Hai cuốn sách mới, My Friend Anne Frank (vừa xuất bản hôm 6/6) và The Last Secret of the Secret Annex (ra mắt vào ngày 16/5), đã làm sáng tỏ về những những mối quan hệ thân thiết quanh cô bé Anne Frank nổi tiếng.
Không chỉ vậy, sách còn chỉ ra những chấn thương tâm lý không thể xóa nhòa của những người sống sót và ảnh hưởng đau đớn lên những thế hệ sau.
Lần cuối gặp Anne Frank
Tám mươi năm trôi qua sau những sự kiện khủng khiếp: Chiếc xe dừng lại bên con kênh, 4 người đàn ông bước vào hành lang, 1 trong số đó cầm súng, gào lên bằng tiếng Đức: "Lũ Do Thái đâu?". Và thật dễ để người ta quên rằng câu chuyện của Anne Frank không chỉ gắn với bi kịch gia đình và thời đại mà còn là chuyện về 1 cô gái trẻ mảnh mai, cương nghị - nạn nhân cho sự tàn bạo của thảm họa diệt chủng Do Thái Holocaust. Không chỉ Anne, mà cả chị gái Margot và mẹ Edith của cô cũng chết ở Bergen-Belsen vào đầu năm 1945. Cha cô, Otto Frank, là người duy nhất sống sót sau đó.
Hai góc nhìn mới trong câu chuyện về Anne đi sâu vào sự tàn phá các gia đình của Đức Quốc xã, với 1 góc nhìn vô tình chứng minh một sự thật: Đối với những người sống sót, gia đình họ có thể chính là nơi chứa đựng nỗi đau kéo dài cho thế hệ tiếp theo.
Hannah Pick - Goslar, cố tác giả của cuốn My Friend Anne Frank, là con gái 1 chính trị gia người Đức gốc Do Thái đã trốn chạy khỏi Berlin vào năm 1933. Lúc 5 tuổi, bà gặp Anne Frank lần đầu tiên tại trường mẫu giáo Montessori ở Amsterdam. Đó là một buổi sáng năm 1934. Mặc dù Hannah tính dè dặt còn Anne "thích là trung tâm của sự chú ý", các cô gái nhanh chóng trở thành bạn thân.
Khi Đức Quốc xã xâm lăng châu Âu cuối thập niên 1930, sự hủy hoại tàn bạo nhân phẩm và cuộc sống của người Do Thái bắt đầu. Một ngày tháng 7/1942, Hannah (được gọi là "Hanneli" trong nhật ký của Anne) bấm chuông căn hộ nhà Frank, thì được thông báo rằng gia đình họ đã đột ngột rời tới Thụy Sĩ. Một trong những điểm mạnh của tác giả là bà có ký ức rất rõ ràng về những thời khắc như vậy".
Một điều nữa, bà sẵn sàng hồi tưởng lại từng chi tiết tương đồng trong bi kịch của chính mình: gia đình bà bị đi đày vào năm 1943, lần đầu tới trại trung chuyển Westerbork, sau đó là Bergen-Belsen; cái chết của cả cha mẹ và ông bà mình; cuộc trốn thoát trên một chuyến xe lửa. Đồng tác giả Dina Kraft xứng đáng được ghi nhận khi truyền tải câu chuyện hoàn thiện và giàu cảm xúc như vậy. Trong cuốn sách, có lẽ không khi nào xót xa hơn cảnh Hannah gặp lại Anne tại trại Bergen-Belsen, ở phía bên kia rào trại:
"Lúc ấy, cả hai chúng tôi đều khóc nức nở. Hai cô gái khiếp sợ dưới trời đêm đẫm mưa, bị ngăn cách bởi hàng rào rơm và dây thép gai. Sao cuộc đời lại đi tới lúc này?
"Mình đói quá. Bạn có đồ ăn không? Có thể mang cho mình một chút không?" - Anne hỏi.
"Ừ, mình sẽ thử" - tôi nói, tự hỏi ngay lúc nói ra những lời này rằng phải làm thế nào đây?".
Hannah đã kiếm được cho bạn một chút đồ ăn. Họ trò chuyện trong 2 đêm liên tiếp, trước khi phần trại của Anne đột ngột bị dọn sạch và cô biến mất. (Cô và chị gái Margot chết vì sốt phát ban ngay sau đó, có lẽ là vào tháng 2/1945).
Nỗi đau của một gia đình
Cuốn sách của Joop van Wijk-Voskuijl và Jeroen De Bruyn The Last Secret of the Secret Anne cũng kể câu chuyện về người sống sót, là mẹ của tác giả Joop, bà Bep Voskuijl ("Elli Vossen" trong cuốn nhật ký của Anne). Bà Bep khi đó 23 tuổi, là thư ký của công ty Opekta, nơi có văn phòng là "khu nhà phụ bí ẩn" mà Anne ẩn náu. Cha bà, Johan, chính là người đóng chiếc tủ sách che lối vào khu ẩn náu. Trong 2 năm, bà là người tiếp tế thực phẩm và nhu yếu phẩm cho nhà Frank.
Bà đã hình thành tình bạn thân thiết với cô gái trẻ Anne và có mặt tại đây khi Gestapo (cơ quan mật vụ của Đức Quốc xã) ập tới. "Tôi không thể, không thể miêu tả được. Nó quá kinh khủng" - bà nói trong 1 lần phỏng vấn vào thập niên 1950 - "Tôi đã cầu nguyện và cầu nguyện, khóc, quỳ gối, chỉ ước 1 điều: Xin mọi thứ hãy qua đi nhanh chóng".
Với Bep, mọi chuyện không bao giờ qua đi. Khiêm tốn, bà không bao giờ nói về những điều mình đã làm cho nhà Frank (lần phỏng vấn trên là ngoại lệ). Trong gia đình Voskuijl, câu chuyện cũng không được nhắc tới. Bep từng cố tự tử 1 lần. Tất cả là bởi 1 số người, trong đó có Bep, bị nghi là cùng người em Nelly, đã phản bội gia đình Frank và báo cho Đức Quốc xã.
Việc các nhà xuất bản gọi cuốn sách của con trai Bep là "chuyện chưa kể" thật ra không đúng. Các tác giả từng xuất bản 1 cuốn tiểu sử về Bep - gọi là The Untold Story - vào năm 2015, trong đó Nelly Voskuijl bị chỉ đích danh là kẻ phản bội. Tuy nhiên, ở cuốn sách mới, con trai của Bep vẫn không thể buộc tội người dì quá cố, dù đưa ra những bằng chứng gián tiếp như thái độ bài Do Thái của dì (bà ta hét vào mặt Bep: "Đi với lũ Do Thái của chị đi!"), rằng giọng gọi tới Gestapo "thuộc về 1 phụ nữ trẻ", và rằng Bep, không giống như các nhân viên khác của Opekta, đã không bị bỏ tù sau đó.
Wijk-Voskuijl cũng kể rằng, vì những lý do không nêu rõ, anh trở nên xa lạ với mẹ trong 10 năm cuối đời bà. Kết quả, cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Trong đó, anh không chỉ kể về lòng tốt thầm lặng từ những gì mẹ từng làm cho gia đình Frank, mà còn thuật lại nỗi đau ám ảnh trong gia đình và cả những gợn sóng chấn thương chảy vào các thế hệ sau.
Anne Frank và cuốn nhật ký nổi tiếng
Annelies Marie Frank sinh năm 1929 tại Frankfurt, Đức. Năm 1934, khi cô lên 4, gia đình cô phải chuyển tới Amsterdam (Hà Lan) sau khi Adolf Hitler và Đảng Quốc xã giành quyền kiểm soát nước Đức. Tháng 5/1940, gia đình Frank bị mắc kẹt ở Amsterdam khi Đức chiếm đóng Hà Lan. Anne mất quốc tịch Đức vào năm 1941 và trở thành người không có quốc tịch. Khi cuộc đàn áp người Do Thái leo thang vào tháng 7/1942, gia đình Frank trốn trong căn phòng phía sau tủ sách ở tòa nhà mà bố cô làm việc. Thời gian ẩn nấp tại đây, từ năm 1942 tới 1944, Anne thường xuyên viết nhật ký.
Sau khi bị bắt, nhà Frank bị chuyển tới các trại tập trung. Tháng 11/1944, Anne và chị gái bị chuyển từ Auschwitz tới trại tập trung Bergen-Belsen, nơi họ chết vì bệnh sốt phát ban vài tháng sau đó.
Sau chiến tranh, bố cô trở lại Hà Lan và được các nữ thư ký cũ của ông, Miep Gies và Bep Voskuijl, trao cho cuốn nhật ký của Anne mà họ giữ lại. Ông quyết định thực hiện ước nguyện lớn nhất khi sống của Anne là trở thành nhà văn khi xuất bản cuốn nhật ký của cô vào năm 1947. Hiện, cuốn nhật ký - với tên gọi The Diary of a Young Girl (bản dịch tiếng Việt là Nhật ký Anne Frank) - là 1 trong những cuốn sách nổi tiếng nhất thế giới, được dịch ra hơn 70 ngôn ngữ.
Tags