(Thethaovanhoa.vn) - “Đề xuất lập “phố nhạy cảm” thật là nhạy cảm” - ông chủ thở dài. Khi bà chủ vẫn ngơ ngác chưa hiểu gì, ông chủ nói tiếp về đề xuất gần đây trong một cuộc hội nghị. Theo đó, “phố nhạy cảm” sẽ là địa điểm hoạt động của các dịch vụ massage, bar, karaoke, cắt tóc…
Lý do để thành lập “phố nhạy cảm” (nhưng không phải mại dâm) là theo thống kê tại hội nghị, cả nước có 11.000 người bán dâm, gần 100.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm với hơn 59.500 nhân viên nữ đang làm việc.
Nói ngắn gọn, đề xuất của Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội TP.HCM không phải là thành lập “khu đèn đỏ” mà là tập hợp các cơ sở kinh doanh bị gắn mác “nhạy cảm” lại để dễ quản lý.
Chuyện khả thi hay bất khả thi; vi phạm thuần phong mỹ tục hay thẳng thắn đối diện với thực tế… được các kênh truyền thông mổ xẻ rất kỹ. Song, Remote tôi thấy một điều rất đặc biệt trong dòng sự kiện được nhiều người quan tâm này.
Đó là việc các bài viết trên các trang báo điện tử hay trong các diễn đàn mạng đều được phản hồi rất nhiều song trên Facebook lại không có hiệu ứng tương xứng. Trong khi, với các dòng thông tin thông thường, các kênh đều tỉ lệ thuận với nhau.
***
Nguồn cơn của “sự lạ” này là bởi người ta ngại ra mặt bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề vốn bị coi là không mấy tử tế. Cụ thể, nếu phản đối đề xuất lập “phố nhạy cảm” thì còn tạm được.
Song, thật khó để những ông chồng “đầy đạo đức” công khai quan điểm ủng hộ của mình với đề xuất này. Nên, bình luận ở những diễn đàn ảo hay sau những bài báo ở chế độ Anonymous (ẩn danh) thì dễ, lên Facebook ủng hộ trước sự quan sát của người thân, đồng nghiệp và… vợ thì e chừng không thể.
Chuyện ủng hộ “phố nhạy cảm” ở kênh nào nghe chừng nhỏ bé song nó phản ánh rõ thái độ của dư luận với vấn đề này. Rằng “phố nhạy cảm” vẫn còn rất… nhạy cảm. Rằng tâm thức chung của cộng đồng vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận “phố nhạy cảm” như một phần của xã hội.
Và nữa, mới chỉ thể hiện quan điểm mà những người đàn ông (những khách hàng tiềm năng của “phố nhạy cảm” sau này- nếu có) đã ngại ngùng đến vậy thì ai dám ra mặt tới lui “phố nhạy cảm”?
Hay nói khác đi, chừng nào dư luận và những nhà làm luật còn không gọi đúng tên sự vật, hiện tượng mà dùng từ rất chung chung là “nhạy cảm”, chừng đó, chúng ta chưa thể đối diện và quản lý tệ nạn xã hội triệt để. Và chúng ta cần một thời gian dài nữa để có những bước chuyển về nhận thức cộng đồng.
Từ đó, những văn bản hành chính mới có thể đi vào đời sống thực sự thay vì đề xuất khơi khơi khi mọi thứ chưa đủ độ “chín”.
Remote
Thể thao & Văn hóa
Tags