(Thethaovanhoa.vn) - Gia đình nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ thông tin cho biết ông đã qua đời sáng 11/2, hưởng thọ 85 tuổi. Nhạc sỹ sinh ngày 15/ 5/1936, quê ở Thanh Chương, Nghệ An, ông nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống cách mạng ở Việt Nam.
Những khúc ca của ông đã được nhiều thế hệ bạn yêu nhạc biết đến, đặc biệt là ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Xa khơi”… Ông cũng dành cả cuộc đời, tâm huyết để lao động trên cánh đồng thuật, cống hiến cho nước nhà những tác phẩm đặc sắc, đậm chất dân gian.
*Bài hát hay nhất về Bác Hồ
“Trông vời lưng núi. Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây. Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo. Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá. Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…”. Đây là những câu hát đầy tình cảm, gần gũi trong ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.
Lúc sinh thời, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đã từng chia sẻ: “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” và “Xa khơi” là hai ca khúc nổi tiếng, được biết đến nhiều nhất của ông. Trong đó, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” là một nhạc phẩm tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Đây cũng được coi là một trong những bài hát hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, thấm đẫm chất liệu dân ca Tày, Nùng. Bài hát nhanh chóng được quần chúng yêu thích. Những năm 60-70 của thế kỷ XX, hầu như bất kỳ chương trình biểu diễn nào từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều hát bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.
Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ viết ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” khi mới 23 tuổi và chưa một lần đặt chân tới Cao Bằng hay hang Pác Bó, nhưng ông đã viết ca khúc với một tình yêu lớn lao với Bác Hồ và dùng cả vốn hiểu biết khi sống ở rừng núi.
Cùng với những tài liệu đã sưu tầm được về Bác, chiến khu Việt Bắc, đất Cao Bằng cộng với vốn hiểu biết về nghệ thuật hát then, đàn tính, điệu Sli-lượn của vùng miền núi phía Bắc, giai điệu của “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” cứ thế tuôn trào theo nguồn cảm hứng của người nghệ sỹ. Nhưng phải tới 40 năm sau khi ca khúc ra đời, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ mới có dịp lên Cao Bằng, đến thăm Pác Bó cũng như các địa danh mà ông đã hình dung khi sáng tác “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.
Ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã được Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hương thu âm lần đầu tiên năm 1959 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác (19/5/1959). Sau này, có nhiều nghệ sỹ, nhóm nhạc, dàn hợp xướng thể hiện và trình bày thành công nhạc phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”. Có thể kể đến một số nghệ sỹ tài danh đã thể hiện bài hát này như Nghệ sỹ Ưu tú Bích Liên, Nghệ sỹ Ưu tú Vi Hoa, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Huyền, Nghệ sỹ Ưu tú Tuyết Thanh…
Năm 1965, ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã đoạt được giải thưởng cao nhất theo bình bầu của thính giả Ðài Tiếng nói Việt Nam, Giải ca khúc hay của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội nhạc sỹ Việt Nam…
*Người nhạc sỹ lao động nghệ thuật chân chính
Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ là người viết kỹ, cả cuộc đời âm nhạc của ông đến nay chỉ công bố chưa đến 20 ca khúc. Các tác phẩm của ông đều gần gũi với âm hưởng dân gian. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, đặc biệt cho nhạc cụ dân tộc; viết phần âm nhạc cho múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca.
Các ca khúc chính của ông gồm “Lời ca gửi noọng”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Lê Quang Vịnh – người con quang vinh”, “Xa khơi”, “Xuân về trên bản Nhắng”, “Về mỏ”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Xôn xao bến nước”. Về khí nhạc, ông có giao hưởng thơ “Những cánh chim cao nguyên”, “Kỷ niệm quê hương” (cello và piano)...
Với nhiều người đã gặp gỡ, trò chuyện, làm việc với nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đều cho rằng họ không tìm thấy chất lãng tử mà nhận thấy sự chỉn chu, tỉ mỉ của ông trong cuộc sống lẫn sáng tác.
Sinh thời, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ vẫn khẳng định, làm nghệ thuật với ông, chỉ có 1% là tài năng, còn 99% là sự lao động, khổ luyện. Ông cũng đã đúc rút ra phương châm bốn chữ T: “Tài năng” thiên phú, chỉ chiếm 1%. Chữ T thứ hai là “trí tuệ” và “tri thức” của thời đại, đó là suối nguồn văn hóa của đất nước, cái nôi hình thành nhân cách và sự sáng tạo của người nghệ sỹ. Chữ T thứ ba là chữ “tâm”, đó là sự dấn thân, lòng tự trọng, thành thật với chính mình, gạt ra ngoài những bon chen danh lợi. Và cuối cùng, đó chính là “tầm cỡ” của tác phẩm, sáng tác cả đời mà không có được tác phẩm tuyệt tác thì cũng coi như không có gì cả....
Sinh ra ở vùng đất Nghệ Tĩnh với những làn điệu dân ca những điệu ví dặm, hát phường vải nên có lẽ “chất nhạc” đã có trong tâm hồn Nguyễn Tài Tuệ từ những ngày thơ bé. Ông là diễn viên ở Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương từ năm 1955. Ban đầu với sự dẫn dắt của nhạc sỹ Trọng Bằng, Nguyễn Tài Tuệ trở thành một giọng nam cao tham gia trong dàn hợp xướng cùng các nghệ sĩ Quốc Hương, La Thăng, Mai Khanh…
Năm 1958, ông được biệt phái lên Đoàn Ca múa Lao - Hà - Yên (Lao Cai – Hà Giang – Yên Bái). Chính những năm tháng này đã đem lại cho ông vốn sống, hiểu biết quý giá về văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao và ngả dần sang sáng tác. Ca khúc “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Xuân về trên bản Nhắng”, “Lời ca gửi noọng”…đã ra đời trong dịp này. Đầu năm 1959, ông về Hà Nội công tác tại Ban nghiên cứu âm nhạc dân gian - tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian hiện nay. Tại nơi này ông đã hoàn thành ca khúc nổi tiếng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” và “Xa khơi”. Năm 1963, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh. Từ năm 1966- 1972, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ được cử đi học sáng tác âm nhạc bậc đại học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Trở về nước, ông tiếp tục công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với tư cách là nhạc sỹ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật...
Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001) với các tác phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Xa khơi”, “Mùa xuân gọi bạn”, “Xôn xao bến nước” và bản sonate cho đàn T'rưng và piano. Ông còn được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam” và một số giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Thanh Giang/TTXVN
Tags