(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện một nhân viên chăm sóc trẻ đã bị cấp trên “quở trách” vì mang thai trước khi “đến lượt” đã khiến dư luận bức xúc vì mức độ khắt khe trong các công ty ở Nhật Bản.
Vụ việc, được phát hiện khi chồng của một phụ nữ giấu tên đã viết một bức thư gửi báo Nhật Mainichi Shimbun, chỉ là một phần trong thông lệ phổ biến tại một số công ty Nhật Bản, khi mà các công ty buộc nhân viên nữ phải làm theo “thời khóa biểu mang thai”, hoặc không sẽ bị sếp trách phạt hoặc cho thôi việc.
Theo lời kể của người chồng, người phụ nữ cảm thấy “buồn bã và lo âu” sau khi phát hiện ra mình mang thai. Vì giám đốc tại trung tâm chăm sóc trẻ nơi cô làm việc trước đó đã quyết định thứ tự khi nào mà các nhân viên cưới hoặc mang bầu, và rõ ràng có một luật bất thành văn, đó là một nhân viên không thể đến lượt “mang thai” trước cấp trên của mình.
Cặp vợ chồng này đã phải tới công ty người vợ ở tỉnh Aichi để xin lỗi vì “mang bầu”. Giám đốc trung tâm miễn cưỡng chấp nhận lời xin lỗi của cặp vợ chồng song người này cũng đã có những từ ngữ xúc phạm tới nhân viên nữ đang mang thai, khi hỏi “Tại sao cô lại ích kỷ phá luật như vậy”.
Câu chuyện của đôi vợ chồng trên phần nào đã cho thấy thực trạng khốc liệt về “thời khóa biểu sinh sản” trong xã hội Nhật Bản hiện nay. Ngay khi bài viết được đăng tải, báo Mainichi Shimbum đã nhận được vô số lời bình luận từ độc giả bức xúc.
Một người phụ nữ khác, 26 tuổi đang làm việc trong ngành mỹ phẩm, than vãn với tờ Mainichi Shimbum rằng những người cấp trên nữ giới của cô từng nói, cô phải đợi đến 35 tuổi mới được sinh con.
Một thời gian biểu về việc sinh đẻ của cô và 22 nhân viên khác được phát xuống, kèm theo lời cảnh báo “công việc sẽ dồn ứ lại nếu như 4 hay hơn số đó nghỉ cùng lúc để sinh con. Hành vi ích kỷ sẽ phải nhận hình phạt”.
Người phụ nữ này giải thích: “Tôi đã gặp rắc rối khi mình mang thai. Sao họ có thể chịu trách nhiệm nếu như tôi trì hoãn việc mang thai và đánh mất cơ hội có con của mình”.
Phụ nữ Nhật Bản có thể phải chịu đựng điều kiện làm việc cực kỳ khắc nghiệt thái độ phân biệt đối xử theo giới tính. Đặc biệt, những nhân viên chăm sóc trẻ em thường xuyên phải làm việc tăng ca mà không được trả lương. Theo con số thống kê của Bộ Lao động và Xã hội Nhật Bản, một công nhân trung bình nhận được 229.000 yên/tháng (48,9 triệu đồng), thấp hơn 104.000 yên so với mức lương trung bình tính theo đầu người.
Theo Bảo Hà/Báo Tin tức
Tags