Nhận định trước trận Hougang vs Hải Phòng: Khởi đầu AFC Cup 2023-24 bằng chiến thắng thuyết phục trước PSM Makassar, liệu Hải Phòng có thể tái lập chiến tích của Hà Nội FC hay Bình Dương năm nào?
Nhìn lại lịch sử cũng có những cái thú vị riêng, vì thành công trong quá khứ có thể là niềm cảm hứng cho hiện tại. Còn thất bại thì vẫn là những trải nghiệm quý giá.
Bình Dương 2009 hay Hà Nội 2019 thành công hơn?
Nhắc đến thành công của các CLB Việt Nam ở AFC Cup thì chắc chắn Hà Nội FC và Bình Dương là hai CLB đáng nhớ nhất bởi họ chính là những người tiến sâu nhất. Vấn đề là ai thành công hơn?
Năm 2009, Becamex Bình Dương thực sự khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng bởi phong độ ấn tượng của họ tại AFC Cup. Đội bóng của HLV Mai Đức Chung khi đó đứng đầu bảng H, xếp trên những đội bóng mạnh của Đông Nam Á lúc bấy giờ như Home United (Singapore), PEA (Điện Lực Thái Lan). Đến vòng 1/8, đội bóng đất Thủ đè bẹp Kedah (Malaysia) tới 8-2 sau hai lượt trận.
Gặp nhà ĐKVĐ Thái Lan Chonburi ở tứ kết, Bình Dương tiếp tục thể hiện bản lĩnh tuyệt vời khi hòa 2-2 ở Rajamangala trước khi hạ gục đối thủ 2-0 ở Gò Đậu.
Đội bóng đất Thủ hạ gục đại diện Thái Lan trong một chiều mưa tầm tã ở Gò Đậu. Câu chuyện cổ tích ấy còn được tiếp nối khi Bình Dương đánh bại Al Karama ở trận bán kết lượt đi với tỷ số 2-1. Sau đó, dù thua 0-3 ở lượt về và bị loại, song đó vẫn là một mốc son đáng nhớ trong lịch sử CLB này nói riêng, và bóng đá Việt Nam nói chung. Về mặt cá nhân, chân sút Kesley Huỳnh Alves đoạt danh hiệu đồng Vua phá lưới năm ấy với 8 bàn thắng.
Đúng 10 năm sau, đến lượt Hà Nội FC gây ấn tượng rất mạnh khi lọt vào đến chung kết liên khu vực. Đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm gây ấn tượng cực mạnh khi mở màn bằng chiến thắng… 10-0 trước Nagaworld (Campuchia), và rồi kết thúc vòng bảng với ngôi đầu bảng F với 13 điểm, cùng hiệu số bàn thắng bại là 22-5).
Tại vòng bán kết khu vực Đông Nam Á, Quang Hải và đồng đội vượt qua tiếp Ceres-Negros (Philippines) để tạo nên trận chung kết toàn Việt Nam, gặp Bình Dương – đội bóng đã loại PSM Makassar (Indonesia).
Sau khi vô địch khu vực Đông Nam Á, Hà Nội FC loại tiếp Altyn Asyr ở bán kết liên khu vực với tổng tỷ số 5-4. Ở chung kết liên khu vực gặp April 25 SC (CHDCND Triều Tiên), họ chỉ bị loại bởi luật bàn thắng sân khách.
Bình Dương 2009 hay Hà Nội FC 2019 xuất sắc hơn. Về thành tích, việc bị loại ở bán kết AFC Cup của Bình Dương năm 2009 cũng tương đương với việc Hà Nội không vượt qua April 25 SC ở chung kết liên khu vực. Còn về phong cách thì hai đội không hề giống nhau. Năm 2009, Bình Dương có phong cách thực dụng, hiệu quả, trong khi Hà Nội 2019 thiên về lối chơi tấn công, quyến rũ và đẹp mắt.
Hougang vs Hải Phòng: Thắng để giữ ngôi đầu
Có thể nhiều người sẽ nói rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định rằng Hải Phòng có thể tái lập chiến tích của Bình Dương hay Hà Nội FC. Nhưng dù sao thì đội bóng thành phố cảng cũng nằm ở một bảng đấu không quá khó. Và thực tế thì AFC Cup cũng là sân chơi dễ thở hơn nhiều so với AFC Champions League.
Chiến thắng trước PSM Makassar là một khởi đầu thuận lợi của Hải Phòng, đội bóng đang do HLV Chu Đình Nghiêm – người từng rất thành công với Hà Nội FC ở sân chơi này – dẫn dắt. Cùng với việc hai đối thủ còn lại trong bảng (Hougang United của Singapore và Sabah của Malaysia), Hải Phòng hoàn toàn có thể nhắm ngôi đầu bảng nếu như giữ đúng phong độ. Thậm chí, nếu nhì bảng mà chỉ số cao thì vẫn có thể đi tiếp do theo quy định thì 4 đội đi tiếp ở khu vực ASEAN (bảng G, F, H) là 3 đội đầu bảng và 1 đội nhì xuất sắc.
Mức độ cạnh tranh tất nhiên sẽ cao hơn ở vòng bán kết khu vực ASEAN, nơi có cả các CLB của Úc là Central Coast Mariner và Macathur FC "ké" vào. Tuy nhiên, thực tế ở một hai lượt trận đầu cho thấy, Central Coast Mariner cũng không hơn mấy so với Bali United (Indonesia), Terenganu (Malaysia), trong khi Macathur cũng ở trình độ tương đương. Tất nhiên, tất cả mới là những dự đoán ban đầu. Việc Hải Phòng có thể tiến sâu hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nữa.
Tags