01/11/2023 07:30 GMT+7 | Giải trí
Tới đây, nhạc sĩ - ca sĩ Sa Huỳnh dự kiến sẽ cho ra mắt album Đa nhân cách, gồm 12 ca khúc, đa số được tuyển chọn từ các sáng tác trong hơn 15 năm qua.
Với Tùng Dương thì "Sa Huỳnh là một trường hợp lạ của nhạc Việt", còn với Lê Cát Trọng Lý thì "Sa Huỳnh viết nhạc rất hay, mà nhiều khi năn nỉ cũng không chịu viết".
Vì sao album đầu tay lại lấy tên là Đa nhân cách? Sa Huỳnh chia sẻ: "Những sáng tác trong album này mang nhiều màu sắc khác nhau và trải dài qua từng giai đoạn trưởng thành của tôi. Ví dụ bài Tất nhiên tôi viết năm tròn 20 tuổi, với một câu hỏi cứ hiện lên trong đầu là liệu năm tuổi 30 tôi có cảm thấy già nua và tàn tạ không? Giờ đây tôi 35 tuổi và nhìn lại câu hỏi hồi 20, quả thật là ngây ngô và nông nổi, vì tôi bây giờ còn cảm thấy mình nhẹ nhõm và hiền lành hơn cả lúc trẻ khỏe kia rất nhiều.
Có thể cứ mỗi 10 năm của cuộc đời tôi cũng sẽ lại đặt câu hỏi cho mình như vậy. Lại vẫn cứ ngây ngô: Ồ! Liệu 40, 50, 60, 70, 80 tuổi mình sẽ như thế nào? Mình sẽ ứng phó với những khó khăn và đón nhận những món quà của lứa tuổi ấy ra làm sao? Thôi thì cứ để "thời gian em trôi đi... là do em cuốn đi" vậy!
* Nếu phải kể tên vài nhân cách trong album này, thì đó là những nhân cách nào?
- Nhân cách chăm chỉ và có trách nhiệm (tôi có ca khúc Đôi mắt NCoV). Nhân cách hay lo lắng và nhạy cảm quá mức (Người đông quá). Nhân cách già dặn và hay ghen tuông (Thử thách đêm). Nhân cách hời hợt, trẻ con, không muốn sâu sắc, sợ bị tổn thương (Tất nhiên)…
Riêng bài Đa nhân cách, tôi viết không phải để ca ngợi hoặc cổ vũ cho một đức tính nào cả, mà đó là sự trải lòng và thú nhận về khoảng thời gian xốc nổi, bồng bột, bất an và lo lắng. Tuy tôi vui bên ngoài, nhưng trong lòng nặng trĩu, cảm xúc nặng nề mãi dồn nén trong từng hơi thở, khiến mọi thứ xung quanh rất là bức bí. Một khối u cảm xúc rất là "khệnh khạng gánh theo trái tim yếu lười" - trích lời bài hát.
Bài Ngỡ ngàng là một nhân cách lãng mạn của cô gái 19 tuổi, dù mới biết yêu một chàng trai, nhưng vì một ước mơ lớn trong cuộc sống, mà không hứa hẹn sẽ có ngày nên duyên. Và cô gái ấy đã để cho những cảm xúc thuở ban đầu đó trở thành "Tàn phai theo những câu hát khi ấy ta trao ngỡ ngàng".
Bài Ơi à ban trưa là nhân cách của một đứa trẻ đã lớn, nhưng vẫn hoài niệm về tuổi thơ, mãi không chịu lớn khôn. Để chẳng cần phải biết rằng "hỡi người yêu, hãy nắm tay nhau chặt hơn, đừng để yêu thương rời xa... cho dẫu đôi chân mỏi mệt", dù cho "mây đứng yên chờ gió... tôi đứng yên chờ ai".
* Vậy thì tinh thần âm nhạc chủ đạo của album này là gì?
- Album được viết chủ yếu theo thể loại lofi pop ballad, một thể loại nhẹ nhàng, mềm mại, chữa lành và hợp với giọng hát mỏng manh của tôi.
Tùng Dương: "Tôi vẫn nợ em một dự án âm nhạc"
Trong một bài trên trang cá nhân, ca sĩ Tùng Dương viết: "Nếu ai hỏi tôi nữ nhạc sĩ nào tôi gắn bó nhất cho tới thời điểm này, thì chắc chắn là Sa Huỳnh và Giáng Son. Mỗi người một màu sắc, một trường phái âm nhạc riêng.
Tuy nhiên, người mà tôi thương như em gái ruột là Sa Huỳnh. Mong em tôi luôn "Mang thai" những điều tốt đẹp và ý nghĩa nhất cho đời, thêm nhiều sáng tạo, thêm nhiều tác phẩm hay. Tôi vẫn nợ em một dự án âm nhạc mà chưa trả được ngay, cứ bình tĩnh, đâu sẽ có đó, không đi đâu mà vội".
* 35 tuổi đời và 16 năm tuổi nhạc, nay mới ra album đầu tay, với Sa Huỳnh là sớm hay muộn?
- Là vừa đúng lúc, khi tôi đã đủ chín chắn như quả xoài vàng ươm và căng ngọt, không còn chua chát. Tôi đã trải qua nhiều nhân cách của bản thân, trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc. Được và mất với tôi đã trở nên cân bằng hơn, tôi không còn lựa chọn sống thiên về lý trí mà trốn tránh cảm xúc nữa, tôi ở giữa và quan sát khi nào thì trí não hoặc con tim nên lên tiếng. Đó là khi tôi đã biết giá trị của thở ra cũng quan trọng như khi hít vào, cho đi cũng đong đầy như cách mình nhận lại.
Tôi nhận ra mình đang ở đỉnh của một ngọn núi cuộc đời, là sự trổ bông rực rỡ của một cành hoa, là phần mạnh mẽ nhất của một câu nhạc, lại là thời khắc tôi không còn bị quá nhiều sự mong cầu níu giữ. Đây đúng là lúc mọi điều tôi tích lũy đang dần được tôi dàn xếp và ngăn nắp hơn lúc tôi 20 tuổi nhiều lắm.
* Trong quá khứ, vài nghệ sĩ như Lê Cát Trọng Lý, Tùng Dương... từng chia sẻ rằng Sa Huỳnh viết nhạc lạ/hay, mà có vẻ không mấy tập trung cho chuyện sáng tác, chỉ khi nào thật hứng mới viết. Gần đây thấy Sa Huỳnh viết nhiều hơn, có phải do có hứng nhiều hơn không?
- Tôi đúng thật là người không giỏi tập trung. Tôi chỉ viết nhạc tốt khi một nhân cách nào đó trỗi dậy, khiến cho tôi đau đớn lên bờ xuống ruộng, khiến cho thành công hoặc thất bại, thăng hoa hoặc rơi lệ, thì mới có thể dùng chúng làm chất liệu để sáng tác. Như bài Mang thai, tôi phải thật sự mang thai thì tôi mới thấu hết mọi sự kinh nghiệm cũng như có cái nhìn xuyên suốt và công bằng với mọi thứ xung quanh.
Thậm chí có lúc tôi còn sáng tác trong mơ, thức dậy chỉ việc ghi chép lại giấc mơ đó bằng âm nhạc là được. Tôi thích đi tìm chất liệu sáng tác ở bất cứ đâu, khoảng thời gian dịch bệnh, tôi chẳng đi qua ai, cũng chẳng ai đi qua tôi, nhưng tôi lại có được cái nhìn rộng mở hơn, hiền lành và trân trọng nhiều thứ hơn.
Tôi biết ơn nhiều hơn khi tôi trưởng thành, biết kiểm soát và lắng nghe, biết kìm nén sự tham vọng của mình để dần dần nâng bước những mầm non.
Tôi hiện tại tràn đầy cảm hứng để lại tiếp tục cống hiến cho âm nhạc bằng nhiều hình thức khác nữa, như sáng tác ca khúc, sáng tác những bản prelude không lời cho piano, hoặc sắp tới sẽ là những bản romance - ca khúc có đầy đủ phần đệm piano, cùng với việc giảng dạy piano luôn tiềm ẩn trong tôi nhân cách kiên trì của một nhà giáo chăm chỉ.
* Gần như cùng thế hệ với Sa Huỳnh (tạm so sánh thôi) có Lê Cát Trọng Lý, Mademoiselle, sau một chút có Tiên Cookie, Vũ Cát Tường, Tiên Tiên... Càng về sau này thì Việt Nam càng có nhiều nữ nhạc sĩ hơn trước đây. Việc có nhiều nữ nhạc sĩ cùng xuất hiện, với Sa Huỳnh có phải là động lực sáng tạo hoặc cạnh tranh không?
- Tôi không nghĩ nhiều hoặc so sánh mình với những người bạn đồng trang lứa đã và đang làm được những gì. Mà tôi chỉ có lặng lẽ quan sát họ, luôn lặng thầm cổ vũ cho những thành công của họ. Riêng bản thân tôi lựa chọn sự trải nghiệm tự trưởng thành và tự cân bằng làm phương châm sống. Cũng may là tôi có một đồng nghiệp tốt - nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng - một bạn đời kiên nhẫn, anh hiểu cá tính âm nhạc - sở trường - sở đoản của tôi, luôn lắng nghe và chiều theo những ý tưởng âm nhạc điên rồ của tôi, để rồi dần cân đối lại.
Với album Đa nhân cách, nhiều khi anh ấy còn bị tôi ép phải thu âm giữa đêm khuya, mặc dù cả ngày đi làm đã mệt rồi. Ấy vậy mà tôi vẫn dụ được anh thu âm và phối khí quá nửa album. Cả 2 chúng tôi không giỏi tập trung trong thời gian ngắn, nhưng sự bền bỉ quay trở lại với công việc dang dở thì khá hợp tính nhau.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Duyên nợ với Cống hiến
Sa Huỳnh tốt nghiệp xuất sắc Khoa Piano tại Nhạc Viện TP.HCM năm 2010. Hiện là giảng viên piano tại Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM.
Năm 2007, Về ăn cơm đoạt giải ca khúc được khán giả bình chọn tại chương trình Bài hát Việt. Năm 2008, Li ti đoạt giải Ca khúc của tháng tại chương trình Bài hát Việt.
Năm 2010 có nhiều ca khúc đứng nhất Xone-FM nhiều tuần liền, ví dụ như Về ăn cơm, Chiếc ô ngăn đôi, Anh chải tóc cho em, Là người phụ nữ anh yêu, Li ti, Lúng ta lúng túng, Thể đơn bào, Thử thách đêm, Trời cho, Hoạn Thư, Mang thai...
Năm 2015, góp mặt 8/24 ca khúc trong 2 đêm live show Thập kỷ hoan ca của Tùng Dương.
Năm 2011, Sa Huỳnh và nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam cùng ê-kíp album Li ti của Tùng Dương được trao Album của năm tại giải Cống hiến.
Năm 2013, cùng ê-kíp album Độc đạo của Tùng Dương và Nguyên Lê lọt vào đề cử hạng mục Album của năm tại giải Cống hiến.
Năm 2014, cùng ê-kíp album Khởi hành của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân và nhạc sĩ Khắc Hưng đoạt Album của năm tại giải Cống hiến.
Năm 2021, được đề cử hạng mục Nhạc sĩ của năm tại giải Cống hiến. Cùng năm này, Human của Tùng Dương được Album của năm tại giải Cống hiến. Trong album này, Sa Huỳnh góp mặt 6/12 ca khúc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất