Sau nhiều cơ duyên và hơn mười năm ấp ủ, nhạc sĩ Thanh Bùi đã chính thức mở không gian giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ mang tên SEEC và VICA tại 15 Tú Xương, Q3, TP.HCM.
Từ công việc của một trong những đại sứ của chương trình Ngày thế giới vì trẻ em tự kỷ tại Úc, nhạc sĩ Thanh Bùi đã thể hiện ca khúc chủ đề Through My Eyes với tinh thần lan toả tình yêu cho trẻ phổ tự kỷ khắp toàn cầu. Sau đó, khi hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam, anh đã viết lại ca khúc này bằng lời Việt mang tên Trong mắt tôi.
Khởi duyên từ vai trò một đại sứ, được truyền cảm hứng từ một bài hát là thế nhưng nguồn động lực thúc đẩy Thanh Bùi ấp ủ sáng lập một hệ thống giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ lại từ câu chuyện cá nhân.
Đó là việc hai con sinh đôi của anh cũng từng bị kết luận là trẻ tự kỷ.
"Hai con của tôi sinh đôi và sinh sớm nhưng tôi không ngờ là các con của mình lại gặp khó khăn về ngôn ngữ và khi tìm đến những bác sĩ giỏi nhất, con tôi được kết luận là bị tự kỷ. Lúc đó tôi đã rất suy sụp và không thoải mái khi kết luận đó đến quá nhanh, chỉ sau 30 phút thăm khám" - nhạc sĩ cho hay.
"Từ lấn cấn của một người cha và có nhiều tiếp xúc với người tự kỷ, tôi không bỏ cuộc để tìm hướng chữa trị cho con mình. Và thật may mắn, là sau khi gặp một chuyên gia hàng đầu; thực hiện quá trình chẩn đoán con trong ba tháng và được kết luận là con tôi không rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng từ câu chuyện đó, tôi cảm thấy có một sự áy náy và tự thúc giục mình làm một điều gì đó, cần tạo nên một địa chỉ tin cậy để hỗ trợ các bố mẹ ở Việt Nam. Vì cơ duyên đó, Hệ thống SEEG từng bước thành hình và ra đời ngày hôm nay." - anh kể.
Theo đó, không gian hệ thống của SEEG mà Thanh Bùi xây dựng được thiết kế theo tiêu chí Trường học Hạnh phúc của Unesco xoay quanh 3 chủ đề: Con người (People) - Hệ thống (Process) – Môi trường (Place).
Hệ thống Special Em's Education Group (SEEG), bao gồm Trung tâm Quốc tế Chẩn đoán và Can thiệp sớm Rối loạn Phổ tự kỷ (VICA) và Trung tâm Giáo dục Special Em's (SEEC), hướng đến không gian dành riêng cho "trẻ có quyền đặc biệt", là ngôi trường hạnh phúc cho các con như một ngôi nhà thứ hai.
Nhạc sĩ Thanh Bùi chia sẻ, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ vẫn là những trẻ em có nhận thức, có cảm xúc và quan trọng hơn hết các em có một trái tim rất nhạy cảm.
"Các em có thể nghe và hiểu tất cả những gì chúng ta nói, nhưng các em lại không thể bày tỏ được những điều các em muốn nói theo một cách bình thường. Nên khi nhìn thấy trẻ phổ tự kỷ được cộng đồng đối xử bình đẳng ở các nước phát triển trên thế giới, tôi nhận ra ở Việt Nam cần phải làm rất nhiều để cải thiện tư duy và nâng cao nhận thức của cộng đồng các phụ huynh, nhà trường.
Tôi nhận ra, phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ rất cần sự đồng hành để vượt qua nỗi sợ hãi con mình đặc biệt. Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, khi chính bố mẹ vì giấu, vì sợ mà để con mình chậm phát triển, bỏ qua giai đoạn vàng cần can thiệp sớm từ 0-6 tuổi." - nhạc sĩ bày tỏ.
Sự kiện này cũng hướng tới ngày "Thế giới nhận thức về tự kỷ" (2/4), lan toả thông điệp thúc đẩy nhận thức trong cộng đồng, tăng cường quan tâm và hiểu biết về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.