(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu nước nhà, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc mang đến cho khán giả cảm nhận về một người nghệ sỹ say mê với nghề, đắm đuối hết mình trong từng vai diễn, như thể bà sinh ra là để cho sân khấu vậy.
* Cháy hết mình trong từng vai diễn
Tôi gặp Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc lần đầu cách đây hơn 3 năm. Khi ấy, bà đang miệt mài tập luyện vở "Người đẹp khách sạn", chuẩn bị tham gia Liên hoan quốc tế kịch độc diễn tại Bănglađét. Trong vở kịch đó, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc một mình đảm nhiệm tới… 6 vai: Bà chủ khách sạn, ông đại tá, thi sỹ, thương nhân, người hầu, đệ tử khách sạn. Lúc đó, khán giả đặc biệt ấn tượng với cách bà hóa thân vào từng nhân vật. Dù ở vai nào, bà cũng thể hiện rất tốt thần thái, cảm xúc nội tâm của nhân vật.
Dường như Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc sinh ra để làm sân khấu, sống vì sân khấu. Trong vở "Thị Nở, Chí Phèo", bà đảm nhiệm hai vai, Thị Nở và bà ba Bá Kiến, hai người phụ nữ tác động đến cuộc đời của Chí Phèo theo hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Ở đó, khán giả bắt gặp một Thị Nở xấu đến "ma chê quỷ hờn" nhưng ngây ngô, tốt bụng. Trong một phân cảnh khác, bà lại hóa thân thành bà vợ Ba xinh đẹp nhưng đong đưa của Bá Kiến. Hai nhân vật khác biệt hoàn toàn về ngoại hình lẫn tính cách nhưng lại được bà thể hiện rất thành công.
Khi xem "Ngũ biến", khán giả lại thấy Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc "biến hóa" nhịp nhàng, tinh tế trong vai 5 nhân vật thần thánh, với những phong cách hoàn toàn khác nhau. Khi là ông Hoàng Mười oai phong, lấy quạt làm sách, lấy bút làm trâm, vừa đi vừa ngâm thơ; khi hóa thân trong giá quan Đệ ngũ Tuần Tranh lại oai phong một cõi, lẫm liệt tung hoành múa thanh long đao; trong giá chầu Đệ Nhị Mẫu với quyền lực cai quản thượng ngàn và các bộ chúng sơn lâm sơn trang; khi là Cô Bé nhí nhảnh, tinh nghịch; khi là Cô Bơ xinh đẹp, tốt bụng đi giúp đỡ dân lành…
Có thể nói, mỗi khi xem Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc diễn, người xem dễ dàng bị cuốn theo từng nhân vật bà đảm nhiệm. Khán giả yêu sân khấu kịch có lẽ không thể quên nhân vật bà Thêm - một phụ nữ ít học, tham lam trong "Chia tay hoàng hôn", hay một bà Xuyến có tri thức nhưng mưu mô xảo quyệt trong "Bến mê". Rồi khán giả lại ngỡ ngàng khi thấy nghệ sỹ Lệ Ngọc nhập vai bà già quê mùa, chất phác một cách nhuần nhuyễn trong vở "Trăng soi sân nhỏ", hay một phụ nữ Hà thành thanh lịch, cam chịu, giàu vị tha và đức hy sinh trong "Lâu đài cát"…
Hơn 40 năm trên sân khấu kịch, nghệ sỹ Lệ Ngọc đã đóng hàng trăm vai khác nhau. Để thử thách và khẳng định mình, Lệ Ngọc không "đóng khung" trong một loại vai diễn, mỗi vở diễn bà đảm nhiệm những nhân vật khác nhau, tính cách khác nhau. Dù là vai chính hay vai phụ, dù hài kịch hay bi kịch, dù đóng trẻ em đánh giày hay bà lão, vai cô tiểu thư dịu dàng cho đến một mụ vợ quan tham lam, nghiệt ngã…, nghệ sỹ Lệ Ngọc luôn diễn bằng cả tâm hồn, với kỹ thuật diễn xuất tài tình, điêu luyện đến tự nhiên. Khi xem Lệ Ngọc diễn, khán giả luôn cảm thấy một nghệ sỹ đang "cháy" hết mình trong từng nhân vật, đắm đuối trong từng vai diễn, cứ như thể đó là cuộc sống tự nhiên, là cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ, để làm được điều đó, đầu tiên là mình phải có tình yêu và đam mê với nghệ thuật sân khấu. Chỉ có đam mê, bà mới có thể một ngày 3 buổi lên sàn tập đến quên ăn quên ngủ. Cũng chỉ có đam mê, mỗi khi nhận vai diễn, bà đọc, rồi học thuộc kịch bản, sau đó thu âm, rồi nghe đi nghe lại nhiều lần xem đã được chưa, rồi mới luyện tập các tư thế, động tác, biểu cảm… Cũng vì đam mê, đến nay, dù đã nghỉ hưu, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc vẫn gắn bó với sân khấu, bà đầu tư xây dựng một sân khấu tư nhân - Sân khấu Lệ Ngọc.
* Duyên nghiệp với nghề
Nói về cái duyên đến với sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc kể, bà được tiếp xúc với sân khấu từ vở diễn "Một thời để yêu". Vở diễn này được cha của bà, nhà giáo, nhà văn Việt Hoài viết cho Nhà hát Cải lương Hà Nội. Bà xem rồi "mê" sân khấu luôn từ đó. Cũng vì niềm đam mê ấy, sau này, dù gia đình không đồng tình, bà vẫn quyết tâm thi tuyển vào lớp diễn viên kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam khóa 1978-1982. Để rồi, bà gắn bó với Nhà hát suốt mấy chục năm, kể cả những lúc sân khấu Việt khó khăn, thăng trầm nhất.
Khán giả, đồng nghiệp biết đến Lệ Ngọc từ những thành công của bà qua các vở diễn, qua các giải thưởng danh giá trong nước và khu vực. Nhưng ít ai biết được, để có được điều đó, bà đã phải trải qua biết bao khó khăn, nhọc nhằn. Nghệ sỹ Lệ Ngọc kể, sinh con được vài tháng, bà đã phải mang theo con nhỏ cùng đoàn đi lưu diễn từ Bắc đến Nam. Khi đó, con nằm trong nôi bên cạnh cánh gà, đến lượt bà ra sân khấu diễn, xong rồi lại chạy vào tranh thủ cho con bú. Có khi con ốm, bà phải bỏ cả chuyến lưu diễn để đưa con về điều trị… Khó khăn là thế, nhưng bà chưa bao giờ muốn rời xa sân khấu. Sân khấu như cái nghiệp gắn với đời bà, dứt không được.
Khoảng những năm 2004 -2005, thời kỳ sân khấu Việt hầu như không có vở diễn mới, không có khán giả. Khi đó, là Trưởng Đoàn biểu diễn 2 của Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sỹ Lệ Ngọc đã cùng với lãnh đạo Nhà hát đôn đáo chạy khắp nơi, gõ các cửa, thuyết phục mời các đạo diễn giỏi như Xuân Huyền, Lê Hùng… dựng vở, xây dựng kịch mục, nhờ người có kinh nghiệm làm truyền thông, tuyên truyền để lôi kéo khán giả đến rạp. Dần dần, những nỗ lực của bà cùng lãnh đạo và các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam đã được đền đáp, khán giả bắt đầu quay lại với sân khấu.
Năm 2015, đến tuổi về hưu, nhưng tình yêu với sân khấu và khao khát được diễn, được cống hiến cho nghệ thuật, bà đứng ra thành lập Sân khấu Lệ Ngọc, trực thuộc Hiệp hội Văn hóa doanh nhân Việt Nam. Để tìm hướng đi cho sân khấu kịch của mình, nghệ sỹ Lệ Ngọc hướng vào dòng sân khấu dân gian và bà đã thành công. Hàng chục vở diễn đã được dựng như "Cải lão hoàn đồng", "Kim Tử", "Tấm Cám", "Thị Nở, Chí Phèo", "Cây tre thần"… Trong đó, vở "Tấm Cám" đạt kỷ lục với gần 60 buổi biểu diễn liên tục. Vở "Thị Nở, Chí Phèo" cũng đạt 30 đêm diễn liên tục. Sau đó, đoàn kịch của bà được mời sang Pháp, Italia biểu diễn. Trong vòng 19 ngày, đoàn diễn 6 buổi ở hai nước, ở đâu cũng được khán giả nhiệt tình đón nhận.
Cuối tháng 2/2020, Sân khấu Lệ Ngọc cho ra mắt vở kịch dân gian Cây tre thần. Dù mới ra mắt khoảng chục ngày, "Cây tre thần" đã có 6 đêm diễn và được khán giả đón nhân. Đêm diễn gần nhất diễn ra tối 7/3 tại rạp Đại Nam, phố Huế, Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Với những nỗ lực, cống hiến cho nghệ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Liên tiếp các năm 2013, 2014, 2015, 2016, bà đã giành giải diễn viên xuất sắc tại các Cuộc thi Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc, Giải thưởng "Hoa dâm bụt" cho nữ diễn viên xuất sắc của Liên hoan sân khấu ASEAN - Trung Quốc. Gần đây nhất, năm 2019, tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 7, sân khấu kịch Lệ Ngọc giành hai giải thưởng "Hoa dâm bụt" - Giải thưởng xuất sắc nhất của Liên hoan, tương đương giải Vàng cho hai tác phẩm Huyền thoại Gò rồng ấp và Tấm Cám.
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ, những thành công bà có được hôm nay, ngoài tình yêu, đam mê với nghề, còn nhờ công rất lớn của người bạn đời, người đã luôn thấu hiểu, chia sẻ với bà. Chồng bà - nghệ sỹ Văn Hải từng là thế hệ diễn viên ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Cả hai vợ chồng đều mê sân khấu. Nhưng ở thời điểm sân khấu Việt thăng trầm, cuộc sống khó khăn, dù rất yêu nghề nhưng nghệ sỹ Văn Hải phải "dứt áo" rời xa ánh đèn sân khấu về kinh doanh, lo kinh tế cho gia đình và "nuôi" giấc mơ với sân khấu của vợ. Có lẽ, đó là cũng là lý do khiến cho nghệ sỹ Lệ Ngọc ngày càng đắm đuối với nghề hơn, bởi bà phải "yêu hộ" cả tình yêu của chồng mình với sân khấu.
- Khởi công vở 'Huyền thoại Gò Rồng Ấp': NSND Lệ Ngọc 'đổi vai' để thử thách mình
- NSND Lệ Ngọc nhận Kỷ niệm chương tại Liên hoan quốc tế kịch độc diễn
* Giấc mơ đưa sân khấu Việt ra thế giới
Từng đi nhiều nước, học hỏi được nhiều điều, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc nhận ra rằng, khán giả nước ngoài rất thích xem dòng kịch dân gian của Việt Nam, nếu biết cách khai thác kho tàng dân gian của mình và đưa lên sân khấu, chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm sân khấu Việt được bạn bè quốc tế đón nhận.
Mơ ước và khát khao của Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc là mang sân khấu Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế. Có thể nói, trước đây, ngoài một số loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, như: rối nước, xiếc…, sân khấu kịch Việt Nam nếu ra thế giới cũng là tham dự một vài liên hoan sân khấu khu vực, chứ hầu như chưa được đi lưu diễn ở nước ngoài. Trong khi đó, những năm gần đây, sân khấu Lệ Ngọc là một trong những sân khấu kịch hiếm hoi được mời đi lưu diễn ở nước ngoài và nhận được sự ủng hộ của khán giả.
Năm 2019, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc đưa "quân" đi diễn ở 10 nước khác nhau, trong đó có Pháp, Italia, Trung Quốc,… Sau "Thị Nở, Chí Phèo" được mời sang biểu diễn ở Pháp, Italia, tới đây, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc sẽ tiếp tục đưa sân khấu Việt đi giới thiệu với bạn bè quốc tế. "Tôi mong muốn được giới thiệu văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua những vở diễn của mình. Điều đáng mừng là những buổi diễn đã được khán giả quốc tế đón nhận và tôn vinh", Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ.
Theo kế hoạch, năm 2020, bà sẽ tiếp tục đi lưu diễn ở nước ngoài. Ngay trong tháng 3/2020, Sân khấu Lệ Ngọc đã có hợp đồng lưu diễn ở một số nước châu Âu, châu Á, nhưng do dịch bệnh, chương trình lưu diễn đã phải tạm hoãn. "Hiện Butan đang mời đoàn sang diễn. Qua tìm hiểu, thấy Butan là nước đang khá an toàn trước dịch bệnh nên đang lên kế hoạch để đưa đoàn sang", Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc nói.
Chia sẻ kinh nghiệm "mang chuông đi đánh xứ người", Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc cho biết, khó nhất là cách biệt về ngôn ngữ. Chính vì vậy, ngoài việc in catalo, làm phụ đề để khán giả nước ngoài có thể hiểu về về vở diễn, bà còn yêu cầu các diễn viên luyện tập diễn tốt từng động tác, cử chỉ, cách bộc lộ cảm xúc trong quá trình diễn, để khán giả dù không biết tiếng, vẫn có thể đoán và hiểu được phần nào câu chuyện. Cách làm này đã phần nào bù đắp được "khoảng trống" do cách biệt về ngôn ngữ trong quá trình diễn, khiến khán giả nước ngoài thích thú.
Nói về nghệ thuật sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc tự nhận mình là người tham lam. Bà tâm sự, giờ tuổi nhiều rồi, không còn nhiều thời gian nữa. Chính vì vậy, bà dành toàn bộ tâm sức của mình cho nghệ thuật. Hễ có cơ hội, có thời gian, bà lại lao vào tìm kịch bản, tìm đạo diễn, chọn diễn viên rồi tập... "Với tôi, sân khấu luôn là đam mê cháy bỏng. Tôi sẽ sống hết mình với đam mê, đốt đến năng lượng cuối cùng cho sân khấu", Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ.
Phương Lan - TTXVN
Tags