Giữa tuần này, tại Nhà hát thành phố (TP.HCM) đã có một đêm giao lưu ấm áp với chủ đề Trần Long Ẩn - Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa. Nhiều bản "hit" của ông, gắn với tên tuổi ca sĩ nổi tiếng như Xin làm người hát rong (Quang Linh), Đêm thành phố đầy sao (Cẩm Vân)… đã được cất lên đầy cảm xúc.
Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Âm nhạc TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ… phối hợp tổ chức.
Nghệ thuật, trữ tình và triết luận
Nhắc tới nhạc sĩ Trần Long Ẩn, hẳn rằng ai cũng đã từng nghe (thậm chí thuộc lòng) những ca từ của ông. Từ Người mẹ Bàn Cờ được hát vang trong những đêm nhạc Hát cho dân tôi nghe cùng sinh viên, học sinh, tuổi trẻ xuống đường những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, cho đến Đàn sáo Hậu Giang, Trên mảnh đất tình người, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người, một rừng cây… Với phong cách và màu sắc, ngôn ngữ âm nhạc riêng, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã ghi dấu ấn trong lòng người nghe bằng nhiều tác phẩm âm nhạc mang đậm triết lý nhân sinh quan tích cực trong cuộc sống.
Với Trần Long Ẩn, mỗi ca khúc đều gắn liền với một câu chuyện, câu chuyện đời chung hoặc câu chuyện tình riêng, đều là thông điệp đầy lạc quan về con người.
Quê Bình Định nhưng gắn bó nhiều với vùng đất phương Nam, có thể thấy phong cách âm nhạc của Trần Long Ẩn chịu ảnh hưởng nhiều bởi dân ca Nam Bộ. Ngôn từ trong ca khúc của ông thường mang mang nhiều hình ảnh, nhiều ý nghĩa, có tính triết lý và ẩn dụ sâu xa: mặt trời, ánh lửa, người mẹ và lời mẹ ru con như tiếng ru của nước non, đàn sáo Hậu Giang... xuyên suốt gợi lên một tình cảm thiêng liêng: tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống yên vui, tự do.
Âm nhạc của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn khá lạ và tưởng chừng tương phản nhau, vừa giản dị, nhưng lại vừa khúc chiết, sâu sắc những triết lý sống đầy nhân văn. Là người nghệ sĩ chịu đi, chịu sống rồi mới viết nên hành trình sáng tác âm nhạc, những thăng trầm của cuộc sống, những trải nghiệm cuộc đời đã giúp những ca khúc của ông đầy những triết lý sống. Chúng ta bắt gặp đâu đó hình bóng một mùa Xuân, một bông hoa cúc trắng, một hình bóng… "Rồi mùa Xuân ấy tóc trắng mẹ bay, như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây, bay qua thời gian"…
Và vì chú ý vẻ đẹp câu từ, nhiều khi thấy trong nhạc sĩ Trần Long Ẩn có bóng dáng thi nhân. Âm nhạc của Trần Long Ẩn thể hiện tư duy nhất quán của ông: Từ ước nguyện cả cuộc đời làm một người hát rong để miệt mài hát những bài tình ca quê hương "để cho tình yêu lên tiếng", "tặng riêng những ai thật lòng, đang còn hát yêu thương con người", miệt mài hát về những triết lý "sống vì mọi người", khi "Chân lí thuộc về những người không chịu sống đời lẻ loi", "Khi nghĩ về một đời người tôi thường nghĩ về rừng cây/… Và tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng sẽ lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương…".
Trên 50 năm sáng tác, hơn 100 ca khúc với nhiều chủ đề, nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, nhận xét về con đường sáng tác của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, một nhạc sĩ lão thành cho rằng: "Trần Long Ẩn có một bản sắc riêng trong ngôn ngữ âm nhạc, giai điệu của anh thường gần gũi với chất liệu âm nhạc miền Nam bởi sự chủ tâm khai thác, tìm tòi và có thêm nhiều sáng tạo để biến thành của chính mình".
Có thể nói, trong hành trình sáng tác, mỗi ca khúc của ông đều để lại một câu chuyện âm nhạc riêng biệt. Hầu hết ca khúc đều giàu tính triết lý trong những giai điệu âm hưởng dân ca từng vùng miền, mượt mà, trữ tình và sâu lắng.
Tại sao nhạc sĩ Trần Long Ẩn lại có những tác phẩm, giai điệu sâu lắng đi vào lòng người như thế? Đó là bởi vì ông trong nhiều năm luôn là người xê dịch...
Viết từ trái tim
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, chúng tôi đã có thời gian khá lâu làm việc cùng nhau. Chúng tôi rất trân trọng, quý mến về con người cũng như sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Với tôi, có hai điều đặc biệt khi nói về anh: Nếu nói về âm nhạc thì nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người biết chắt lọc những tinh hoa của cuộc sống, chắt lọc những yêu thương trong trái tim, nhịp đập của cuộc sống, của quê hương, đất nước để viết thành những nốt nhạc, những giai điệu có đặc thù của riêng mình và không thể trộn lẫn vào đâu được. Đó là tính dân gian, tính dân chủ, tính nhân văn, tính nhân dân nhưng đồng thời có một nét gì rất riêng của một nhạc sĩ trên hành trình sáng tạo cá nhân mình. Một điều nữa tôi muốn nói - tại sao nhạc sĩ Trần Long Ẩn lại có những tác phẩm, giai điệu sâu lắng đi vào lòng người như thế? Đó là bởi nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong nhiều năm luôn là người xê dịch, anh rất tích cực nên mọi nẻo đường từ miền Bắc đến miền Trung, đến miền Nam và đến cả các nước bè bạn trên thế giới... Đi đến đâu anh cũng để lại những dấu ấn, những giai điệu xúc động, dù đó có thể là những nơi anh đến lần đầu như Sapa, Lào Cai, Yên Bái… Điều đó cho chúng ta thấy rằng, sự thành công trong một bài hát có thể chỉ trong năm bảy phút nhạc thôi, có thể chỉ ghi chép vừa một tờ giấy A4 thôi nhưng đó là sự chắt lọc của một trái tim, cuộc sống, của một con người yêu quê hương đất nước và bên cạnh đó còn là tài năng hiếm có của một nhạc sĩ.
Quả đúng như thế. Nhìn lại cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, được sống, được hát, được sáng tác cho bạn bè, người thân, cho quê hương, đất nước vẫn luôn là niềm vui lớn nhất của ông.
Vào những năm 1970, nhạc sĩ Trần Long Ẩn là một trong những con chim đầu đàn của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" - một phong trào âm nhạc đấu tranh của sinh viên, học sinh tại Sài Gòn và đô thị miền Nam. Cùng với những người bạn trong phong trào, anh sinh viên trường Đại học Văn khoa năm ấy đã say mê sáng tác và hát mê mải trong những đêm không ngủ hay trên đường phố trong những cuộc biểu tình xuống đường. Như nhiều bạn bè, đồng chí yêu nước khác, không nao núng trước quân thù. Cho đến khi ở cương vị lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, ông vẫn cùng thường anh chị em nghệ sĩ đi suốt các hành trình lên rừng, xuống bể, ra đảo xa để cùng tổ chức những đêm nhạc hát cho người dân, chiến sĩ, để tìm cảm hứng sáng tạo mà không nề hà tuổi cao, sức yếu.
Nhìn lại cuộc đời âm nhạc, có thể "đọc vị" tấm lòng thiết tha của một nhạc sĩ lớn - nhạc sĩ Trần Long Ẩn chỉ nguyện làm một người hát rong, miệt mài "hát yêu thương con người", làm một cái cây được "sống gần nhau thân mới thẳng" giữa anh em, bè bạn cùng cống hiến sức mình, cống hiến những giai điệu vắt từ trái tim mình.
Nhìn lại cuộc đời Trần Long Ẩn, có những bước chân hừng hực lửa tuổi trẻ mang khát vọng cống hiến cho đất nước; có những bước chân xê dịch, bôn ba với tình đất, tình người ấm áp và lan tỏa. Và cả khi bước chân có mỏi thì trái tim vẫn cháy nồng với những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời mà hạnh phúc nhận về là "bông cúc trắng nở giữa đời tôi"… Tất cả đã cùng tạo nên một Trần Long Ẩn gieo yêu thương trên những nốt nhạc trong nền âm nhạc Việt Nam.
Vài nét về nhạc sĩ Trần Long Ẩn
Ông sinh năm 1944 tại Bình Định. Ông nguyên là Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.
Trước 1975, ông là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". Vào năm 1972, ông được điều vào vùng giải phóng, học về âm nhạc, lý luận văn nghệ cách mạng và được đào tạo chính quy tại Nhạc viện Hà Nội từ năm 1974. Sau ngày thống nhất đất nước, ông công tác trong ngành văn hóa tại TP.HCM, giảng dạy Nhạc viện TP.HCM.
Hơn 50 năm sáng tác, nhạc sĩ Trần Long Ẩn có hơn 100 ca khúc với nhiều chủ đề, nhiều phong cách âm nhạc nhưng sâu đậm nhất là sự gần gũi, ảnh hưởng âm hưởng dân ca Nam Bộ, những ca khúc trữ tình, triết luận.
Với những đóng góp cho âm nhạc, Trần Long Ẩn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2002), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007), Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam...
Tags