(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời vì bạo bệnh trưa ngày 19/9 là một mất mát to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, khiến những người trong nghề không khỏi bàng hoàng, thương tiếc.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp (Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN): "Với tôi, nhạc sĩ Phó Đức Phương như một người anh trong sáng tác cả về tuổi đời và tác phẩm. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhiều tác phẩm của anh có dấu ấn đậm nét về sự sáng tạo với giai điệu tuyệt đẹp: lóng lánh, điệu đàng, quyến rũ, thanh tao và độc đáo được thẩm thấu, chắt lọc từ âm nhạc dân gian, thấm đẫm cái tình của người Việt. Rồi bất ngờ, gác lại việc sáng tạo, nhạc sĩ Phó Đức Phương chuyển về làm cái việc “đi đòi tiền” cho các nhạc sĩ - Giám đốc Trung tâm bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ thuở sơ khai.
Anh năng nổ, xông xáo và quyết liệt trên mặt trận mới và đã có những hành động mang tính “lịch sử” để “quyền tác giả” được bảo vệ chính đáng. Có thể nói anh đã “sống chết” với cuộc chiến bản quyền để các nhạc sĩ trên cả nước đã có được sự tôn trọng nhất định về cả vật chất và tinh thần, có một Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc có vị thế như hôm nay. Tôi nghĩ, cần phải có người cầm cờ như vậy để mang lại quyền lợi chính đáng cho người sáng tác và tôi cảm nhận là nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã có sự hy sinh rất lớn cho việc này".
Nhạc sĩ Minh Châu kể, anh thường xuyên gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương trong thời gian cùng nhau biên tập tất cả các file karaoke ở Việt Nam của Trung tâm Ariang. Mỗi lần gặp nhau, theo nhạc sĩ Minh Châu cho biết, câu chuyện giữa anh và nhạc sĩ Phó Đức Phương chỉ xoay quanh âm nhạc, vì thế hai người rất đồng cảm, thấy có nhiều điểm chung là cùng đam mê, nghiên cứu về âm nhạc dân gian, về văn hóa dân gian, đặc biệt là về các tập tục, loại hình âm nhạc tại các địa phương ở miền Bắc.
Quanh câu chuyện về âm nhạc, nhạc sĩ Minh Châu cho biết thêm, chủ đề được nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn luôn trăn trở chính là về bản quyền âm nhạc, qua đó thấy rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương là một con người vô cùng tâm huyết, đầy sự hy sinh cho các anh em nghệ sĩ.
“Nhưng với tôi, dù làm gì thì anh Phó Đức Phương vẫn luôn là một người chân quê. Chân quê cả trong đời thường lẫn trong âm nhạc Phương” – nhạc sĩ Minh Châu nói. “Anh Phương luôn ứng xử nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và thâm thúy. Con người Phó Đức Phương theo tôi là thể hiện rất rõ nét văn hóa của con người đồng bằng Bắc bộ.
- VIDEO: Nghe lại những ca khúc gắn với tên tuổi nhạc sĩ Phó Đức Phương
- 'Phó Đức Phương - Khúc hát phiêu ly': Bay trên những dòng sông
Thời gian anh làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMC), thoạt tiên tôi nghĩ không hợp, vì công việc đi đòi tiền tác quyền âm nhạc từ các cơ quan, các cá nhân sử dụng nhạc đòi hỏi phải là người mạnh mẽ, đốp chát, biết “chém đinh, chặt sắt” hơn là một người nhẹ nhàng, tình cảm và hay cả nể như anh Phó Đức Phương.
Nhưng anh ấy đã dấn thân, biết cách vượt qua những khó khăn và “giấu” đi sự hiền lành, chan hòa như một người nông dân để dữ dội, quyết liệt vì sự công bằng cho các anh em nghệ sĩ. Đó là một trong những việc làm, sự hy sinh rất đáng trân trọng của anh Phó Đức Phương đối với đời sống âm nhạc nước nhà”.
Vài nét về nhạc sĩ Phó Đức Phương Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, quê ở Văn Giang, Hưng Yên. Tốt nghiệp Đại học Sáng tác, Nhạc viện Hà Nội. Ông đã công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa - Thông tin, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983-1989) và khóa VII (2005-2010). Sau khi được đào tạo chính quy về Sáng tác âm nhạc, ông về Đoàn Ca Múa Nhạc Thái Bình, rồi Vụ Âm nhạc và Múa (Bộ Văn hóa, nay là Bộ VH,TT&DL), và Đoàn Ca Múa Nhạc Hà Nội. Từ 2002 đến 2018, ông làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, dành nhiều tâm huyết cho hoạt động bản quyền âm nhạc. Ông viết nhiều ca khúc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc có màu sắc dân tộc đậm nét như: Những cô gái Quan họ, Tình ca trên những công trình mới, Nha Trang thu... Ông có những bài hát hay khắc họa đậm nét hình tượng âm nhạc, tạo ra những vẻ đẹp rất Việt Nam trong ngôn ngữ âm nhạc: Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, và Một thóang Tây Hồ. Ông tìm tòi tiết tấu âm nhạc dân tộc, tìm lối giãi bày trẻ trung, đáp ứng giới trẻ hiện nay với thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh trong Âm vang Sông Đà, Khát vọng xanh, Biển mũi, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi... Ngoài ca khúc, nhạc sĩ Phó Đức Phương có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực âm nhạc cho điện ảnh: Đứa con nuôi, Những đứa con; âm nhạc cho sân khấu: Nguồn sáng trong đời - kịch nói; Vách đá nóng bỏng - ca kịch Bài Chòi Bình Định, Quảng Nam. Ông đã được trao tặng: Giải thưởng nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I, 2001, cùng nhiều huân chương, huy chương khác. |
Phạm Huy
Tags