Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Nghe 'Em bây giờ khôn lớn...' là tôi muốn khóc

Chủ nhật, 20/11/2016 08:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ đến ngày khai giảng hay ngày Nhà giáo 20/11 là những ca khúc của Nguyễn Ngọc Thiện lại vang lên ở khắp nơi. Song điều đó không vơi đi nỗi buồn về phân khúc thị trường âm nhạc cho mảng học đường, thầy cô. Phân khúc này đang co cụm lại; còn công chúng thì chỉ thích những sản phẩm cũ.

Ít ai biết rằng, cho dù đã sáng tác nhiều ca khúc về đề tài học đường nhưng chủ đề thầy cô lại được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác mãi sau này. Nhưng dù sinh sau đẻ muộn, chùm ca khúc như Nhớ ơn thầy cô, Khoảng lặng phía sau thầy, Ngày đầu tiên đi học… vẫn được đón chào nhiệt liệt.

Là một người có kinh nghiệm và trải nghiệm ở chủ đề này nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lại rất bi quan khi hiện nay, chủ đề về thầy cô thưa vắng hẳn trong những sáng tác mới. Anh dành cho Thể thao & Văn hóa Cuối tuần một chút bộc bạch.

* Là một trong những nhạc sỹ cùng trang lứa và cùng hoạt động với nhau, tại sao khi nhạc sĩ Vũ Hoàng, Lê Văn Lộc, Nguyễn Văn Hiên… đã cho ra đời khá nhiều ca khúc về đề tài thầy cô từ những năm 1980 mà ông phải đợi đến 1991 mới bắt đầu sáng tác cho chủ đề này?

- Tôi đã sáng tác rất nhiều bài về chủ đề học đường nhưng đúng là đề tài thầy cô tôi sáng tác hơi muộn so với bạn bè. Một phần vì tôi thiên về các chủ đề cuộc sống, phần khác, những người như anh Hoàng hay anh Hiên sáng tác xong còn đi làm thầy giáo, còn tôi vẫn cặm cụi sáng tác thôi nên không đeo bám được đề tài này.

Sở dĩ đến năm 1990 tôi mới bắt tay vào sáng tác chủ đề này bởi mảng âm nhạc thiếu nhi, học đường khi ấy đang khá thiếu những ca khúc mới.


Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện

Tôi nhớ lúc đó, các trung tâm băng nhạc mà được giao phát hành mảng này thì đều chau mặt bởi đây là mảng được xem là “cúng cụ”, không thắng thị trường. Nhưng tôi thì lại nhìn thấy đây là một mảng màu mỡ nếu biết khai phá và thế là tôi bắt tay vào làm.

Chương trình đầu tiên mà tôi làm, Cả nhà thương nhau, phát hành năm 1991 đã trở thành hiện tương tiêu thụ vào thời đó và đến giờ nó vẫn bán chạy.

Ca khúc đầu tiên của tôi về đề tài này, Ngày đầu tiên đi học, nằm trong chương trình đó đã thắng ngay lập tức. Đây là bài thơ của Viên Phương (nhiều người vẫn nhầm là của thơ Viễn Phương) đăng trên báo Mực Tím năm 1991. Vừa đọc xong là tôi gần như có cảm hứng ngay lập tức và sáng tác rất nhanh.

Ngày đầu tiên đi học khi ra đời cũng đã xóa bỏ đi nỗi sợ hãi về đề tài thiếu nhi của các hãng băng đĩa. Nếu biết làm thì mảng nào cũng có thị phần.  

* Viết về mảng đề tài này, theo ông có khó không?

- Thật ra đây là mảng đề tài không dễ, không tự nghĩ ra và viết được. Chúng ta cũng không thể nghĩ khiên cưỡng rằng cứ viết là sẽ thắng. Tất cả những tác giả có những bài hát về đề tài này mà thành công thì tôi đều tin chắc rằng họ có những trải nghiệm riêng của mình và thật sự độc đáo.

Chẳng hạn như khi viết bài Ngày đầu tiên đi học, khi đến câu “Em bây giờ không lớn, vẫn nhớ về ngày xưa” là tôi muốn ứa nước mắt. Phải trải qua như thế nào mới rút ruột viết được một câu như thế. Một câu hát mà nói được cho biết bao tiếng lòng. Chính bài hát này đã tạo cảm xúc để tôi viết nên Nhớ ơn thầy côKhoảng lặng phía sau thầy.

Bạn tôi là Lê Văn Lộc có viết một bài hát mà theo tôi là rất hay. Bài hát có tên là Người thầy kể về một người thầy sau những giờ lên lớp thì ông đi đạp xích lô ở ngoại thành để kiếm thêm thu nhập. Đó là những cái nhìn rất nhân văn mà bạn phải trải qua, phải chứng kiến, và đúc kết được thành ý để viết nên.

* Hiện nay, nếu nhìn lại, sẽ thấy mảng sáng tác về học đường, thầy cô gần như bị bỏ trống. Các nhạc sĩ trẻ dường như đang bỏ quên thị trường này, theo anh tại sao?

- Đúng là thị trường đang bị bỏ ngỏ và giờ chúng ta chỉ toàn hát lại những bài cũ. Tôi nhớ không nhầm thì cũng đã khá lâu không có một sáng tác nào mới về hình tượng thầy. Gần nhất là có Nguyễn Nhất Huy với Người thầy, Vũ Quốc Việt với Mãi không quên…, còn thì không thấy sáng tác nào mới và gây được chú ý.

Mà không riêng gì về mảng này mà nhạc cho tuổi teen, tuổi học đường, áo trắng gần như bị bỏ trống, thậm chí bị lạm dụng thành đề tài tình yêu mà đề tài này thì lại bị khai thác vô tội vạ.

* Phải chăng vì hình ảnh thầy cô, trường lớp ngày nay đã có nhiều khác biệt với ngày xưa?

- Khác biệt thì có nhưng hình ảnh ấy mãi mãi vẫn không thay đổi. Thời đại nào cũng tôn vinh người thầy.

* Còn vấn đề khác, nếu sáng tác về đề tài tình yêu thì dễ ăn thị trường hơn là câu chuyện thầy trò, trường lớp vốn đã có những ngọn núi sừng sững mà họ cảm thấy không vượt qua được?

- Tôi nghĩ thời đại nào cũng phải có những câu chuyện của riêng nó. Và câu chuyện tuổi trẻ, học trò, áo trắng cũng phải có những bài hát mới đại diện.

 Nếu ngày xưa chúng ta không phát động những chương trình sáng tác về đề tài thầy cô thì chắc chúng ta cũng không có nhiều bài như bây giờ. Tôi không nói bây giờ chúng ta phải làm như ngày xưa nhưng phải có cách nào đó phát động nó lên, tất nhiên đừng đi theo lối mòn.

Tôi nhớ có một thời, những nhạc sĩ như Hoài An, Vũ Quốc Việt, Nhất Huy… bị ném đá là sáng tác “não tình” quá. Tôi ở cạnh họ tôi biết, họ sáng tác những bài ấy trong bối cảnh mới phù hợp với thế hệ họ. Họ chỉ thiếu những trải nghiệm. Và sau đấy, sau những chuyến đi thực tế thì họ đã sáng tác khá nhiều bài hát đấy chứ và mở rộng cả đề tài.

Bây giờ cũng vậy thôi, các nhạc sĩ trẻ cần phải đi thực tế nhiều lên, cần phải thấy nhiều hơn thì họ sẽ sáng tác được và tôi tin có nhiều người trẻ đang rất tài năng, sẽ làm được. Đừng sợ những ngọn núi bởi nếu e sợ bạn sẽ không bao giờ bước qua được cái bóng của mình.

* Cảm ơn nhạc sĩ.

"Phải biết vượt qua những ngọn núi"

Những bài hát mới về đề tài học đường, thầy trò đang ngày càng khan hiếm. Đến hẹn lại lên, những bài hát cũ đã thuộc nằm lòng ở nhiều thế hệ, lại tiếp tục được vang lên trong ngày khai trường hay những dịp lễ thầy cô, bế giảng…

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, thời đại nào cũng có những ngọn núi, điều quan trọng là người sáng tác phải biết vượt qua những ngọn núi ấy, hoặc quên nó đi, để mở đường cho cảm hứng dâng trào.

“Những đề tài ấy nằm ngay trong cuộc sống của chính mỗi người, ai cũng phải đến trường, ai cũng trải qua những kỉ niệm đẹp ở đó, ai cũng có góc nhìn của riêng mình vậy thì tại sao chúng ta, những người sáng tác, lại bỏ lỡ một thị trường rất hứa hẹn ấy”? – ông nói.

Chương trình Cả nhà thương nhau do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho ra mắt vào năm 1991 và trở thành best-seller thời kỳ ấy. Sau đó, ông lại làm tiếp những chủ đề về thầy cô, học trò với tên gọi Áo trắng đã lại thắng rực rỡ 5 chương trình liên tiếp và thị trường lúc nào cũng cần thêm những sáng tác mới.

Nhưng đó đã là chuyện của ngày xưa bởi giờ đây, hầu như những sáng tác mới ít được để ý. Phân khúc thị trường cho mảng học đường, thầy cô đang co cụm lại và công chúng vẫn thích mua lại những sản phẩm cũ.

Trong tất cả những danh sách bình chọn của các trang nghe nhạc trực tuyến hàng năm về đề tài thầy cô, gần như không có những sáng tác mới. Chỉ là những bài hát cũ và thậm chí người hát cũng cũ.

Những bài hát đi cùng năm tháng và trở thành niềm nhớ của nhiều thế hệ học trò như: Cô nuôi dạy trẻ (Nguyễn Văn Tý), Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân), Đi học (Bùi Đình Thảo, thơ Minh Chính), Khi tóc thầy bạc trắng (Trần Đức), Ước mơ xanh (Lệ Giang), Người thầy (Nguyễn Nhất Huy), Thầy cô cho em mùa xuân (Vũ Hoàng), Người thầy năm xưa (Nguyễn Văn Chung), Bài học đầu tiên (Trương Xuân Mẫn), Ngày đầu tiên đi học (Nguyễn Ngọc Thiện), Bụi phấn (Lê Văn Lộc – Vũ Hoàng)…

Nguyên Minh (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›