linh Nga Niê Kdam cũng vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2018 do Bộ VH, TT&DL tổ chức với ca khúc Nhớ tháng ba (ý thơ Trương Quang Được).
Linh Nga Niê Kdam kể: “Sinh thời, nhà thơ Trương Quang Được có gửi cho tôi 2 bài thơ nhờ phổ nhạc. Thấy cũng có sự tương đồng cảm xúc với mùa xuân Tây Nguyên, nên tôi đặt thêm lời để hoàn chỉnh ca khúc theo tình cảm của mình. Tây Nguyên mùa xuân đẹp lắm, lộc biếc, hoa rừng và gió thơm hương hoa cà phê, gió đưa tiếng ching goong lan xa…”.
“Thật ra, tôi cũng không định dự thi. Nhưng rồi, một người bạn trong ban tổ chức gọi điện và nhắn cũng không thi thì tổ chức làm gì. Và thế là ca khúc được gửi đi”, bà kể thêm. “ Nhân đây xin cảm ơn ca sĩ Mai Trang, một người con của Đắk Lắk đã thể hiện đầy sáng tạo, góp phần thành công cho ca khúc Nhớ tháng ba”.
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, nhưng Linh Nga Niê Kdam lại sinh ra ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1948, khi cha bà – bác sĩ, nhà giáo Y Ngông Niê Kdam (một trong những đại biểu Quốc hội người Tây Nguyên đầu tiên) - được gọi ra chiến khu. Linh Nga Niê Kdam đã sống ở Hà Nội từ năm 1955-1979 và 1985- 1990, học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội.
Để rồi khi ra trường, theo sự phân công của tổ chức, bà về quê hương và làm việc ở Đoàn ca múa Đắk Lắk, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú ở Tây Nguyên. Gần 40 năm nay, công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên vẫn luôn gắn bó với người phụ nữ này.
“Cuộc đời đưa đẩy tôi phải hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng tôi yêu mến nhất là 2 việc:nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên và đào tạo, dẫn dắt vào nghề các ca sĩ người dân tộc thiểu số như: cố NSND Y Moan, H’Zi Na B.Yă, Y Garia, Hồ Quang Hiếu…”, bà kể.
2. Tuổi trẻ gắn bó với Hà Nội đã để lại những dấu ấn rất lớn trong ký ức của Linh Nga Niê Kdam. “Tôi sống ở miền Bắc và Hà Nội một thời gian rất dài, đủ để thấu hiểu phần nào văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, đủ để yêu Hà Nội như chính nơi mình sinh ra” – bà kể.
Như lời Linh Nga Niê Kdam “Hà Nội trong tôi là vị chua trái sấu, là lá vàng xạc xào trên đường phố mùa thu, là tiếng chuông nhà thờ gióng giả đêm Noel khi chúng tôi đạp xe rảo khắp các nẻo đường, là đêm B52 đánh Hà Nội khi tôi mang bầu đứa con đầu lòng không chịu đi sơ tán…. Chỉ tiếc nhiều người viết về Hà Nội hay quá nên tôi không dám thử sức mình.”
Khi được đề nghị nói về Tây Nguyên, nhạc sĩ cười: “Tây Nguyên lại là một phần máu thịt, là cuộc sống và sự nghiệp của tôi, gắn bó chặt chẽ với văn hóa truyền thống, trọn vẹn cả buồn vui lẫn hạnh phúc, để không bao giờ dứt ra được, mà ngày càng nồng đậm hơn”.
Rồi bà nói thêm: “Tây Nguyên trong tôi cũng là thơ, là nhạc bởi vẻ đẹp rất riêng của mảnh đất và con người. Dẫu hết rừng, vẫn còn đó cà phê hoa trắng trái đỏ, hàng hàng cao su khoe lộc nõn mùa xuân, và nhất là những con người “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa”…Đa số những ca khúc của tôi đều về đề tài và chất liệu âm nhạc Tây Nguyên. Chắc chắn có nhiều người cũng yêu Tây Nguyên như thế….”.
Vài nét về Linh Nga Niê Kdam Quê gốc ở Ea Pok, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk , Linh Nga Niê Kdam là gương mặt để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực sáng tác. Trong văn xuôi, bà từng được coi là một hiện tượng nổi trội của văn học Tây Nguyên thời kỳ hiện đại với những truyện ngắn đậm chất sử thi. Trong nghiên cứu, bà đã thực hiện nhiều công trình khoa học về nghệ thuật diễn xướng, nghề thủ công, trường ca và sử thi… ở vùng đất này. Riêng với âm nhạc, Linh Nga Niê Kdam là tác giả của nhiều ca khúc như Bình minh rừng cao su, Tình ca cao nguyên, Trăng chiều Ban Mê, Mưa cao nguyên… Bà từng là Ủy viên BCH Hội Nhạc sỹ VN khóa V, VI…và hiện là Ủy viên BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam |
Hoài Thương
Tags