“Du mục kỹ thuật số” (Digital Nomad) là xu hướng mới nổi vài năm gần đây và nhiều địa phương của Nhật Bản đang đẩy mạnh đón bắt trào lưu này từ những người nước ngoài có sở thích vừa du lịch vừa làm việc dài ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tháng 4 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho quy chế lưu trú mới đối với những người nước ngoài đăng ký loại hình “du mục kỹ thuật số”, như một trong những biện pháp thúc đẩy du lịch trong nước.
Việc lưu trú dài hạn của người có thu nhập cao được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự thay đổi tư duy làm du lịch trong nước “từ số lượng sang chất lượng”, chú trọng hơn đến mức chi tiêu của mỗi người hơn là số lượng du khách đến Nhật Bản hằng năm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương ngoài các trung tâm đô thị lớn.
Không gian làm việc chung “The Deck” tại thành phố Osaka hằng ngày tiếp đón nhiều người nước ngoài bên cạnh những người Nhật đang làm việc theo hình thức online tại đây. Theo “The Deck”, số lượng người nước ngoài đến Nhật Bản bằng thị thực du lịch và đăng ký thành viên đã tăng dần cùng với sự phục hồi du lịch trong nước, trong đó riêng tháng 4 là 30 người. Điều này xuất phát từ việc Nhật Bản cuối cùng đã mở cửa cho phép người nước ngoài xin thị thực du lịch có thể ở lại Nhật Bản trong vòng 6 tháng với các điều kiện như có thu nhập hàng năm trên 10 triệu yen (khoảng hơn 60.000 USD), có quốc tịch thuộc khoảng 50 quốc gia/vùng lãnh thổ mà Nhật Bản miễn thị thực và đăng ký mua bảo hiểm y tế cá nhân.
Sự lan rộng của hình thức làm việc từ xa kể từ sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy trào lưu “du mục kỹ thuật số” của những người muốn đi du lịch và làm việc mà không bị ràng buộc bởi hạn chế về địa lý. Đây cũng được xem là “mảnh đất màu mỡ” của ngành du lịch bất kỳ quốc gia nào. Theo khảo sát của trang thông tin du lịch Mỹ A Brother Abroad, số lượng khách vừa du lịch vừa làm việc có thể đạt mức 1 tỷ người vào năm 2035.
Để thúc đẩy việc nắm bắt cơ hội từ trào lưu này, các cơ quan chính phủ và địa phương của Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy giới thiệu về các dự án mới cho người “du mục kỹ thuật số”. Hiệp hội Du mục kỹ thuật số Nhật Bản, trụ sở ở thị trấn Mitane, tỉnh Akita, đã bắt đầu đào tạo các nhà quản lý cộng đồng phù hợp với điều kiện gia tăng số lượng “du mục kỹ thuật số”.
Trong khi đó, cuối năm 2023, tỉnh Fukuoka đã tổ chức chương trình riêng nhằm thu hút những người “du mục kỹ thuật số” kéo dài một tháng đối với 50 người đến từ 24 quốc gia/vùng lãnh thổ. Chương trình này giúp nắm bắt nhu cầu thực tế về du lịch và làm việc, năng lực chi tiêu của dân “du mục kỹ thuật số”… thông qua các hoạt động giao lưu tại không gian làm việc chung hoặc các chuyến thăm quan nhà máy sản xuất rượu truyền thống, tham quan danh làm thắng cảnh địa phương. Theo thống kê của cơ quan du lịch tỉnh Fukuoka, trung bình mức chi tiêu của mỗi người trong vòng một tháng lưu trú tại Nhật Bản là 500.000 yen (hơn 3.000 USD).
Theo Giáo sư Atsushi Tanaka, chuyên gia về “du mục kỹ thuật số” đến từ Đại học Yamanashi, không chỉ nằm ở khía cạnh tài chính mà kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của họ sẽ có những đóng góp tích cực cho các địa phương của Nhật Bản nếu biết tận dụng hiệu quả vào việc tham khảo giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội.
Tuy Nhật Bản có được nền tảng rất tốt từ số lượng lớn khách du lịch nước ngoài hàng năm nhưng “du mục kỹ thuật số” có những đặc thù riêng như cách thức sử dụng thời gian hay thường chọn lối sống tối giản.
Theo Nomad List, cổng thông tin phổ biến dành cho những người “du mục kỹ thuật số” trên khắp thế giới, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang được xếp hạng khá cao nhưng vẫn sẽ phải cạnh tranh với nhiều thành phố khác trên thế giới như đảo Madera của Bồ Đào Nha hay thị trấn Bansko của Bulgaria. Vì thế, để theo kịp với trào lưu “du mục kỹ thuật số”, Nhật Bản sẽ phải có những điều chỉnh nhất định, bao gồm thay đổi tư duy làm du lịch truyền thống cũng như tuyên truyền để nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo người dân.
Tags