Nhận định trước trận U22 Indonesia vs U22 Myanmar: Chỉ thắng tối thiểu U22 Timor Leste, sẽ không ngạc nhiên nếu U22 Myanmar dừng chân ngay vòng bảng SEA Games 32
Đó là một trận đấu mà các cầu thủ trẻ Myanmar đã bỏ lỡ vô số các cơ hội ngon ăn, nhưng rồi cuối cùng cũng ghi được bàn thắng duy nhất với pha đệm bóng vào lưới trống của Thet Hein Soe, sau pha đón bóng hụt của thủ thành U22 Timor Leste.
Từng là một đội bóng mạnh, nhưng…
Trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, bóng đá Miến Điện (Myanmar bây giờ) từng là quyền lực số một của Đông Nam Á, thậm chí là châu Á. Họ từng vô địch ASIAD 1966, 1970, giành ngôi á quân Asian Cup 1968, và giành quyền tham dự Olympic Munich 1972.
Giai đoạn sau này, khi Thái Lan là quyền lực số một khu vực, và các thế lực khác như Việt Nam, Malaysia, Singapore trỗi dậy thì Myanmar vẫn được coi là một chú ngựa ô, có thể khiến các đội bóng mạnh phải kiêng nể. Họ từng có một thế hệ giành vé tham dự U20 World Cup 2015, và phần lớn trong số ấy giờ là trụ cột của ĐTQG. Ở AFF Cup 2016, các cầu thủ trẻ cùng lứa với Xuân Trường, Công Phượng đã bất ngờ lọt vào bán kết. Ở cấp độ trẻ, Myanmar từng giành HCB ở SEA Games 2015, và HCĐ tại SEA Games 2019.
Nhưng vài năm gần đây, bóng đá Myanmar sa sút khủng khiếp. ĐTQG nước này đã bị loại ở vòng bảng AFF Cup 3 kỳ liên tiếp. Trong hơn 2 năm qua, họ thi đấu 22 trận mà chỉ thắng có 1 (2-0 trước Timor Leste ở AFF Cup 2020), còn lại là hòa (3) và thua (18). Đỉnh điểm của nỗi thất vọng là những trận thua khủng khiếp trước Nhật Bản (0-10) và Kyrgyzstan (1-8).
Lứa trẻ cũng chẳng hơn gì khi U23 Myanmar dừng bước ngay tại vòng bảng SEA Games 31. Tại giải U22 Đông Nam Á năm ngoái, Myanmar không tham dự, còn ở lần tổ chức trước đó họ kết thúc vòng bảng ở vị trí cuối cùng.
Suy sụp vì Covid-19 và biến động chính trị
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2020 trở thành mốc phân định giữa hai giai đoạn thành công và thất bại của bóng đá Myanmar. Đó là năm mà mọi hoạt động quốc tế phải dừng lại vì dịch Covid-19. Nhưng với riêng bóng đá Myanmar, họ còn phải chứng kiến biến cố lớn khác. Cuộc đảo chính năm 2021 đã khiến đội tuyển quốc gia tan đàn xẻ nghé khi một nhóm cầu thủ, dẫn đầu là ngôi sao Aung Thu, từ chối khoác áo ĐTQG.
Những biến động địa chính trị cũng khiến tâm lý các cầu thủ bất ổn. Một minh chứng: Sau khi kết thúc vòng loại thứ hai World Cup 2022, thủ thành Pyae Lyan Aung của đội tuyển Myanmar thậm chí xin tị nạn luôn ở Nhật Bản chứ nhất quyết không chịu trở về quê hương một khi nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi chưa trở lại nắm quyền. "Nếu tôi trở lại Myanmar, tính mạng của tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tôi quyết định ở lại Nhật Bản. Chính phủ và người dân Nhật Bản phải biết tình hình của Myanmar. Tôi kêu gọi sự hợp tác của các bạn", Pyae Lyan Aung đã trả lời như thế trên đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.
Kể từ sau dịch Covid-19, Myanmar mới chỉ thắng đúng 1 trận ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Đó là chiến thắng 2-0 trước Timor Leste ở vòng bảng AFF Cup 2021. Đến kỳ AFF Cup năm nay, Myanmar tiếp tục cho thấy phong độ thiếu thuyết phục. Họ lần lượt thua Malaysia, Singapore và chỉ hòa đội tuyển Lào.
Tỷ phú Zaw Zaw, người hiện vẫn là chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar, từng ấp ủ đưa bóng đá Myanmar trở lại thời hoàng kim, và thực tế đã tạo ra một thế hệ tài năng cùng một giải vô địch hứa hẹn. Nhưng rồi có những yếu tố mà ông không thể kiểm soát nổi. Giải vô địch quốc gia Myanmar bị gián đoạn vì những biến động trong nước, đào tạo trẻ thì trì trệ, trong khi liên đoàn cũng không có nhiều ngân sách hoạt động, khiến bóng đá trẻ Myanmar rơi vào cảnh "đói" thành tích. Kể từ sau thế hệ Aung Thu và Maung Maung Lwin, Myanmar không sản sinh thêm tài năng trẻ nào đáng chú ý nữa.
Shan United, đội bóng đã vô địch 4/5 mùa giải gần nhất (mùa còn lại họ giành ngôi á quân), chỉ đóng góp đúng 1 tuyển thủ U22 tại SEA Games 32: Hậu vệ sinh năm 2005 Lat Wai Phone, người cũng chỉ mới được đôn lên đội 1 và thường xuyên dự bị. Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn về công tác đào tạo trẻ tại Myanmar.
Đừng ngạc nhiên nếu U22 Myanmar tiếp tục trắng tay ở SEA Games 32 này!
Tuấn Cương