Lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Nhật Bản lọt vào vòng 1/8 hai kỳ World Cup liên tiếp, với dấu ấn đậm nét mà HLV trưởng Hajime Moriyasu thể hiện.
Thành tích của Nhật Bản ở Qatar là cuộc trả thù của Moriyasu với quá khứ và ông muốn cùng Nhật Bản tiếp tục kỳ tích khác.
Hiện tại và quá khứ của Moriyasu
"Doha là nơi từng khiến tôi thất vọng và buồn bã, nhưng chưa bao giờ tôi có khái niệm trả thù", Hajime Moriyasu từng nói chuyện với báo chí quốc tế khi những thành tích hiện tại được liên kết với quá khứ. Moriyasu và những thế hệ cầu thủ Nhật Bản cùng thời ông, cũng như người hâm mộ bóng đá lớn tuổi ở đất nước mặt trời mọc, đều không thể thoát khỏi quá khứ, đặc biệt là khi họ tham gia World Cup 2022 tại Qatar.
Moriyasu, cựu tiền vệ có 35 trận quốc tế với Nhật Bản, trải qua một trong những trang đau thương nhất, nếu không muốn nói là đau đớn nhất, khi còn là cầu thủ. Chuyện xảy ra ở Qatar, và cũng vào dịp cuối năm và có liên quan đến một kỳ World Cup khác, vào ngày 28/10/1993. Cho đến lúc đó, Nhật Bản chưa bao giờ lọt vào VCK giải vô địch thế giới. Để được đến USA 1994, họ cần đánh bại Iraq trong trận cuối vòng loại. 6 đội tuyển bước vào vòng loại cuối khu vực châu Á đá vòng tròn tính điểm, chỉ có Triều Tiên bị loại sau 4 lượt trận.
Nhật Bản tiến gần đến tấm vé đi Mỹ, khi phút 90 họ đang dẫn Iraq 2-1. Nếu giữ nguyên kết quả, "Samurai Xanh" không cần quan tâm đến các đối thủ khác đá như thế nào. Ở phút bù giờ, Jaffar Omran đánh đầu gỡ hòa 2-2 cho Iraq dẫn đến sự sụp đổ của Nhật Bản. Moriyasu đảm nhận vai trò tiền vệ trung tâm khi ấy và đồng đội của ông, huyền thoại Kazuyoshi Miura (mở tỷ số trận đấu), hiện vẫn còn thi đấu chuyên nghiệp.
Bàn thắng của Omran không cứu được Iraq, nhưng đánh gục Nhật Bản và trao vé đi Mỹ cho Hàn Quốc. Cùng 6 điểm như Hàn (ngày ấy còn tính 2 điểm cho mỗi chiến thắng), nhưng Nhật kém hiệu số. "Thảm kịch Doha" hay "Nỗi thống khổ Doha" là cách người Nhật nói về việc bỏ lỡ cơ hội lần đầu tiên dự World Cup. Phản ứng trước nỗi đau của đối thủ, Hàn Quốc, đội xếp nhì bảng sau Saudi Arabia, gọi chiến thắng là "Kỳ tích Doha".
Moriyasu giã từ sự nghiệp quốc tế năm 1996 và không được góp mặt trong lần đầu tiên Nhật Bản bước ra sân khấu World Cup ở Pháp sau đó hai năm. Trên cương vị HLV, khi đưa Nhật đến Qatar, những ký ức buồn ùa về với Moriyasu. Đặc biệt, sau khi thua Costa Rica ở lượt trận thứ hai, quá khứ càng ám ảnh vị thuyền trưởng 54 tuổi. Lượt cuối, Nhật gặp Tây Ban Nha và rất ít ai tin vào kỳ tích. Trong một trận tuyệt vời về chiến thuật và dùng người, Hajime đã chiến thắng quá khứ khi đội tuyển của ông hạ gục Tây Ban Nha.
Mơ về kỳ tích mới
Trong những thập kỷ qua, người hâm mộ Nhật Bản quen với các chiến thắng kỳ diệu trong bộ truyện tranh nổi tiếng Tsubasa. Câu chuyện ấy vừa xuất hiện ngoài đời thực tại Qatar. Thầy trò Moriyasu đánh bại hai gã khổng lồ Đức và Tây Ban Nha - những nhà vô địch 2 trong 3 kỳ World Cup gần nhất - để lần thứ hai liên tiếp lọt vào vòng 1/8. Kể từ khi đến Pháp năm 1998, Nhật Bản luôn đại diện cho châu Á ở ngày hội bóng đá thế giới, nhưng chưa bao giờ vượt qua vòng bảng hai mùa liên tiếp.
Moriyasu đã giúp Nhật Bản làm điều kỳ diệu. Thắng cả Đức và Tây Ban Nha ở cùng một bảng đấu không phải điều dễ dàng chút nào. Nhưng Hajime chưa có ý định dừng lại. Bây giờ, ông đặt ra cho mình thách thức mới: Cùng Nhật Bản thi đấu trận thứ 5 ở một kỳ World Cup. Trong 3 lần vượt qua vòng bảng trước đây, họ đều dừng bước ở vòng 1/8. Tại Nga cách nay hơn 4 năm, họ thua Bỉ 2-3 với pha thủng lưới phút 94.
Chỉ riêng với việc đánh bại Đức và Tây Ban Nha, Moriyasu đã được Nhật Bản đề nghị gia hạn hợp đồng (hợp đồng hiện tại kết thúc ngày 31/12). Vào vòng 1/8 với chiến thuật rất hay và khả năng thay người ấn tượng, Moriyasu đã được xem là người hùng của Nhật Bản. Trước khi bản hợp đồng mới, ông muốn tạo kỳ tích khác cho "Samurai Xanh" và chính bản thân mình: Lọt vào tứ kết World Cup. Sau những gì vừa thể hiện ở vòng bảng, cùng đội hình chất lượng với 8 cầu thủ đang chơi bóng tại Đức, Moriyasu có niềm tin sẽ đánh bại Croatia – nhà á quân mùa hè 2018.
Ngọc Linh
Tags