Mỗi người phụ nữ đi qua đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đều để lại dấu ấn đặc biệt, dù là hạnh phúc hay đau buồn thì luôn có những hoài niệm và đương nhiên gắn liền với những ca khúc nổi tiếng.
"Diễm xưa"
Người phụ nữ đặc biệt đầu tiên trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn là Bích Diễm. Bích Diễm sở hữu khuôn mặt thanh tú, yêu kiều cùng dáng vẻ nhẹ nhàng. Nhan sắc hút hồn trong tà áo dài trắng của Bích Diễm đã để lại niềm nhớ thương khắc khoải trong lòng nhạc sỹ trẻ.
Diễm mang đến cho người nhạc sĩ tài hoa ấy mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn, khơi mạch nguồn cảm xúc cho những ca khúc bất hủ để đời, từng ca từ đi sâu vào lòng người. Người phụ này gắn liền với ca khúc vô cùng nổi tiếng, Diễm xưa.
Ca khúc được viết vào năm 1960, kể về mối tình đẹp nhưng dang dở trong thực có mơ, trong mơ có thực. Người con gái Huế với nét dịu dàng, mong manh đến thuần khiết như cơn mưa đầu mùa đã làm xao xuyến trái tim đa sầu, đa cảm của người nghệ sĩ.
Tình chị duyên em
Nhiều người từng biết đến câu chuyện tình chị duyên em của Trịnh Công Sơn. Dao Ánh là em gái của Bích Diễm, người mà Trịnh Công Sơn đã từng vương vấn nhưng không thành.
Sau khi biết chị mình không bên cạnh Trịnh Công Sơn, cô em Dao Ánh đã viết thư an ủi và chia sẻ cùng anh. Trịnh Công Sơn đã viết thư trả lời và tình cảm nảy sinh bắt đầu từ đó.
Khi Trịnh Công Sơn bị điều lên B’lao dạy học năm 1964, tình cảm hai người vẫn khăng khít qua những bức thư rất thơ mộng. Có lần Dao Ánh đã phát tín hiệu tình yêu của mình: “Em sẽ đợi giông tới và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây”. Ngay sau đó, thư của Trịnh Công Sơn đã bí mật gửi tới người đẹp với câu thơ văn xuôi: “Ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi, nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu”. Mỗi lần nhận được thư của Dao Ánh từ Huế gửi lên là Trịnh Công Sơn sung sướng như mất hồn.
Họ trao đổi thư từ yêu thương từ ngày 2/9/1964 nhưng phải đến tận lá thư gửi vào tháng 8/1966, Trịnh Công Sơn mới chính thức ngỏ lời yêu. Dao Ánh đã đón nhận, lời lẽ trong thư trở nên đằm thắm hơn và thật nặng lòng mỗi khi đề cập tới tương lai hạnh phúc của cuộc đời. Và tình yêu đó đã hội tụ những hẹn hò, trông ngóng đợi chờ và cả ghen tuông, nghi kỵ. Nhưng rồi do xa cách, niềm tin và hy vọng trở nên mong manh hơn.
Ngày 25/3/1967, Trịnh Công Sơn chủ động chia tay với Dao Ánh: “Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được”.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Một người phụ nữ nữa để lại dấu ấn vô cùng đặt biệt của Trịnh Công Sơn chính là Khánh Ly. Họ gặp nhau lần đầu gặp Trịnh Công Sơn tại hộp đêm Tulipe Rouge ở Đà Lạt vào năm 1965. Giọng hát của bà ngay lập tức thu hút nhạc sỹ, nhưng phải 2 năm sau, Khánh Ly mới chính thức trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh. Họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa trước hàng ngàn sinh viên và trí thức.
Giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn không chỉ tồn tại mối quan hệ ca sỹ-nhạc sỹ, mà theo Trịnh Công Sơn, cuộc gặp gỡ giữa hai người là “cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau”. Khánh Ly không chỉ đem đến cảm giác yêu mà còn là nơi nương tựa tâm hồn, nghệ thuật, là người đi cùng ông trong suốt những năm tháng thanh xuân. Về phần mình, Khánh Ly cũng luôn khẳng định rằng mối liên hệ giữa họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.
- Phim 'Trịnh Công Sơn' chính thức rút khỏi rạp sau nhiều tranh cãi
- Phan Gia Nhật Linh với phim về Trịnh Công Sơn: 'Thôi kệ' những lời khen chê!
- Fan bất ngờ khi Phan Mạnh Quỳnh hát nhạc phim 'Trịnh Công Sơn' và 'Em và Trịnh'
Tình chỉ đẹp khi tình dang dở
Michiko Yoshii, một người phụ nữ đặc biệt chẳng kém trong cuộc đời cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa. Được biết, vào cuối thập niên 80, khi đang là sinh viên ở Paris, cô gái Nhật Bản Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam – trong đó có âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Lúc này, nhạc sĩ họ Trịnh đã ngoài 40 tuổi và chưa một lần kết hôn, dù trước đó xung quanh ông là biết bao nàng thơ. Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Michiko nhiều lần gọi điện từ Pháp về Việt Nam để trò chuyện với Trịnh Công Sơn và sau cùng, cô quyết định bay tới Việt Nam. Khi cô gái trẻ người Nhật ở gần với tác giả mình ngưỡng mộ hàng ngày, tình yêu từ những cuộc trò chuyện, những nốt nhạc hay những chuyến đi trở nên sâu đậm lúc nào không hay.
Một đám cưới tưởng như đã có thể diễn ra và trở thành cái kết viên mãn cho mối tình nhẹ nhàng mà sâu sắc ấy. Tuy nhiên, đúng là tình chỉ đẹp khi tình dang dở…
Có nhiều giai thoại xung quanh chuyện tình giữa người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh và Michiko Yoshii. Tuy nhiên đến nay, nhiều người vẫn tin rằng Trịnh Công Sơn muốn giữ mãi tình yêu đẹp ấy cho tới những tháng ngày cuối đời và không muốn hôn nhân trở thành một thứ ràng buộc khiến hai người phải “nợ” nhau.
(Còn tiếp)
Lê Ni (Tổng hợp)
Tags