Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh: Dù có viết hàng triệu ca khúc ngợi ca cũng không thể...

Thứ Sáu, 28/07/2017 06:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Có lẽ những người của thời bình dù có viết đến một triệu tác phẩm, xây hàng nghin nghĩa trang và sự đền đáp đối với những chiến sĩ cũng không thể sánh được với cuộc sống mà họ đã hi sinh cho đất nước. Còn người ra đi, có lẽ chỉ có một nguyện vọng là đừng ai quên họ” – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội đã lặng người, nói trong niềm xúc động dâng trào khi nhắc đến những chiến sĩ, đồng đội đã đi vào lịch sử.

Sáng 27/7, Hội âm nhạc Hà Nội đã tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ bằng sự ra mắt Tập ca khúc Đồng đội ơi.

Từ trên 400 tác phẩm âm nhạc gửi về Hội âm nhạc, ban biên tập Đồng đội ơi đã giới thiệu 228 tác phẩm của 175 tác giả trên khắp cả nước.

Để có được ấn phẩm này, các nhạc sĩ đã dày công tìm kiếm trong kho tư liệu sáng tác của chính mình và của các đồng nghiệp. Thậm chí có những tác phẩm đã được, phải phục chế lại.

Bên cạnh đó, tuyển tập  cố gắng gửi đến những người chiến sĩ những sáng tác mới nhất của các nhạc sĩ về đề tài viết không bao giờ hết ý tưởng, cảm xúc này.

Đồng thời, các ca khúc được lựa chọn còn được xét trên tiêu chí từ tâm, từ trái tim của người viết.

Buổi ra mắt Tập sách Đồng đội ơi của Hội âm nhạc Hà Nội
Buổi ra mắt Tập sách Đồng đội ơi của Hội âm nhạc Hà Nội 

Như nhạc sĩ Phạm Tuyên – chàng sĩ quan lục quân khóa 5 thủa nào, nay ở tuổi 80, tay run, chân yếu và không nói được nhiều nhưng ông rất tâm huyết với sự ra đời của Đồng đội ơi.

Vì thế, dù phải mất cả một buổi sáng để chép lại ca khúc viết từ năm 1971 như Cháu yêu chú thương binh hay Bài học thầy đã dạy em ông vẫn miệt mài thực hiện.

'Còn sống là hạnh phúc hơn trăm, vạn lần đồng đội nên còn phải đi tìm các anh'

'Còn sống là hạnh phúc hơn trăm, vạn lần đồng đội nên còn phải đi tìm các anh'

'Mình còn sống đến nay là hạnh phúc hơn trăm, vạn lần các đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc nên tôi tâm niệm còn sống còn đi tìm đồng đội, đưa các anh về với đất mẹ'.

“Trong chiến tranh, âm nhạc chính là vũ khí. Tôi còn nhớ, năm 1973 khi mới về Đài tiếng nói làm việc, tôi trao đổi với mọi người về kế hoạch hát những ca khúc trữ tình để động viên tinh thần quân và dân. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ TP.HCM gọi điện ra Bắc, nói với tôi: ở trong đấy, mọi người chỉ ngủ có một mắt thôi đấy. Sức mạnh của âm nhạc là thế.

Cho đến nay, khi chứng kiến những em nhỏ ở Mỹ Đức hát ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn một cách say sưa, tôi lại càng thấy giá trị của âm nhạc ở khả năng truyền cảm hứng qua nhiều thế hệ.” – nhạc sĩ của Những cánh chim Hồng Gấm bày tỏ.

Tập ca khúc Đồng đội ơi
Tập ca khúc Đồng đội ơi

Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách ý nghĩa này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết Hội âm nhạc Hà Nội có gần 500 người thì 1/3 trong số đó cũng là những người lính.

"Chúng tôi cũng đã đi qua những năm tháng “vào sinh ra tử” cùng nhiều đồng đội. Và tôi còn nhớ, đơn vị mình khi đi đóng góp trong chiến dịch ở Khe Sanh năm 1968, đã có 3 đồng đội hi sinh. Đó là anh Chu Mi, Đức Thuận và Thanh Hiền.

Con người quý nhất mạng sống nhưng những chiến sĩ anh hùng đã hi sinh khi họ còn rất trẻ. Tôi nghĩ rằng những người đã mất, có lẽ chỉ có một nguyện vọng là đừng quên họ.

Làm nghề sáng tác, chúng tôi không có gì hơn là dành tặng đồng đội mình bằng những tác phẩm âm nhạc.

Vì thế, Đồng đội ơi là một tiếng gọi, là lời tri ân, là sự biết ơn từ tấm lòng nhỏ bé của chúng tôi gửi đến những người lính” – nhạc sĩ Tượng đài trong tim cho hay.

Thanh Tú

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›