Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Người thầy trong thể thao

Thứ Tư, 20/11/2024 06:05 GMT+7

Google News

Dùng chữ "Người thầy" khi nói về "những người đưa đò" trong thể thao có thể khiên cưỡng hoặc chưa toàn diện bởi vai trò của họ khó minh định. Có người không trực tiếp dạy, nhưng đóng góp rất lớn cho cả một thế hệ VĐV. Có người trực tiếp uốn nắn kỹ thuật cho VĐV trong từng buổi tập, nhưng chỉ tự nhận mình là HLV chuyên nghiệp đang làm công việc đang được trả công.

1. Trong lễ mừng công thăng hạng của đội bóng chuyền nữ TP.HCM được tổ chức cuối tháng trước, có sự góp mặt của ông Phạm Ngọc Sơn, người đang giữ chức Phó phòng quản lý TDTT của Sở VH-TT TP.HCM và là Phó Chủ tịch của LĐBĐ bóng chuyền TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2025. Dù chuyện lên hạng của các cô gái chân dài TP.HCM luôn đi kèm với nỗi lo làm sao để trụ được hạng vào năm sau, nhưng nếu có một người không quan tâm nhiều lắm đến việc đó, "cứ vui trước đã", thì chính là ông Sơn.

Ngay ở thời cực thịnh của bóng chuyền TP.HCM, với 3-4 đội nam hàng đầu, thống trị những chức vô địch quốc gia trong những năm 1990, thì thành phố vẫn không có nổi một đội bóng nữ, dù chỉ chơi ở hạng A1.

Ông Phạm Ngọc Sơn khi đó đang là Chủ nhiệm của Trung tâm TDTT Tân Bình, quản lý một nhà thi đấu được xem là điểm đến của hàng loạt giải bóng chuyền hàng đầu quốc gia. Một ngày đẹp trời, ông Sơn thành lập đội …bóng chuyền bãi biển Tân Bình và kiêm luôn HLV.

Cú đột phá đó chính thức đưa bóng chuyền nữ TP.HCM có tên trên bản đồ, nhưng là ở nội dung bãi biển. Thành công đến mức, chỉ là đội bóng cấp quận nhưng Tân Bình liên tiếp vô địch quốc gia, có năm dự giải đến 2-3 đội và là nòng cốt của đội tuyển nữ bãi biển Việt Nam lúc sơ khai đó.

Và đó cũng là tiền thân của đội bóng chuyền nữ TP.HCM bây giờ. Làm tốt nội dung bãi biển, khoảng những năm 2010, Tân Bình có đội nữ trong nhà, trầy trật hơn 7 năm mới được lên chơi tại giải cao nhất quốc gia rồi gần như xuống hạng ở mùa kế tiếp.

"Phong độ" ấy vẫn kéo dài đến tận bây giờ nên nếu nói TP.HCM không có bóng chuyền nữ cũng không sai. Nhưng với những người như ông Phạm Ngọc Sơn, điều đó không quan trọng bằng cuộc hành trình đi tìm sự thừa nhận trong 2 thập niên vừa qua. Bởi những hạt cát đầu tiên được vun đắp từ môn bãi biển rốt cục cũng không uổng phí.

2. Trong thể thao, câu chuyện về người Thầy, có rất nhiều khía cạnh và góc nhìn. Cũng tương tự như trong lĩnh vực giáo dục, để có một VĐV tài năng, phải bắt đầu từ những HLV ở các trung tâm huấn luyện năng khiếu, tương tự như cô thầy ở bậc tiểu học.

Họ thông thường cũng chính là những tuyển trạch viên, lặn lội đến từng xã, phường vùng sâu, xa để xem các giải đấu ít ai quan tâm nhất. Họ cũng là những người trực tiếp làm việc với phụ huynh, vận động để các em chọn lựa sự nghiệp quần đùi – áo số cùng những bấp bênh về tương lai và tuổi thanh xuân sẽ không giống như những người khác.

Người thầy trong thể thao  - Ảnh 1.

HLV Park Chae Soon (trái) của đội tuyển bắn cung Việt Nam chạm tay động viên cung thủ Lê Quốc Phong trước mỗi lượt bắn tại trường bắn Invalides (Pháp) ở Olympic Paris 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Ở góc độ nào đó, các HLV cấp cơ sở hay những Trung tâm đào tạo VĐV chuyên nghiệp, có vai trò còn hơn cả một người Thầy khi phải đảm nhiện công việc huấn luyện và theo dõi sự phát triển tính cách, văn hóa của những tài năng nhí khi phải sống xa gia đình. Và điều thú vị - hoặc bất hợp lý - ở chỗ những "người Thầy" này đôi khi không hề có tấm bằng HLV hay chứng chỉ liên quan đến sư phạm cho dù chính họ là những người định hình cho các em nhỏ ở cả 2 yếu tố: Một VĐV tài năng và một công dân tốt.

Thế nên, cũng có những HLV chỉ làm được công tác huấn luyện trẻ cho dù khi còn thi đấu, họ là những tài hoa ở vị trí thi đấu của mình. Trong thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam, những cái tên như Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh, Trần Minh Chiến …đều rất nổi tiếng và theo đuổi sự nghiệp huấn luyện bóng đá khi giải nghệ.

Họ từng được mời làm HLV tại V-League nhưng thất bại cũng đến nhanh chóng như Trần Công Minh, Trần Minh Chiến. Hoặc có người "chấp nhận" việc chỉ làm công tác đào tạo như "Anh trai chông gai" Hồng Sơn.

Trường hợp tiêu biểu nhất có lẽ là ông Hoàng Anh Tuấn, người năm nay đã 56 tuổi nhưng thời gian huấn luyện ở các CLB chuyên nghiệp chưa quá 7 năm, trong khi đã từng dẫn dắt các đội tuyển từ U15 đến U23 rất thành công. Cứ như thể, họ đã lỡ mang nghiệp của một "người Thầy", quen với việc tạo dựng ra những thế hệ tài năng…

3. Câu chuyện về chuyên gia người Australia, Joseph Donnelly của đội tuyển đua thuyền rowing Việt Nam cho chúng ta một góc nhìn khác về những "ông Thầy ngoại".

Từ một chuyến du lịch tại Hà Nội hồi năm 2010, vị chuyên gia có đam mê mãnh liệt với công việc phát triển môn đua thuyền này đã tự tìm đến với đội rowing Việt Nam. Mục đích của vị chuyên gia này là hỗ trợ miễn phí khi tận mắt nhìn thấy điều kiện khó khăn về mọi mặt của các VĐV. Nắm bắt tình hình xong, hằng năm, ông đều sang Việt Nam trong vài tháng để huấn luyện hay tìm cơ hội để đội tuyển được sang Australia tập huấn thông qua các mối quan hệ cá nhân.

Joseph Donnelly đã đồng hành cùng đội tuyển rowing Việt Nam "chinh chiến" tại nhiều đấu trường lớn trên thế giới. Từ khi có sự tham gia của ông, rowing Việt Nam được xem như môn trọng điểm, có thể giành huy chương tại Asiad cũng như các suất dự Olympic.

Nói về sự đóng góp của vị chuyên gia này, người ta ít nói đến những gì mà ông huấn luyện, mà chủ yếu là sự ấm áp về tinh thần mà Joseph Donnelly đem đến cho các VĐV Việt Nam ở một môn chơi ít phổ biến, lại có điều kiện tập luyện vô cùng gian khó.

Đó là một trong những điểm đặc biệt của các chuyên gia nước ngoài. Họ không chỉ mang đến thể thao Việt Nam (TTVN) những yếu tố liên quan đến kỹ, chiến thuật thi đấu hiện đại, mà quan trọng hơn, họ cung cấp một nguồn năng lượng tinh thần đầy khao khát để giúp các VĐV Việt Nam tự tin trên đấu trường quốc tế.

Những HLV ngoại thành công nhất với bóng đá Việt Nam như Henrique Calisto và Park Hang Seo chính là các ví dụ điển hình khác. Sự nghiệp cầm quân của ông Calisto trước khi sang Việt Nam rất mờ nhạt, nhưng chuyên gia này lại có chân trong Hội đồng HLV quốc gia Bồ Đào Nha và sở hữu bằng cấp về tâm lý thể thao.

Dấu ấn lớn nhất của ông trong thời gian làm việc ở Việt Nam đó chính là thay đổi hoàn toàn khía cạnh tâm lý trong thi đấu ở đội Đồng Tâm Long An và đội tuyển Việt Nam. Thời điểm đó, TTVN chưa có khái niệm gì về việc phải chuẩn bị tâm lý cho VĐV.

Với HLV Park Hang Seo cũng vậy. Cầu thủ Việt Nam xem ông như một "ông bố Hàn Quốc" vì những tình cảm chân thành mà chuyên gia này dành cho họ những lúc không thi đấu.


Thể thao đỉnh cao là câu chuyện về thành tích và chiến thắng. Nhưng có một đời sống khác của phía sau những thành công mà thiếu nó, sẽ không thể có những phút giây vinh quang.

Ở đó, có những dấu ấn đậm nét của những "người Thầy thể thao" cho dù họ có thể không phải là những HLV có bằng cấp thật cao, hoặc cũng có thể họ không có một ngày trực tiếp chỉ đạo các học trò mình thi đấu để giành vinh quang.

Họ chỉ ở đó, đằng sau sự nghiệp của các VĐV như một sự thầm lặng không thể thiếu…

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›