Chương trình Center Stage được thực hiện bởi tổ chức New England Foundation for the Arts, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế thông qua biểu diễn văn hóa và kết nối dân tộc. Việt Nam sẽ tham gia với chương trình múa đương đại Sương sớm (The Mist) của Vũ đoàn Arabesque và những tiết mục âm nhạc thử nghiệm của Tứ tấu Trí Minh.
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trí Minh trước khi anh lên đường sang Mỹ biểu diễn.
* Có vô tình không, khi nhóm tứ tấu của anh là đại diện duy nhất về âm nhạc Việt Nam tham dự một chương trình này?
- Thực ra, để đến được với chương trình này là kết quả phấn đấu dài lâu trên con đường mà tôi đang theo đuổi. Cũng rất tình cờ là khi tôi đang thực hiện ý tưởng cho dự án làm nhạc của mình (Những âm thanh từ Hà Nội - Sound from Hà Nội), tôi gặp được chương trình này và đã làm đơn đăng ký tham dự cách đây 3 năm. Sau nhiều lần thi tuyển trình diễn trực tiếp, nhóm Tứ tấu của chúng tôi đã được chọn. Có lẽ vô tình là chuỗi chương trình Center Stage và dự án của chúng tôi đều chung một điểm đến là đối thoại.
* Tứ tấu của anh sẽ đối thoại như thế nào?
- Tứ tấu của chúng tôi gồm bốn gương mặt đại diện cho bộ gõ dân tộc: Hà Đình Huy - âm nhạc dân gian Việt Nam; NSƯT Phạm Trà My - dân ca mới; nghệ sĩ kèn môi - Đức Minh và dàn nhạc điện tử - Trí Minh.
Khi thực hiện dự án này, không phải đối thoại nào của chúng tôi cũng ra được câu chuyện. Có những khi cũng rơi vào bế tắc hàng tháng trời. Và để có được những mảng màu đối thoại trong chương trình này (13 tiết mục), mỗi nghệ sĩ chúng tôi phải tìm ra một “tiếng nói chung” cho các tác phẩm sẽ trình diễn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ dành riêng một phần trình diễn mở - tương tác với các nghệ sĩ và công chúng trong buổi diễn.
* Vậy tại sao anh không chọn một dự án đậm bản sắc Việt mà lại chọn một cuộc đối thoại khó lường trước kết quả?
- Cũng từ những chuyến lưu diễn quốc tế của mình, tôi nhận ra, nếu không có đối thoại, sẽ không thể hợp tác. Ấn tượng nhất với tôi là năm 2009, trong một chương trình diễn ở Viên (Áo), tôi đã bị “chết đứng” khi nghệ sĩ diễn cùng mình có quá nhiều đối thoại với mình mà tôi lại không biết nói gì.
Bên cạnh đó, tôi thấy nếu chỉ giới thiệu Việt Nam qua những nhạc cụ dân tộc, truyền thống, dân ca ra thế giới thì đã quá nhiều và quá quen rồi. Tôi muốn có một sự mới mẻ hơn thế. Thực ra trong dự án Sound from Hà Nội thì nhạc điện tử vẫn chỉ là một phương tiện vì hiện nay, tôi xây dựng tất cả các dự án đều trên tiêu chí tạo nên những sản phẩm đa chiều về văn hóa và nhìn chung, vẫn là đối thoại.
* Anh đem đến thông điệp trong cuộc đối thoại này là gì?
- Mặc dù đây là dự án văn hóa nhưng lại mang nhiều thông điệp xã hội vì xuyên suốt dự án là câu chuyện lịch sử Việt Nam, những trải nghiệm của con người Việt Nam đang trong những quá trình chuyển mình. Tôi mang đến thông điệp về một đất nước Việt Nam năng động, những con người Việt Nam mới, đang trên con đường tìm tòi những không gian mới để phát triển.
* Cho đến nay, để sống bằng nghề làm nhạc điện tử ở Việt Nam với nhiều nghệ sĩ vẫn không phải là dễ dàng. Còn với anh, khi liên tiếp “tung” ra những dự án như vậy, chắc là anh sống rất được?
- Sống được hay không cũng vô cùng lắm. Tôi cũng là người thích ăn ngon mặc đẹp, sành điệu nhưng không ham vật chất. Song, tôi vẫn phải đảm bảo cuộc sống ổn định từ những nguồn thu nhập khác nhau. Để đạt được đam mê của mình, tôi đã nhận sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình. Gia đình tạo cho tôi một không gian được chia sẻ trên diện rộng.
Và không hẳn là thành công nhưng tôi rất may mắn là một trong số ít người làm về âm nhạc mới tại Việt Nam biết cách đan xen vào đó những yếu tố thị trường để thông qua đó tôi tồn tại, làm những việc tôi mong muốn.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags