(LTS) Vừa qua, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, cây bút quen thuộc trên TT&VH - đã bất ngờ ra mắt tiểu thuyết Hương (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) - viết về tình yêu, tình người trong chiến tranh. "Cuốn sách tôi viết nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Quảng Trị và bảo vệ thành cổ năm 1972" - tác giả tự bạch - "Tôi muốn mọi người biết thêm về những khốc liệt của chiến tranh để trân quý hơn ngày hôm nay". Sau khi ra mắt, anh có một chuyến đi rất ý nghĩa, và đã kể lại câu chuyện này trong bài viết gửi TT&VH.
Sáng 16/9/2022, từ sân bay Phú Bài, xe hơi của người bạn đưa tôi ra Quảng Trị. Ngày 16/9 đối với nhiều người là ngày bình thường như bao ngày khác, nhưng đối với những người lính từng tham gia mặt trận Quảng Trị 1972 thì đấy là một ngày không thể quên được. Đấy là ngày những người lính cuối cùng ngã xuống và cũng là ngày những người lính cuối cùng rút khỏi Thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm bám trụ kiên cường. Bây giờ, đã qua 50 năm. Bây giờ, đã qua nửa thế kỷ.
Để tri ân với những người lính ngã xuống Quảng Trị nửa thế kỷ trước, tôi đã viết và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã ấn hành cuốn tiểu thuyết Hương. Hương vừa là tên nhân vật chính của tiểu thuyết, vừa là nén hương tưởng niệm những anh lính ngày ấy. Chọn đúng ngày 16/9/2022, tôi vào Quảng Trị để lặng lẽ ngày tri ân của tôi, bằng cách “hóa vàng” văn phẩm nói trên, nhằm gửi tới những người lính đã ở thế giới bên kia mong họ đón nhận và chia sẻ. Ý tưởng này được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Trị đồng cảm và đồng hành. Một kíp quay đã được cử đến gặp tôi ở quán “Mồ hôi đá” của nhạc sĩ Xuân Vũ - tác giả của bản giao hưởng về Thành cổ khá nổi tiếng. Thật trùng khớp, bản thu âm ca khúc Giấc mơ người lính do tôi phổ thơ của nhà sử học Nguyễn Xuân Vượng - nguyên là lính pháo 130 ly trong trận chiến Quảng Trị - cũng vừa được thu âm xong tại TP.HCM và được gửi ngay ra cho tôi qua Zalo. Mọi người cùng nghe ca khúc này như để lấy cảm hứng bàn việc ghi hình cuộc tri ân của tôi sẽ diễn ra vào cuối chiều bên bờ Nam sông Thạch Hãn, tại Bến Vượt thân thương.
Chúng tôi vào Bến Vượt đúng lúc hoàng hôn buông xuống dòng sông lịch sử. Cuốn tiểu thuyết được tôi photocopy từ Hà Nội, được để trang trọng nơi bát hương lớn bên bờ sông. Khi nén hương khấn nguyện tàn hơn nửa, tôi bắt đầu “hóa vàng” tiểu thuyết Hương. Ngọn lửa bập bùng lại quá vãng nửa thế kỷ trước cứ thế liếm dần từng trang đầy chữ. Thỉnh thoảng lại một làn gió nhẹ lướt qua như tiếng thì thầm đâu đó. Hoàng hôn dần tím, ngọn lửa càng lung linh. Lung linh đến trang cuối cùng.
Rời Bến Vượt, tôi về thắp hương và đứng lặng trước Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. Ngày ấy, cùng những người lính trẻ từ những làng quê, từ những công xưởng, những người lính sinh viên đã rời cổng trường đại học vào dấn thân, dâng hiến mình cho trận chiến Quảng Trị. Bao người đã ngã xuống? Bao người may mắn còn lại? Tất cả cứ cuộn xoáy trong ý nghĩ của tôi và tự nhiên bật lên tiếng khóc.
- Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: 'Ra cùng lúc 13 cuốn sách không phải do tôi mà do xã hội'
- Nguyễn Thụy Kha với 'cú đúp' giải thưởng thơ, nhạc
- Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: 4 lần được xướng tên trong giải âm nhạc
Tôi về Bảo tàng Thành cổ. Nữ giám đốc Trang rưng rưng đón nhận tiểu thuyết Hương mà tôi dành tặng cho bảo tàng lưu giữ. Màn đêm đã bảng lảng trong không gian khiến những đốm hương tưởng niệm nhấp nháy như những ngôi sao sà xuống từ trời cao. Bỗng dưng, tôi bật hát giai điệu bài Đêm trắng Quảng Trị phổ bài thơ cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc bất tử với nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi. Máy quay cứ lặng thầm, bền bỉ ghi lại từng khoảnh khắc không lặp lại. Và kỳ lạ đến không thể nào tin nổi, đúng lúc máy quay đóng ống kính, ngay lập tức sấm rền vang và cơn mưa lớn ập xuống như sự trở về của những người lính trẻ. Họ cứ thế reo hò, ca hát quanh tôi như ngày nào măng mẻ. Như ngày nào…
Nguyễn Thụy Kha
Tags