10/05/2023 17:33 GMT+7 | SEA Games 32
Sau khởi đầu hoành tráng, phong độ của U22 Campuchia xuống dần đều, và có lẽ tấm huy chương SEA Games vẫn chỉ là giấc mơ còn xa đối với đội bóng này.\
Khán giả Campuchia đã trải qua ba thái cực cảm xúc khác nhau khi chứng kiến đội bóng con cưng của họ thi đấu ở SEA Games 32. Từ niềm hân hoan sau chiến thắng tưng bừng trước U22 Timor Leste, sự tiếc nuối khi đánh rơi 2 điểm trước U22 Philippines, cho đến nỗi thất vọng trước U22 Myanmar.
U22 Campuchia đến SEA Games 32 sau chiến thắng 2-1 trước Singapore ngay tại Jalan Besar ở Merlin Cup. Họ được rơi vào một bảng đấu được cho là khá dễ khi tránh mặt được cả đương kim vô địch U22 Việt Nam, đương kim á quân U22 Thái Lan và U22 Malaysia, đội bóng vừa thắng họ 4-2 ở Merlin Cup.
Và trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của hàng vạn khán giả nhà, U22 Campuchia khởi đầu rất ấn tượng khi đại thắng U22 Timor Leste đến 4-0. Chiến thắng ấy đã vẽ lên viễn cảnh về tấm huy chương đầu tiên trong lịch sử. Hơn 3 năm trước, họ đã tiến rất gần mục tiêu này khi giành vé vào bán kết bóng đá nam SEA Games 30, và chỉ thua Myanmar sau những loạt sút luân lưu. Lần này, với lợi thế sân nhà, Sieng Chanthea (người nổi lên như một thần đồng tại SEA Games 2019) và đồng đội được kỳ vọng sẽ thực hiện được sứ mệnh dở dang ấy.
Nhưng hóa ra, đó chỉ là một ánh bình minh mong manh. Các học trò của Keisuke Honda vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng về bản lĩnh để có thể hiện thực hóa những ý đồ chiến thuật đã vạch ra. Họ đánh rơi 2 điểm trước U22 Philippines bởi bàn gỡ hòa ở phút bù giờ thứ ba mà lẽ ra hàng thủ đã có thể làm tốt hơn. Đối mặt với một U22 Myanmar vừa thảm bại đến 0-5 trước U22 Indonesia, đội chủ nhà thể hiện một bộ mặt vô cùng bế tắc, và chịu thua 0-2.
Phản ứng sau thất bại ấy đã minh chứng cho thực tế phũ phàng - CĐV Campuchia thực ra chưa bao giờ đủ lòng tin rằng đội nhà sẽ làm nên điều kỳ diệu. Các cầu thủ gục ngã và khóc rưng rức trên sân, chủ tịch Liên đoàn thì tuyên bố từ chức ngay sau trận đấu, trong khi truyền thông thì nghi ngờ về cơ hội của đội nhà. Dù về lý thuyết, họ chưa hề bị loại khỏi giải.
Tại Đại hội đồng Liên đoàn bóng đá Campuchia (FFC) lần thứ 17, Chủ tịch Sao Sokha thừa nhận rằng các nước khác trong khu vực có nguồn lực tốt hơn Campuchia và đã đi trước họ. "Nhưng bóng đá Campuchia chưa bao giờ sợ hãi hay chùn bước, ngay cả khi có thể thua. Kết quả chỉ có thể xác định sau 90 phút. Bóng đá các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh, Campuchia cũng vậy. Thể thao không có chỗ cho sự sợ hãi", ông Sokha quả quyết, đồng thời úp mở về một "Kế hoạch 11 điểm" để phát triển toàn diện nền bóng đá.
Mới đây, chính Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã không chấp nhận lời từ chức của ông Sao Sokha. "Kể từ khi ông Sao Sokha lên ngồi ghế Chủ tịch LĐBĐ Campuchia (FFC), bóng đá đất nước có những tiến bộ rõ rệt, giải vô địch quốc gia có chất lượng hẳn lên, thu hút nhiều chuyên gia, cầu thủ nước ngoài đến với Campuchia. Bóng đá quốc gia được cộng đồng quốc tế, FIFA hỗ trợ rất nhiều, có rất điều tiến bộ cả chiều rộng lẫn chiều sâu", Thủ tướng Hun Sen khẳng định, "Ông Sao Sokha không phải từ chức chỉ vì một trận thua, đằng sau đó bóng đá Campuchia có những nền tảng rất đáng khích lệ. Tôi không đồng ý ông Sao Sokha rời ghế chủ tịch FFC mà hãy tiếp tục làm và cống hiến cho bóng đá Campuchia".
Dĩ nhiên, ông Sao Sokha - người đang đeo quân hàm Đại tướng - không thể trái lệnh. Đúng là U22 Campuchia giờ đây còn rất ít cơ hội đi tiếp vào bán kết, song không thể đánh giá sự phát triển của cả một nền bóng đá qua một giải đấu. Thực tế là những người làm bóng đá Campuchia vẫn đang đi đúng hướng, dù kết quả chưa thực sự như ý. Nếu bỏ dở kế hoạch ấy, hoặc làm không đến nơi đến chốn thì quả thật hao phí công sức. Hãy bắt đầu từ những nỗ lực tối đa trên sân cỏ!
Tạm biệt Keisuke Honda
Bất luận thành quả ra sao tại SEA Games 32, HLV Keisuke Honda sẽ chính thức chia tay bóng đá Campuchia sau 5 năm gắn bó với tư cách HLV và Tổng giám đốc. Người được bổ nhiệm thay vào vị trí của cựu danh thủ Nhật Bản là HLV Felix Dalmas.
Đây không phải một gương mặt xa lạ gì với bóng đá Campuchia bởi thực tế, nhà cầm quân người Argentina từng dẫn dắt đội tuyển và U23 Campuchia từ năm 2018 đến 2020. Thời điểm ấy, dù là HLV trưởng cả 2 đội tuyển Campuchia, nhưng HLV Felix Dalmas luôn có sự tư vấn từ danh thủ Keisuke Honda, người làm nhiệm vụ là Giám đốc kỹ thuật cho Liên đoàn bóng đá nước này.
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất