Đặt tên cho một địa danh Thủ đô hẳn không là chuyện đơn giản. Trong cuốn Tên phố và đường Hà Nội, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc kể, trước thời thuộc Pháp, phố phường Hà Nội cũ được đặt tên theo một số cách. Chẳng hạn, dựa theo các dải đất hoặc công trình mà phố đi qua, như phố Cầu Gỗ vốn nằm gần một cái ngòi nối vào Hồ Gươm, trên ngòi có một cây cầu gỗ. Phố Tràng Tiền có một “trường đúc tiền” xây dựng từ năm 1807, chuyên sản xuất tiền đồng để gửi vào kinh thành Huế và lưu hành trên toàn quốc.
Cách khác là lấy tên các sản vật mà người phố đó buôn bán, ví dụ Hàng Điếu thời xưa chuyên bán các loại điếu hút thuốc lào, Hàng Dầu bán dầu lạc, dầu vừng…
Sau này, phố phường Hà Nội được đặt theo từng cụm, mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử. Việc đặt tên phố phường theo tên các anh hùng, danh nhân là cách làm phổ biến nhất. Song các tên đường không bị xếp lộn xộn mà theo một trật tự rõ ràng.
Có thể xem mạn quanh Hồ Gươm - trung tâm Thủ đô - là “khu vực” của các triều đại mở đầu cho lịch sử đất nước: Ngô, Đinh và Tiền Lý. Các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ đều là những con đường lớn, rất đẹp và nằm gần nhau ở trung tâm thành phố. Đi về hướng Cung Văn hóa Hữu nghị là “địa phận” của nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành…
Những phố phía hồ Tây mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân. Những phố nằm gần doanh trại quân đội trên đường Trường Chinh được đặt theo tên các vị tướng tài ba của Việt Nam: Vương Thừa Vũ, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn...
2. Nói lại điều đó để thấy, những địa danh gắn với tiềm thức người dân thì không thể thay đổi. Việc Hà Nội đặt tên phố gần đây đều là với những con đường chưa có tên gọi chính thức. Mới đây, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về đặt tên đường Võ Nguyên Giáp cho đoạn đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân dài 12km.
Nhật Tân là cái tên đi vào tiềm thức sâu xa của người Hà Nội. Dinh đào Nhật Tân được coi là nơi xuất xứ của giống đào Nhật Tân đã biến mất và sẽ trở thành hoài niệm của người dân đam mê sắc đào Hà Nội.
Nhật Tân còn một chút này, thiển nghĩ, ghi dấu những con người góp công của xây dựng cầu bằng “bảng đồng bia đá” như cách phổ biến xưa nay, còn hơn, nếu lấy tên cầu Hữu nghị Việt - Nhật, có thể chỉ sử dụng trong các văn bản hành chính, còn người dân theo thói quen vẫn sẽ gọi tên: Cầu Nhật Tân.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Tags