(Thethaovanhoa.vn) - “Glory to Ukraine - Vinh quang cho Ukraine” là câu slogan được in trên áo, phía sau gáy, của các cầu thủ Ukraine dự EURO 2020. Trước ngực áo là hình bản đồ Ukraine. Đội bóng Đông Âu dường như muốn mượn bóng đá để truyền tải thông điệp chính trị.
Kết quả bóng đá EURO 2021:
* Nga 1-4 Đan Mạch (B)
* Phần Lan 0-2 Bỉ (B)
* Ukraine 0-1 Áo (C)
* Bắc Macedonia 0-3 Hà Lan (C)
Xem lịch thi đấu EURO 2021 TẠI ĐÂY.
Kết quả bóng đá EURO 2021 sẽ được cập nhật TẠI ĐÂY.
Xem bảng xếp hạng EURO mới nhất TẠI ĐÂY.
Còn một khẩu hiệu nữa, “Glory to Heroes - Vinh quang cho những anh hùng”, được in phía trên trong cổ áo. “Glory to Ukraine, Glory to Heroes” chính là câu khẩu hiệu quốc gia của Ukraine, nhưng đây là lần đầu tiên được gắn với đội tuyển bóng đá nước này.
Chính trị hay không chính trị?
Điều 4 Luật FIFA 2020-2021 ghi rõ: “Trang phục thi đấu không được phép có bất cứ hình ảnh, phát ngôn, khẩu hiệu nào liên quan đến chính trị, tôn giáo hay cá nhân nào”. Nghe thì có vẻ đơn giản, dễ hiểu dễ theo, nhưng không phải vậy.
Trên thực tế, mọi thứ đều là chính trị. Ví dụ như mặc niệm 1 phút trước trận đấu, quỳ gối để ủng hộ nhân quyền hay đeo huy hiệu để tưởng nhớ những anh hùng… đều là chính trị. Ngay cả khi ai đó không mặc niệm, không quỳ gối hay không đeo huy hiệu thì đó cũng là chính trị. Bản thân “chính trị” là khái niệm rất rộng lớn và chung chung, mà FIFA hay UEFA cũng không thể định nghĩa rạch ròi. Bởi vậy, họ đang gặp không ít rắc rối. Ở các giải đấu cấp ĐTQG, vấn đề càng trở nên nhạy cảm hơn.
Màu cờ, sắc áo. Hiển nhiên mọi màu sắc, hình ảnh, thông điệp được lựa chọn để đại diện quốc gia đều có ý nghĩa chính trị. FIFA hay UEFA không thể cấm Ukraine chọn mặc trang phục màu xanh-vàng trên quốc kỳ của họ, cũng như không thể cấm họ in hình vẽ mô phỏng bản đồ đất nước lên áo đấu (chỉ là mô phỏng, bởi nếu Ukraine có “cãi” đó chỉ là một hình vẽ bình thường thì cũng không ai bắt bẻ được). Vấn đề là ở tấm bản đồ này bao gồm cả Crimea, vùng đất tranh chấp đã sáp nhập vào Nga từ 2014, cũng như Donbas và Luhansk, những nơi đang có chiến tranh. Đó là một thông điệp khiêu khích, gây căng thẳng và bị quốc tế phản đối, nhưng lại không phải là vấn đề UEFA có quyền can thiệp.
Ông Andriy Pavelko, người đứng đầu LĐBĐ Ukraine, nhấn mạnh “Chúng tôi chỉ muốn tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ, bởi vì họ đang chiến đấu cho Ukraine”. Tất cả những gì UEFA có thể làm để xoa dịu tình hình chỉ là buộc Ukraine phải cắt bỏ vế sau của slogan, tức “Glory to Heroes”, chỉ để lại “Glory to Ukraine”, nhưng chẳng ích gì, khi Ukraine in vế này vào phía bên trong áo.
“Vinh quang cho Ukraine”
Bây giờ, đến bóng đá. Ukraine hiển nhiên khó mơ đến “vinh quang” thực sự như vô địch hay vào đến chung kết EURO 2020, nhưng họ chỉ cần đúng 1 điểm trước người Áo đêm nay để vượt qua vòng bảng, điều họ chưa từng làm được ở 2 lần tham dự trước đây. Ở EURO 2012, khi Ukraine là đồng chủ nhà cùng với Ba Lan, họ thắng Thụy Điển 2-1, với cú đúp của tiền đạo 36 tuổi Andriy Shevchenko (chính là HLV đang dẫn dắt đội tại giải năm nay), thua 2 trận còn lại. Ở EURO 2016, Ukraine thậm chí thua trắng cả 3 trận, thành tích kém nhất trong số 24 đội dự giải. Thế nên, việc qua vòng bảng chắc chắn có thể coi là vượt ngưỡng, một thành tích đáng để tự hào với thầy trò Shevchenko.
Vào lúc này, niềm tin đang rất lớn tại bản doanh của Ukraine. Có đôi chút băn khoăn về sự chùng xuống trong hiệp 2 trận thắng Bắc Macedonia 2-1, nhưng về tổng thể, Ukraine đã có màn trình diễn khá ấn tượng. Họ chỉ thua sát nút Hà Lan, trong trận đấu các cầu thủ áo vàng-xanh cho thấy tinh thần rất cao, và “đánh nhanh, diệt gọn” Bắc Macedonia bằng lối chơi tấn công mạnh mẽ. Trong tay Shevchenko có bộ đôi “Ya-Ya”, Yarmolenko và Yaremchuk, cặp tấn công hay nhất cho đến lúc này của EURO 2020. Mỗi người đã ghi 2 bàn và kiến tạo 1 bàn (cho nhau) ở 2 trận đã qua. Bộ đôi này đã cùng ghi bàn trận thứ 3 liên tiếp cho Ukraine và rất có thể họ chưa dừng lại, khi Áo là đối thủ vừa sức.
Ukraine và Áo mới chỉ từng 2 lần gặp nhau trong lịch sử, cách đây gần 10 năm trong quá trình chuẩn bị cho EURO 2012, và mỗi đội thắng 1 trận giao hữu. Không dễ cho thầy trò HLV Shevchenko, nhưng họ chỉ cần một trận hòa.
Người Áo không cầu hòa Áo đang đứng thứ 3 ở bảng C, cùng 3 điểm nhưng kém Ukraine về số bàn thắng ghi được. Nếu hòa Ukraine, họ sẽ có 4 điểm và có cơ hội trở thành 1 trong 4 đội thứ ba có thành tích tốt nhất vượt qua vòng bảng, nhưng Chủ tịch LĐBĐ Áo Leo Windtner khẳng định “Sẽ là sai lầm hoàn toàn nếu chúng tôi ra sân với suy nghĩ chỉ phấn đấu vì 1 điểm”. Người Áo không muốn gợi lại ký ức đáng xấu hổ ở World Cup 1982, khi đội tuyển nước này và Tây Đức bắt tay nhau để cùng vào vòng 2. Tây Đức cần thắng 1-0 để cả hai đội cùng đạt mục đích, nên sau khi Tây Đức mở tỉ số sớm theo đúng “kịch bản”, các cầu thủ hai bên chỉ đá qua đá lại cho đến hết giờ, tạo nên vụ bê bối được gọi là “Nỗi ô nhục Gijon”. |
Vĩnh Nguyên
Tags