Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - người 'bắt sóng' được tuổi xuân đương thời

Thứ Sáu, 28/07/2023 08:24 GMT+7

Google News

(LTS) Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã qua đời sáng 26/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 81 tuổi. Lễ viếng nhạc sĩ bắt đầu từ 9h ngày 28 đến 29-7 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM), lễ truy điệu sẽ diễn ra lúc 6h ngày 30-7, an táng tại nghĩa trang TP.HCM. Tưởng nhớ vị nhạc sỹ tài ba, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý.

Thời cuộc dành cho Tôn Thất Lập (1942 - 2023) một vai trò nổi bật trong sự chuyển tiếp của âm nhạc đô thị miền Nam trước và sau 1975. Sự nổi bật ấy đến từ nhiều nguyên do, từ sự dấn thân của một người viết ca khúc vào các vùng đề tài chính trị xã hội đến tính đại chúng rất dễ nhận diện của những bài hát ra đời đúng thời điểm, thậm chí đã thành tên những phong trào âm nhạc: Hát cho dân tôi nghe, Chúng ta đã đứng dậy hay Tình ca tuổi trẻ.

Khi bài hát cũng là chiến luận

Tôn Thất Lập quả thực có những bài "hit" lừng lẫy vào thời sung sức và sự nghiệp còn kéo dài đến bản lề thế kỷ 21 với những bài hát vẫn được giới trẻ hát.

Nhưng điều đáng nói, sau nhiều thập niên, dù từng là những bài hợp thời, nhiều ca khúc của Tôn Thất Lập vẫn bảo lưu một ký ức tươi trẻ của người nghe. Người ta có thể cảm nhận sự đa dạng chủ đề và đậm tính pop-rock hiện đại vào thời của của những khúc ballad này, dù là ca khúc phản chiến, ca khúc chính trị sau 1975 hay tình ca xen kẽ giữa các ca khúc đó. Chúng là tiếng nói của tuổi trẻ đô thị miền Nam, một chất đô thị mang tính trí thức, mang không khí của những sân trường đại học một thời. Thời những anh hoa của tuổi trẻ trí thức cặp đôi với âm nhạc, từ những Quán Văn với cặp âm nhạc Trịnh Công Sơn - Khánh Ly hay Đà Lạt với Lê Uyên Phương.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - người 'bắt sóng' được tuổi xuân đương thời - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập thời trẻ. Ảnh Tư liệu

Tôn Thất Lập có một chút khác biệt khi âm nhạc không chuyên biệt cho những nàng thơ hay sự ma mị của đời sống âm nhạc đô thị, mà là một loại âm nhạc mang chất chiến luận rõ rệt.

Những tiếng ca trong bài hát gợi ra tâm tình của những chàng trai đại học kiểu "good boy" (trai nhà lành) khác với chất đô thị salon hay phòng trà của Y Vân, Khánh Băng, khác chất nhạc lính của nhiều nhạc sĩ Sài Gòn, nhưng cũng khác với chất đô thị "băng nhóm" kiểu "bad boy" (trai hư nổi loạn) như âm nhạc Nguyễn Trung Cang.

Khi quy tụ thành một phong trào nhạc phản chiến và mang tính tuyên ngôn chính trị xã hội, những bài hát của Tôn Thất Lập và bạn bè có một sự tiếp nối tính lý tưởng hóa từ thế hệ Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương những năm 1940 với tên tuổi nổi bật như Lưu Hữu Phước.

Rất nhiều bài hát của Tôn Thất Lập nhắc lại các thông điệp của các sáng tác thế hệ viết những bài hành khúc ái quốc cách mạng lấy cảm hứng từ những Bạch Đằng Giang hay Hát giang trường hận: "Hát sâu trong xa xưa, tiếng hát Trưng Vương hồng thơm, hát vang danh Lam Sơn, người cũng như mây lên non. Hát cho trăm năm son, sử vàng cũng biết môi thơm" (Hát cho dân tôi nghe, 1967) hay "Từng đêm hồng sáng trăm năm cho Việt Nam" (Đêm hồng, 1968) hay Có ai về Hát giang, Từ sông Hương nhớ về sông Hát (1971).

Sự đao to búa lớn ở đây là một "mã nhận diện" thế hệ trẻ đương thời, khi những ca khúc là phương tiện dễ dàng chuyển tải thông điệp tập hợp lực lượng trong những cuộc xuống đường hay biểu tình, nhiều khi là những hưng phấn đầy tính lý tưởng: "Tiếng hát reo hò vây quanh giặc cướp" (Đêm hồng) và "Triệu cánh tay chung dựng cuộc đời" (Đồng lúa reo, 1970). Cái còn để lại là bằng sức cộng hưởng, chúng đem lại khả năng gieo cấy suy tư lâu dài. Điều này Tôn Thất Lập có hẳn một không gian tập thể làm đối sánh là miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nơi nhạc sĩ trẻ này đã cùng những bài hát "vượt tuyến" hội nhập.

Bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới…

Tôn Thất Lập có những sáng tác tình ca được các ca sĩ nổi danh thu thanh ở Sài Gòn trước 1975 như Tiếng hát về khuya, Phố mưa, có những nét khắc khoải để rồi sẽ còn thấp thoáng tái hiện trong những bài hát thập niên 1990 như Hát lời chiêm bao, Mưa thì thầm, Tình yêu là mãi mãi. Chúng chứa đựng những triết lý đặc trưng về nhân sinh quan, nhưng vừa đủ bay bướm để thành những bài hát được giới trẻ lựa chọn.

Ngay cả Trị An âm vang mùa xuân, một trong những bài hát đình đám nhất của Tôn Thất Lập lẫn giới nhạc sĩ miền Nam sau 1975, cũng có những nét man mác bâng khuâng giữa những đoạn phiên khúc sôi nổi đậm chất ca khúc chính trị: "Một trời nước non Tân Uyên chờ ai, sương bay Mã Đà. Dòng điện sáng lên, cháy trong lòng ta xóa bao nhọc nhằn". Hiếm khi bài hát chứa đựng thông điệp cổ động rõ rệt lại đồng thời có âm hưởng lãng mạn của tự sự và lấp lánh sự rực rỡ của một khúc thăng hoa đậm chất rock đến vậy.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - người 'bắt sóng' được tuổi xuân đương thời - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Việc hình thành nhóm các nhạc sĩ Những người bạn vào khoảng năm 1992 có một ý nghĩa đối với lịch sử tân nhạc Việt Nam, cho dù các nhạc sĩ thành viên không đưa ra một tuyên bố chính thức nào. Là thành viên nhóm âm nhạc này, Tôn Thất Lập có những điểm chung về mỹ cảm âm nhạc ở mức độ nào đó với Trần Long Ẩn, Từ Huy… hay phần nào là đàn anh Trịnh Công Sơn. Nhưng từ trước đó, sự gần gũi về đề tài lẫn hình thức ca khúc của họ trong khoảng mười lăm năm sau thống nhất đã tạo ra một vùng âm quyển không lẫn với những miền âm nhạc khác của Việt Nam sau ngày thống nhất.

Tôn Thất Lập ở góc độ một người đã ra Bắc từ trước 1975, có những sự gần gũi với không gian âm nhạc chính thống miền Bắc khi những bài như Tình ca tuổi trẻ khá mạnh mẽ về thông điệp lẫn hình thức ca khúc, hơn hết các bạn sáng tác cùng nhóm: "Bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới, bản tình ca em hát cho anh bên dòng kênh xanh… Còn gì vui đẹp hơn con đường ra phía trước, triệu bàn chân tiến bước đi lên dưới cờ Đoàn quang vinh".

Những bài hát có màu sắc trữ tình hơn vào thời sau đó cũng là sự hôn phối giữa đời sống đô thị "mềm" và khẩu khí tuyên truyền "cứng": "Xuân xanh tình kết nụ, xuân hồng giấc em ngủ. Đời vui khoác áo mới, phố phường hát tình ca" (Tình ca mùa xuân) và "Em đi lên biên giới hát ca, anh băng qua con suối hái hoa, tặng em xuân này" (Giai điệu mùa xuân).

Những bài hát viết hợp với phong cách biểu diễn đơn giản mà nhiều năng lượng, tôn những giọng hát âm vực trầm khàn, thực sự làm được cái việc khó nhất là trữ tình hóa các thông điệp tuyên truyền.

Rồi sau khi chức năng tuyên truyền qua đi, những bài hát đó có còn ở lại cũng có lẽ nhờ sự "khó" ấy. Cho dù tác giả của chúng trong trả lời phỏng vấn, dường như ưu ái các ca sĩ thập niên 1980 hơn là ngày nay, thậm chí là không bằng lòng với những phá cách làm mới, có lẽ khó mà không thừa nhận một hiện thực: người ta vẫn muốn kiếm tìm một sự lấp lánh thanh xuân trong các bài hát đó.

 Với Tôn Thất Lập, những bài hát của ông đến được với đại chúng vì những triết lý bắt sóng được tuổi xuân đương thời. Từ những bài hát thời Hát cho dân tôi nghe đến những bài hát ăn khách sau cùng - Mưa thì thầm, từng lọt vào Top Ten Làn Sóng Xanh 1998, hay Tình yêu mãi mãi, có những nhãn tự dành cho tuổi trẻ, cũng là những hồi quang của những bản tình ca sân trường đại học: "Rồi một ngày ta xa cách nhau, hãy yêu nhau như trong tình đầu. Vì một ngày ta thương mến nhau, khắp tinh cầu xua đi bao lạnh giá". 

So với những sản phẩm văn hóa cùng thời, những bản tình ca lùi vào không gian hoài niệm của những lứa người đã đi qua tuổi trẻ nhanh chóng hơn, chúng lại có một năng lượng khác của sự hồi nhớ. Những bản tình ca của Tôn Thất Lập thuộc về số những bài hát như vậy. 

"Những bài hát viết hợp với phong cách biểu diễn đơn giản mà nhiều năng lượng, tôn những giọng hát âm vực trầm khàn, thực sự làm được cái việc khó nhất là trữ tình hóa các thông điệp tuyên truyền" - nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý.

Nguyễn Trương Quý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›