Nhạc sĩ 'Lòng mẹ' Y Vân: 60 năm cuộc đời không lãng quên

Thứ Sáu, 07/08/2015 15:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/8, tại Nhà hát Hòa Bình sẽ diễn ra đêm nhạc Y Vân (chương trình Sol Vàng tháng 8, một trong những nhạc sĩ có sức sáng tác dồi dào, với nhiều bài hát nằm lòng nhiều thế hệ, từ ballad như Lòng mẹ, Đêm đô thị, Buồn… đến những giai điệu sôi động của twist, cha cha cha, disco như Sài Gòn, Kim, Ảo ảnh, 60 năm cuộc đời, Thôi…

Đã gần 1/4 thế kỷ trôi qua kể từ lúc nhạc sĩ Y Vân qua đời, nhưng nhiều chuyện về ông và cuộc đời âm nhạc được rất ít người biết tới…

Yêu Vân

Y Vân có nghĩa là Yêu Vân. Nhạc sĩ với tên khai sinh Trần Tấn Hậu đã lấy nghệ danh như thế sau khi cuộc tình thời trai trẻ của ông tan vỡ. Người yêu tên Vân ấy là tiểu thư Tường Vân, mối tình đầu của ông.

Lúc đó chàng nhạc sĩ nghèo thường đi dạy đàn để nuôi gia đình, rồi một lần được người bạn thân giới thiệu đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê tên là Tường Vân. Sau đấy giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm.

Nhưng tình đầu tan vỡ vì chàng chỉ là anh “Trương Chi” si tình khốn khổ, còn nàng lại là một “Mỵ Nương” danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng… thành danh, một loạt ca khúc của Y Vân ra đời từ đó như: Đò nghèo, Ảo ảnh, Nhạt nắng… với phong cách ballad và được hâm mộ nhiệt liệt.


Nhạc sĩ Y Vân và người vợ thứ 2, bà Minh Lâm

Bà Minh Lâm, người vợ sau cùng của nhạc sĩ, còn giữ hai bức thư mà nhạc sĩ viết cho cô Tường Vân. Bà lưu giữ kỷ vật tình yêu của chồng mà không hờn ghen. Cũng cần nói thêm bà Minh Lâm là người vợ thứ hai của nhạc sĩ và cũng là em họ người vợ đầu của ông.

Năm 1959, nhạc sĩ Y Vân kết hôn lần thứ nhất với bà Như Hường. Họ có với nhau 4 người con. Hơn mười năm sau, tức năm 1970, với sự hy sinh hiếm có, bà Như Hường đã đi cưới vợ cho nhạc sĩ Y Vân.

Người vợ thứ hai của ông, không ai khác chính là em con cô, con cậu với bà Như Hường, bà Trần Thị Minh Lâm (cha của bà Minh Lâm là em trai của mẹ bà Như Hường).

Dư luận cũng từng thêu dệt nên những giai thoại rằng nhạc sĩ Y Vân đã tài hoa mà lại còn đào hoa bậc nhất. Nào là một cô Huyền nào đó đã đeo một mảnh tang đen trên bâu áo khi biết tin Y Vân đã có vợ, cô muốn để tang một cuộc tình.

Rồi những nhân vật như “Thúy đã đi rồi”, “cớ sao buồn này Kim, cớ sao sầu này Kim”… đều là những người tình của nhạc sĩ… Nhưng sau này bà Minh Lâm đã phản bác lại rằng: “Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ (kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân). Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con”.

Một cuộc đời sáng tác

Những người quen biết nhạc sĩ Y Vân đều nói rằng, cả cuộc đời mình, nhạc sĩ Y Vân chỉ biết sáng tác và sáng tác mà thôi.

Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1933, quê gốc Thanh Hóa. Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư - nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ sống nương tựa vào nhau trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội).

Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.

Năm 1959, ca khúc được xem là nổi tiếng nhất của ông, được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “Quốc ca của tình mẫu tử”, Lòng mẹ, ra đời.

Lúc ấy Y Vân là nhạc công chơi đại hồ cầm cho các nhà hàng ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi mẹ già và 2 em. Mỗi đêm khi ông đi chơi nhạc thì bà cụ ở nhà bê thau quần áo ra giặt ở máy nước công cộng.

Có một đêm, bà cụ giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát bắt về bót vì tội... phá lệnh giới nghiêm. Đến sáng, nhạc sĩ về nhà, biết chuyện đã vừa khóc vừa viết: “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa Thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ”. Sau đó, ông hát cho mẹ nghe, lần này thì bà vừa nghe vừa khóc.

Lòng mẹ đã đưa ông trở thành nhạc sĩ ăn khách và bài hát nổi tiếng đến mức sau đó, dù có thêm nhiều sáng tác mới, trẻ trung hơn và cũng rất hay nhưng người ta vẫn đóng đinh Y Vân ở Lòng mẹ.

Phải đến khi ông bắt đầu chuyển hướng sang bolero, tình ca buồn như Đò nghèo, Nhạt nắng, Ảo ảnh, Ngăn cách, Yêu, Thôi, Buồn… thì lúc ấy Y Vân mới lật cuộc đời sáng tác của mình sang một trang mới.

Ông sáng tác rất nhiều và cũng trở thành người tiên phong của những dòng nhạc mới, nhất là ở thời 1960 khi điệu twsit tràn ngập miền Nam. Với hiệu ứng từ bài twsit bất hủ Let’s Twist Again đang gây náo loạn giới trẻ, nhạc sĩ Y Vân nhận được đơn đặt hàng từ Hãng đĩa Sóng Nhạc.

Trong vòng một tuần, ông sáng tác 3 bài twist thuộc hàng kinh điển của nhạc trẻ Việt Nam lúc ấy: 60 năm cuộc đời, 20 và 40, Kim. Với tiếng hát Hùng Cường, cả 3 nhạc phẩm này đem đến cho Hãng Sóng Nhạc vô số lợi nhuận, tái bản rất nhiều lần.

Được biết, nhuận bút cho 3 sáng tác này đem về cho nhạc sĩ Y Vân 1 triệu đồng (rất lớn thời ấy) và một đêm “nhất dạ đế vương” ở Chợ Lớn do đích thân chủ hãng Nguyễn Quang Oánh mời Y Vân đi bằng được.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu… Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm.

Như lời vợ ông kể lại “Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được “đặt hàng” dồn dập, có thể nói là “ăn nên, làm ra”, nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất”.

Ngày 28/11/1992 nhạc sĩ Y Vân qua đời. Ngày ấy có bao nhiêu giọt nước mắt tiễn đưa ông, nhưng có lẽ, đớn đau và xót xa nhất là giọt nước mắt của mẹ ông. Bà Lâm kể: “Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc thành phố, mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong.

Chúng tôi nghe bà cụ nói: “Người đời thường bảo: Con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong Lòng mẹ… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm…”.

10 tháng sau hôm đó, mẹ của nhạc sĩ Y Vân qua đời.

Cũng cần nói thêm bài 60 năm cuộc đời rất nổi tiếng của ông được xem như là một bài ca định mệnh vì khi qua đời, nhạc sĩ Y Vân đúng 60 tuổi. Và cũng lạ lùng, người hát đầu tiên và đưa ca khúc này trở nên nổi tiếng, ca sĩ Hùng Cường, cũng qua đời ở tuổi 60.

Đêm nhạc Y Vân chủ đề 60 năm cuộc đời sẽ chắt lọc 14 ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ để trình diễn qua các giọng ca hải ngoại và những ca sĩ nổi tiếng trong nước trình bày như: Hương Lan, Thái Châu, Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Anh, Đông Đào, Dương Triệu Vũ, Tuấn Hiệp, nhóm Nam Việt… Chương trình diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) lúc 20h và được truyền hình trực tiếp trên VTV9.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›