(Thethaovanhoa.vn) - Live show Cõi quê của Trần Quế Sơn diễn ra lúc 20h ngày 24/8/2018 tại Nhà hát thành phố (quận 1, TP.HCM), trực tiếp trên THVL2. Với 5/15 ca khúc cảm/phổ thơ Bùi Giáng, chương trình dành một phần trang trọng để tưởng niệm 20 ngày mất (1998-2018) của thi sĩ đặc biệt này.
- Đấu giá nghệ thuật: Kiệt tác Bùi Xuân Phái số 1, 'kịch tính' tranh Bùi Giáng
- Gặp lại Bùi Giáng trong hồi ký Kim Cương
“Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người ta, về sự trùng ngộ, ly biệt; về cuộc ở, cuộc đi; về cái có và không có; về hương sắc mong manh của đời. Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối… Sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi” - Trần Quế Sơn nói về cách cảm/phổ thơ của mình. Anh dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện trước live show.
* Khi cảm/phổ thơ Bùi Giáng, điều gì là thuận lợi và khó khăn của anh?
- Từ nhỏ, tôi đã thích thơ văn. Thích thơ Bích Khê, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính, Lý Bạch, Nguyễn Khuyến…; thích văn nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhiều tác phẩm nước ngoài như Quy luật của muôn đời, Trên mảnh đất người đời, Trăm năm cô đơn…; thích sách phê bình văn học của Hoài Thanh, Nguyễn Hiến Lê. Tôi cũng rất thích loại văn u mặc trong Cái cười của thánh nhân mà ông Nguyễn Duy Cần sưu tầm và bình sau mỗi chuyện.
Sau này đọc sách Bùi Giáng dịch và bình, tôi quá mê các cuốn Cõi người ta, Mùi hương xuân sắc, Ngộ nhận, Đi vào cõi thơ… Và cuối cùng, có lẽ do tình đồng hương, lại mê văn chương từ sớm, nên tôi dễ đồng cảm với cách hành văn và thơ của Bùi Giáng.
Khó khăn nhất là khi gặp các tiếng Hán đặc biệt, tra tự điển cũng không có, hỏi người thân cũng không ra, tôi đành chịu thua. Cái độc đáo của Bùi Giáng là ông có những từ do ông “chế ra” thì phải, nên mỗi người giải thích một kiểu, như “Tỳ Hải”, như “ca cao điệu trầm”… chẳng hạn.
* Bùi Giáng cũng là bậc thầy hý lộng, u mặc, cà rỡn… những điều này thường rất khó để đưa vào ca khúc, anh có thấy như vậy không?
- Tôi không nghĩ vậy. Ngược lại, tôi nghĩ sẽ hay và hấp dẫn nếu tôi phổ những bài thơ có các đặc tính đó của ông. Nếu nhạc sĩ có vốn và năng khiếu viết ca từ, lại chân thành, thì loại gì viết cũng được. Cái gì khó quá thì hỏi mấy ông bạn văn thơ để giải bí. Khi sáng tác nên hát cho anh em thân hữu nghe góp ý để hoàn chỉnh.
* Anh sáng tác ca khúc đầu tiên khoảng năm 1989, tính đến nay có chừng 150 ca khúc. Anh có nghĩ từ khi cảm/phổ thơ Bùi Giáng đầu những năm 2000, rồi gặp tai nạn giao thông rất nặng, nó đã làm thay đổi rất lớn về nhân sinh quan và thế giới quan của anh không?
- Tôi chẳng thay đổi gì nhiều, xưa nay về cốt cách con người, ca từ và giai điệu vẫn nhất quán. Chỉ có từ khi đọc các sách của Osho, Bùi Giáng thì tôi hồn nhiên hơn, viết ca khúc nhanh hơn, vì không chấp như trước đây. Nhưng trước sau, âm nhạc của tôi luôn mang âm hưởng dân ca Việt.
* Trong bối cảnh MV và mạng Internet đang lấn lướt như hiện nay, vì sao anh vẫn quyết định làm live show tốn kém như vậy?
- Ở Quảng Nam có từ “phỉnh” để chỉ sự lừa dối, dù phỉnh chưa chắc có hại gì đến người khác. Cái gì trên mạng thuộc về hình ảnh và âm thanh thì không thể thật bằng ngoài đời, đều có yếu tố của phỉnh!
Cho nên trên mạng thì nghiêng về ảo, còn ngoài đời thì nghiêng về thực hơn. Live show có ban nhạc chơi ngay tại chỗ, có minh họa múa và hoạt cảnh bằng con người thật, không dùng màn hình LED, thì mới đúng là đỉnh của biểu diễn âm nhạc. Tôi luôn mơ những đêm diễn thật như vậy.
* Nhạc anh đâu có quê, vì sao anh lấy tên live show là Cõi quê?
- Anh hỏi với ý “quê mùa” hay “quê quán”, cội nguồn, gốc rễ? Cõi quê của tôi ở đây đơn giản là cốt cách tinh thần sơ nguyên của cậu bé nông dân ngày xưa. Của viên sạn, của hột sương, của đôi mắt buồn gái Cơ Tu, của nụ cười trong vắt thôn nữ. Cũng là của chén đậu hủ người mẹ Hội An, của vị mặn giọt mồ hôi cha tôi, của tiếng khóc xé trời người mất mẹ. Cũng là của tiếng chim quốc khan hơi hộc máu chết vì gọi bạn tình trong đêm lạnh, của tiếng đàn cò ông ngoại tôi gieo sầu những đêm trăng…
Từ cái cõi quê thực này, nó trở thành cái cõi lòng trong âm nhạc.
* Cảm ơn anh. Chúc live show của anh thành công.
Trần Quế Sơn quê ở Quế Sơn Trần Quế Sơn tốt nghiệp chính quy Khoa Sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM. Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh đã phát hành 6 album: Saigon Twist, Vì anh đấy thôi, Thôn nữ, Một thời dấu yêu, Cõng mẹ đi chơi, Tình ca Quảng Nam… Một số ca khúc tiêu biểu như Tre Việt Nam, Cõng mẹ đi chơi, Tình quê, Khi một mình, Yêu cái mặn mà, Em gái quê mình, Lì xì nhé, Dùi chiêng… Live show Cõi quê do đạo diễn Tuấn Lê dàn dựng, với sự tham dự của các ca sĩ Đức Tuấn, Tùng Dương, Hồ Trung Dũng, Phạm Anh Khoa, Võ Hạ Trâm, Dương Hồng Loan, Lê Sang, Trúc Lai, Uyên Nguyên, Hữu Vũ, Hoàng Nguyên, dàn hợp xướng Saigon Choir, nhóm bè Cadillac… |
Như Hà (thực hiện)
Tags