Munich là một thành phố thật kỳ lạ, của quá nhiều tương phản. Thành phố của những người đẹp một thời thế kỷ 19 cũng là nơi đã tạo ra những cuộc cách mạng, những trào lưu xã hội, những cuộc lật đổ và cả sự ra đời của chủ nghĩa phát xít.
Adolf Hitler, một người Áo, đã dựng lên chủ nghĩa quốc xã ở đây, đã biến Munich thành "cơ sở" để từ đó nắm chính quyền, trở thành Thủ tướng Đức vào năm 1933, từ đó bắt đầu gieo rắc tội ác. Có quá nhiều nơi ở Munich gợi lại những gì từng gắn bó với thời kỳ đen tối ấy của nước Đức.
Tôi đến trại tập trung Dachau vào một buổi chiều, sau chuyến thăm lâu đài Nymphenburg. Nó nằm ở bên rìa của thị trấn Dachau ở ngoại ô Munich và tại nơi bây giờ là khu tưởng niệm Dachau, đã từng là khu trại khét tiếng của chủ nghĩa quốc xã. Nó được tạo ra năm 1933, ngay sau khi đảng quốc xã của Hitler giành được chính quyền, là trại tập trung đầu tiên của chế độ phát xít. Ban đầu là nơi giam cầm những người chống đối chế độ Hitler, nó đã được mở rộng ra thành nơi giam tù binh, nơi chế độ phát xít khủng bố, giết chóc người Do thái và tiến hành những thử nghiệm thiếu nhân tính lên tù nhân.
Dù "chỉ" có 20 nghìn người thiệt mạng trong thời gian bị giam cầm và hành hạ ở đây từ 1933 đến 1945, một con số được cho là nhỏ so với những trại tập trung khác như Majdanek, Buchenval và nhất là Auschwitz, cách vận hành Dachau và sự tàn bạo của lực lượng SS đã biến nó trở thành "hình mẫu" để từ đó SS mở thêm nhiều trại tập trung khác, đặc biệt là tiến hành "Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do thái" khi giết hại một cách có hệ thống hàng triệu người Do thái. Cái chết và sự đàn áp một cách tàn bạo, tước đoạt quyền sống của nhiều dân tộc dựa trên những chủ thuyết hoang tưởng về sự thượng đẳng chính là tuyên ngôn của một chế độ tìm cách tiêu diệt những người chúng cho là hạ đẳng, để rồi cuối cùng chính chúng cũng đi đến chỗ diệt vong.
Dachau của hiện tại vẫn rất u ám, với những tháp canh và vài khu trại vẫn được giữ nguyên. Nó vẫn có thể khiến người đến thăm rùng mình khi xem những bức ảnh và thước phim về các nạn nhân được chiếu trong khu tưởng niệm. Nhiều năm trước, tôi đã đến Auschwitz, nay là Oswiecim, ngoại ô cố đô Krakow của Ba Lan. Những khu trại, lò thiêu xác, những hàng rào dây thép gai, cánh cổng sắt có dòng chữ "Arbeit macht frei" (Lao động đưa bạn đến tự do) để lừa phỉnh những người được đưa đến đó là để lao động nhưng thực ra là vào chỗ chết, vẫn còn đó.
1,1 triệu người đã chết ở Auschwitz, chủ yếu là người Do thái. Nỗi ám ảnh về những nơi thế này sẽ theo chân nhiều người tới đây, trong đó có tôi. Những nghiên cứu xã hội học ở Đức trong nhiều năm cho thấy người ta có xu hướng quên đi quá khứ tàn bạo này mà người Đức đã gây ra trong những năm tháng ấy. Ở chính Dachau, ngay ở khu chung cư xây gần khu tưởng niệm, người ta cũng chỉ coi đó là một di tích như bao di tích khác của quá khứ.
Đó là hai Munich ở cách nhau gần một tiếng đi lại bằng phương tiện công cộng. Nymphenburg tôn thờ cái đẹp và là một biểu tượng về thẩm mỹ, về cuộc sống. Dachau lại tôn thờ cái chết bằng cách tiêu diệt tự do một cách tàn bạo. Cả hai đều được gìn giữ cho hậu thế để hiểu được giá trị của cuộc sống, của cái đẹp.
A.N
Tags